5 yếu tố làm logo bị mất giá trị

Logo được xem là diện mạo của doanh nghiệp, là biểu tượng đại diện cho một tổ chức, đem các giá trị cốt lõi và tinh thần của doanh nghiệp đến với khách hàng. Một Logo tốt không những thể hiện nét độc đáo, sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp, mà còn có thể gây ấn tượng tốt với khách hàng, đối tác. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều này, có những sai lầm trong thiết kế logo có thể sẽ làm mất đi giá trị của một Logo và thương hiệu.

Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ 5 yếu tố có thể khiến cho logo của doanh nghiệp bị mất giá trị.

1. Thiết kế logo sử dụng giống biểu tượng nổi tiếng

Chúng ta thường thấy một ranh giới mỏng manh giữa "cảm hứng" và "đạo văn". Bắt chước hay làm tương tự theo một logo nổi tiếng nào đó chính là một trong những điều tồi tệ nhất bạn có thể làm với logo của bạn. Nếu người nào đó nói với bạn rằng bạn đang sao chép ý tưởng logo của họ thì đây sẽ là một sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Để tránh tình trạng vô tình tạo ra những đường nét tương tự trong thiết kế, bạn nên tìm hiểu qua trước khi thiết kế để tránh trường hợp khi logo hoàn thành mới nhận ra là giống đối thủ cạnh tranh.

2. Logo mang gợi hàm ý nhạy cảm hoặc tiêu cực

Cho dù thiết kế logo của doanh nghiệp bạn không có hàm ý nhạy cảm hay tiêu cực, tuy nhiên đôi khi mẫu thiết kế có thể khiến người xem liên tưởng sang ý đồ khác hoặc cũng có thể bị đối thủ "chơi xấu" bằng việc "thêm mắm thêm muối" vào mẫu thiết kế logo, điều này có thể làm giảm đi uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Logo là những biểu tượng mà tính liên kết và liên tưởng được thể hiện rất mạnh. Bạn cần hết sức lưu khí trong việc phối màu, sắp xếp hình khối và kiểu chữ nhằm tránh tạo cảm giác cho người nhìn về một thông điệp nhạy cảm.

Dưới đây là một số ví dụ điển hình

5 yếu tố làm logo bị mất giá trị

Trên hình, logo của một nhà hàng Trung Quốc làm người ta khó mà nhịn nổi cười. Đó là khi mặt trời màu đỏ kết hợp cùng chiếc mái nhà cong trông như hình cái mông.

5 yếu tố làm logo bị mất giá trị

Trước khi bán sản phẩm của mình tại Anh, Ý và Nga, A-style đã tung ra một logo khiến rất nhiều người hiếu kỳ bởi trông nó thực sự nhạy cảm. Sau đó, hãng đã chào bán mặt hàng quần áo của mình với sự đón nhận rộng rãi.

3. Đi ngược với yếu tố phong thủy

Không chỉ trong việc thiết kế logo, văn hóa Việt Nam luôn coi trọng yếu tố phong thủy. Khi thiết kế logo cần hết sức lưu ý, dù cho bạn không phải là người quá chú trọng về phong thủy, nhưng có thể khách hàng của bạn lại rất quan tâm. Vì vậy thiết kế logo cần đảm bảo không đi ngược với yếu tố về phong thủy, tức là đừng làm trái ngược hoặc tạo cảm giác khó chịu cho khách hàng, bởi điều đó có thể khiến khách hàng ác cảm, thậm chí là "tẩy chay" với thương hiệu của bạn.

4. Thiết kế cho chính mình hơn là làm cho khách hàng

Rất nhiều doanh nghiệp đưa quá nhiều cái TÔI vào việc thiết kế logo mà quên đi rằng thiết kế logo là phục vụ cho khách hàng, không phải cho chủ doanh nghiệp. Với những nhà thiết kế logo chuyên nghiệp thì họ sẽ thường yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về khách hàng mục tiêu, thị trường mục tiêu hay cá tính thương hiệu, ... Như vậy, tức là họ đang làm đúng trách nhiệm của người thiết kế logo, họ hiểu là logo được làm ra để phục vụ đối tượng khách hàng nào, từ đó mới có thể làm tốt nhất.

5. Thiết kế bởi những người không chuyên

Một doanh nghiệp chuyên nghiệp phải thể hiện được tính chuyên nghiệp của mình. Chủ sở hữu của những doanh nghiệp mới thường đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc cho tài sản và các trang thiết bị, nhưng thường ít chú trọng khi đầu tư xây dựng logo.

Dưới đây là 5 lý do chính giải thích vì sao nhiều logo trông không được chuyên nghiệp:

1. Vì có biết sử dụng phần mềm photoshop và quyết định tự thiết kế logo để tiết kiệm chi phí.
2. Bạn bè hay người thân biết chút ít về thiết kế đồ họa và nhận làm giúp.
3. Ủy quyền sai người (Các nhà in thường không thành thạo trong việc thiết kế logo)
4. Chọn một công ty thiết kế logo giá rẻ.
5. Cho rằng công ty còn nhỏ nên chưa cần đầu tư thiết kế logo chuyên nghiệp

Theo Blog.bigsouthbrand.com