Bphone 3 ra mắt và sức cạnh tranh yếu ớt trước các đối thủ nước ngoài
Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu với tốc độ tăng trưởng đạt 69%/năm. Điều này sẽ tác động đến xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của người tiêu dùng.
Việt Nam được biết đến là quốc gia có tỉ lệ tiêu thụ smartphone lớn nhất, chiếm hơn 70% tổng số điện thoại di động đang được sử dụng. Hơn thế mỗi cá nhân thường sở hữu từ 1-3 chiếc smartphone.
Bphone là dòng điện thoại di động thông minh của Việt Nam do nhà sáng lập Nguyễn Tử Quảng tạo ra. Nếu như Bphone 1 và 2 là cú flop đối với Nguyễn Tử Quảng và BKAV với số tiền lỗ hàng tỷ đồng để đầu tư cho dòng điện thoại mang thương hiệu của Việt Nam, thì ngày 10/10 gần đây, phiên bản Bphone 3 tiếp tục được trình làng tạo ra nhiều luồng tranh luận. Khác với 2 lần flop trước đó, Bphone 3 được đánh giá có thể cạnh tranh với phân khúc điện thoại tầm trung với giá rơi vào tầm 7 triệu đồng. Bphone cũng có các tính năng được cải thiện đáng kể so với các đời trước đó với thiết kế tràn đáy, tính năng chống nước chuẩn IP68, camera AI chụp xóa phông chuyên nghiệp…
Việc Bphone liên kết với 300 cửa hàng điện thoại di động, trong đó không có hệ thống của Thế giới di động có thể là một chiến lược đúng đắn để giảm bớt tính cạnh tranh tại các cửa hàng lớn song với hình thức bán ký gửi thì đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Nguyễn Tử Quang và BKAV.
Tuy vậy, vẫn thật khó để Bphone khẳng định tên tuổi của mình trên thị trường Việt Nam nơi mà người tiêu dùng đã quá quen thuộc với Samsung của Hàn Quốc, Apple của Mỹ hay OPPO đến từ Trung Quốc. Theo số liệu của CTCP Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng sản xuất điện thoại di động của các hãng trên đều giảm so với cùng kì năm trước, nhưng tại thị trường Việt Nam, sản lượng vẫn tiếp tục tăng.
Mặc dù doanh số điện thoại trên toàn cầu của Samsung trong 6 tháng đầu năm sụt giảm 10.2 triệu chiếc, tương ứng giảm 6.38% tuy nhiên sản xuất điện thoại tại Việt Nam vẫn tăng nhẹ do Việt Nam vẫn là một trong những thị trường sản xuất điện thoại chính của Samsung. Hãng này đang chiếm khoảng 46.5% thị phần điện thoại của Việt Nam trong năm 2017. Trong nửa đầu năm, Samsung liên tục cho ra mắt các dòng điện thoại khác nhau ở mọi phân khúc nhằm giữ vững thị phần.
Galaxy J7 Pro đang được ưa chuộng bên cạnh các đối thủ từ các hãng điện thoại giá rẻ như Huawei nova 3i, Oppo F7 và Xiaomi Mi A2 với cùng mức giá 6.9 triệu đồng. Do đó, thị trường bán lẻ điện thoại di động trong 2 quý đầu năm được nhìn nhận là diễn ra sôi động.
Tuy nhiên, ở phân khúc cao cấp của thị trường điện thoại di động, sự ra mắt của bộ đôi Galaxy S9/S9+ của Samsung và dòng iPhone Xs, Xs Max, Xr của “trái táo cắn dở” được coi là không mấy thành công tại thị trường Việt Nam và đều ghi nhận doanh số khá ảm đạm trong thời gian qua do giá cao và không có nhiều tính năng vượt trội hơn so với các đời trước đó.
Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu với tốc độ tăng trưởng đạt 69%/năm. Điều này sẽ tác động đến xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của người tiêu dùng. Xu hướng chuyển từ điện thoại với chức năng cơ bản sang điện thoại thông minh trong thời gian tới đang có xu hướng chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục diễn ra. Trong giai đoạn 2017 – 2019, dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện thoại di động tại Việt Nam sẽ đạt trung bình 6%/năm. Đây là một tín hiệu tốt để dòng sản phẩm Việt Nam tiếp tục tìm chỗ đứng trong thị trường này.