Dummies đi hội thảo: Bí kíp đi 1 được 10 (Phần 2)
Sau khi đã hiểu bản thân, lắng nghe tích cực (đã đề cập trong phần 1), các bạn trẻ nếu muốn thu lượm kiến thức và mối quan hệ “khủng" hãy trang bị thêm 3 bí kíp sau đây.
1. Biết “chấm hỏi”
Tham gia sự kiện Marketing Chuyện người trong nghề với vai trò Mentor, tôi có vai trò giải đáp thắc mắc của các bạn về thông tin, kinh nghiệm thực tế về nghề. Bên cạnh các câu hỏi đúng và sâu, cũng có không ít câu “dễ thương” và căn bản quá mức như “Bí quyết có ý tưởng", “Làm content là làm gì?”
Thực tế, người hỏi những câu này không sai. Nhưng trong khuôn khổ 1 hội thảo, nơi thường để bàn luận về 1 chủ để được biết trước, người tham gia nên nắm sơ một khái niệm căn bản để vừa có thể hiểu nội dung được bàn đến, vừa có thể đặt được câu hỏi giúp mình tìm hiểu sâu thêm thông tin.
Những ai biết chuẩn bị câu hỏi trước là người đã dành thời gian tự đào sâu nghiên cứu và khao khát tìm giải đáp cho thắc mắc. Thế nên khi ra về từ hội thảo, họ thu được rất nhiều kiến thức về cho mình.
Với những bạn chưa biết nên đặt câu hỏi gì, 4 gợi ý hay sau sẽ giúp bạn:
- Hỏi quan điểm của diễn giả về một vấn đề (Ví dụ: Chị có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề abc…)
- Đặt tình huống và học từ cách giải quyết của Diễn giả
- Hỏi cách Diễn giả làm được một thành công/thành tựu nào đó
- Không biết gì nữa thì bí quyết dành cho bạn là Câu hỏi Tại sao?
Để tránh “hội thảo đến em không mong chờ gì, hội thảo đi em không hề hối tiếc”, hãy chuẩn bị những câu hỏi có thể giúp mình khai thác tối đa lợi ích từ hội thảo, tận dụng cơ hội được giải đáp thắc mắc và nhận được lời khuyên để khai phóng năng lực của bản thân.
2. Đời thay đổi khi ta... bắt chuyện
Hội thảo là nơi quy tụ những người yêu thích, cùng chí hướng, và có kinh nghiệm kiến thức trong lĩnh vực chung quan tâm. Trong sự kiện Forbes 2018 tôi kết nối được hơn 20 người, và thúc tiến mối quan hệ hợp tác kinh doanh được với 2 người. Có thể thấy, khách hàng và cơ hội có sẵn trong sự kiện. Quan trọng là có tận dụng được cơ hội ấy hay không.
Để nắm bắt cơ hội, hãy chủ động bắt chuyện người mà bạn muốn tiếp cận. Không nên có tâm lý “chắc người ta không muốn nói chuyện với mình". Thực tế, không thể nhìn một người rồi đoán người đó như thế nào. Chỉ khi nói chuyện, cơ hội mới có thể mở ra.
Một bí quyết đơn giản nhưng luôn thành công đó là hãy bắt đầu bằng 1 việc duy nhất: Mỉm cười và nói “Chào anh/ Chào chị" và để mọi thứ diễn ra tự nhiên.
Ai cũng muốn có những mối quan hệ tốt. Vì vậy hãy phá vỡ bức tường băng sợ hãi kia và chủ động kết nối, bạn trẻ sẽ nhanh chóng có được điều mình muốn.
3. Hành động hậu hội thảo
Sai lầm lớn nhất của các bạn trẻ khi đi hội thảo đó là KHÔNG LÀM GÌ sau khi về. Không làm gì đồng nghĩa với việc ngày hôm đó bạn không hề có mặt ở buổi hội thảo. Kiến thức sẽ bị quên lãng nếu không được ghi lại trong đầu bằng hình thức nào đó.
Bạn trẻ có thể làm một số cách để ghi nhớ kiến thức sau hội thảo như post Facebook những điều bạn đã học được. Thay vì xem Facebook là nơi để giải trí, hãy tận dụng các ưu điểm của nó thông qua việc chia sẻ những điều mình học được đến mọi người.
Bên cạnh đó, hãy chủ động kết nối với diễn giả sau sự kiện thông qua Facebook hay Email. Chỉ khi bắt đầu kết nối, bạn mới biết mối quan hệ đó dẫn dẫn bạn đến cơ hội nào. Nếu không hành động, đương nhiên không có gì diễn ra.
Sau sự kiện tôi nhận được hàng chục lượt kết bạn của các bạn sinh viên, nhưng chỉ có 5 bạn có inbox riêng. Đơn giản lịch sự giới thiệu bạn là ai, đến từ đâu, gặp gỡ diễn giả/ người đó ở đâu, lý do bạn muốn kết nối. Như thế đã đủ khiến bạn nổi bật giữa những người khác.
Kết luận
Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân. Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù chỉ là một việc đơn giản nhất: hãy cười với một người lạ trong hội thảo, hãy bắt chuyện với một người có quan tâm đến lĩnh vực của bạn...
Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị.
Chẳng cần biết là có thành công hay thất bại, chỉ là dám thử!
Về tác giả:
Trâm Lê là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông khai thác mảng Nội dung chuyên sâu (In-depth content) và được bổ trợ kinh nghiệm và kiến thức từ 7 năm làm việc trong ngành Truyền thông - Marketing. Với mong muốn nâng tầm và khai phóng năng lực của các bạn trẻ, Trâm Lê đã cho ra đời khóa học Communication@Work trên Brands Vietnam nhằm tháo gỡ vướng mắc của các bạn về giao tiếp nơi công sở.
Trâm Lê - Yến Mi