Marketer Đặng Đăng Trường
Đặng Đăng Trường

Marketing Supervisor @ YouNet Group

So sánh chiến lược Marketing trên ứng dụng di động của Lazada và Shopee

So sánh chiến lược Marketing trên ứng dụng di động của Lazada và Shopee

Ngày độc thân 11/11 năm nay, hai sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada không hẹn mà gặp đều tập trung đẩy mạnh các hoạt động khuyến mãi dành riêng cho ứng dụng di động.

Có thể thấy hai công ty này đã nắm bắt được một xu hướng ở Việt Nam là người tiêu dùng sẽ dần dịch chuyển từ mua sắm trực tuyến bằng máy tính để bàn sang bằng thiết bị di động.

Đây cũng là một hiện tượng đã và đang xảy ra tại Trung Quốc và đã được Alibaba tận dụng thành công. Tuy nhiên, cách thực hiện của Shopee và Lazada thể hiện nhiều sự tính toán riêng cũng như một sức sáng tạo vượt ngoài khuôn khổ đã có trước đó.

Bài học từ Trung Quốc

Trước tiên, để hiểu về tầm quan trọng của mua sắm trên di động đối với thương mại điện tử, hãy cùng nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc.

Hồi tháng tư năm nay, công ty nghiên cứu thị trường eMarketer đã thống kê rằng trung bình mỗi ngày, một người Trung Quốc trưởng thành sẽ dành đến 2 giờ 39 phút để tương tác với các thiết bị di động.

Con số này chiếm đến 41,6% tổng thời lượng người Trung Quốc dành cho các kênh truyền thông. eMarketer cũng kết luận rằng thiết bị di động nay đã chính thức phổ biến hơn truyền hình tại quốc gia này.

Với những ai quen thuộc với xã hội Trung Quốc, đây có lẽ không phải là điều quá bất ngờ.

Thử đặt chân vào một ga tàu điện ngầm tại Trung Quốc, bạn sẽ được chứng kiến một hiện tượng độc đáo: loa phóng thanh thay vì thông báo lịch tàu chạy thì sẽ liên tục phát đi các thông điệp nhắc nhở mọi người… ngưng dán mắt vào màn hình điện thoại và chú ý nhìn đường.

So sánh chiến lược Marketing trên ứng dụng di động của Lazada và Shopee

Hình ảnh thường gặp ở nơi công cộng tại Trung Quốc - Nguồn ảnh: SCMP

Những ứng dụng di động đa năng như Taobao hay Wechat cũng là xu hướng công nghệ nổi bật nhất tại Trung Quốc các năm gần đây. Những hoạt động thường ngày như thanh toán khi mua sắm hay đặt lịch khám bác sĩ nay cũng được người dân nước này thực hiện thông qua các siêu ứng dụng.

Còn tại Việt Nam, số liệu từ cổng thương mại điện tử iPrice Group đã chỉ ra xu hướng tương tự: xét trong Ngày độc thân năm 2018, lưu lượng mua sắm bằng thiết bị di động tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái: từ 62.5% lên 80,4%.

So sánh chiến lược Marketing trên ứng dụng di động của Lazada và Shopee

Lượng mua sắm bằng thiết bị di động tăng từ 62.5% lên 80,4% - Nguồn: iPrice Group

Hiện tượng này chắc chắn đã được Lazada và Shopee chú ý đến.

Trong bài phỏng vấn với tờ The Drum, ông Jing Yin - đồng chủ tịch Lazada Group, cho biết: “Người dùng đang ngày càng tương tác với nhiều ứng dụng di động hơn trước. Bắt đầu từ shopping trên ứng dụng Taobao thì giờ họ đã chuyển sang livestream trên Taobao, theo dõi xu hướng thời trang trên Taobao, v.v…”.

Còn Shopee thì thẳng thắn viết trên trang blog dành cho thị trường Singapore rằng: “Nhằm tận dụng sự phổ biến ngày càng tăng của thiết bị di động ở Đông Nam Á và Đài Loan, Shopee tập trung phát triển ứng dụng Shopee trên di động, điểm chạm đầu tiên trên hành trình mua sắm của khách hàng”.

Tuy vậy, cả hai công ty đều nhận thức được rằng họ không thể bê nguyên xi mô hình của các công ty Trung Quốc vào áp dụng ở Đông Nam Á.

Áp dụng vào Đông Nam Á

Cũng trong bài viết của tờ The Drum, ông Jing Yin cho biết thêm: “[…] người mua hàng thường sẽ nhanh cảm thấy chán hơn khi dùng ứng dụng di động so với khi dùng máy vi tính. Vì vậy, với những công nghệ mà chúng tôi đang sử dụng, chúng tôi cần làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn và cung cấp các nội dung đúng nhu cầu hơn”.

Lazada hiểu rằng thói quen sử dụng công nghệ của người tiêu dùng ở Đông Nam Á hiện tại đã có nhiều sự khác biệt so với người dân Trung Quốc cách đây vài năm, thời điểm Alibaba vừa mới nổi lên. Người tiêu dùng bây giờ có nhiều sự lựa chọn hơn, nhiều nhu cầu hơn và sẽ không dễ để các sàn thương mai điện tử giữ chân được khách trên ứng dụng của mình.

Và đó là tiền đề khiến Lazada giới thiệu nhiều hình thức khuyến mãi độc lạ trên ứng dụng của mình cho dịp lễ 11/11 này như “Chém Giá” hay “Shake Shake”.

So sánh chiến lược Marketing trên ứng dụng di động của Lazada và Shopee

Chương trình Chém Giá mừng 11/11 của Lazada Việt Nam

Nói về các chương trình này, ông Jing giải thích như sau: “Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng tôi có thể kết hợp tính giải trí của các trò chơi với các chương trình khuyến mãi phù hợp để thu hút khách hàng. Đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ và sẽ vẫn còn được tiếp tục”.

Như vậy, Lazada đã chọn áp dụng chiến thuật gamification – “game hóa”. Với chiến thuật này, các chương trình khuyến mãi của Lazada sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu về giá của người mua hàng mà còn cả nhu cầu giải trí và kết nối bạn bè, từ đó kích thích họ tương tác nhiều hơn và nán lại lâu hơn với Lazada.

Trong khi đó, đối thủ của Lazada là Shopee lại có cách khác để giải quyết cùng một bài toán thu hút người dùng.

Trong bài báo cáo về Shopee ra hồi tháng 3, công ty nghiên cứu thị trường Econsultancy đã nhận định: “Shopee tập trung vào ứng dụng di động ngay từ đầu và xây dựng giao diện người dùng xung quanh mục tiêu này. Điều này khiến cho trải nghiệm mua sắm trên di động với Shopee trở nên rất nhanh và trực quan”.

Không dừng lại ở đó, Shopee còn tập trung vào việc “bản địa hóa” các chiến dịch trên di động cho mỗi quốc gia thị trường.

Cụ thể, khi nhận thấy khách hàng trẻ tuổi chiếm đến 30% thị trường Việt Nam, Shopee đã quyết định chọn Sơn Tùng, Tiến Dũng và Bảo Anh, đều là những gương mặt ngôi sao được giới trẻ đặc biệt chú ý để làm gương mặt đại diện.

So sánh chiến lược Marketing trên ứng dụng di động của Lazada và Shopee

Bảo Anh và Tiến Dũng là gương mặt đại diện của Shopee Việt Nam

Với thị trường Thái Lan, Shopee lại chọn hai diễn viên mang dòng máu lai Á-Âu vì họ nhận thấy người dân đất nước Chùa Vàng có cảm tình đặc biệt với những người có gốc con lai.

Trong khi đó tại Malaysia, sau khi có nghiên cứu chỉ ra rằng người dân ở quốc gia này rất thích flash sale thì Shopee ngay lập tức mở chương trình giảm giá sốc diễn ra hàng ngày.

Còn rất nhiều những ví dụ như vậy để minh chứng cho chiến thuật cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng của Shopee. Bằng cách tạo ra những chiến dịch và những tính năng đặc biệt để theo sát nhu cầu và tâm lý của từng khách hàng, Shopee đã giúp nâng cao sự hài lòng của họ, khiến họ thoải mái hơn khi sử dụng ứng dụng di động của Shopee.

Kết

Như vậy, cả Shopee và Lazada đều đang có những cách thức riêng của mình để tập trung tấn công vào thị trường mua sắm trên di động. Bước đầu cả hai đều đã đạt được thành công đáng kể. Cụ thể, theo Bản đồ thương mai điện tử của iPrice Group, hai ứng dụng di động của Shopee và Lazada liên tục so kè nhau ở các thứ hạng cao nhất tại thị trường Đông Nam Á.

Nhưng về lâu dài, cách của ai mới là đúng đắn hơn? Công ty nào sẽ chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng của khu vực? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Theo iPrice Group