Chuyên gia VCCorp: Cuộc chiến báo chí với Google và Facebook chỉ mới bắt đầu
Phó tổng giám đốc VCCorp Phan Đặng Trà My nhấn mạnh cuộc chơi này sẽ là câu chuyện của sự lựa chọn về chiến lược, phụ thuộc vào việc đánh giá kẻ thù và nhìn nhận lợi ích.
Mở mắt khi chuông báo thức kêu ầm ĩ, Hương với tay lấy chiếc điện thoại di động đặt ở đầu giường một cách vô thức. Điều đầu tiên là cô tắt ngay thứ âm thanh inh ỏi kia và điều thứ hai là lướt Facebook.
Ngón tay cô lướt dọc màn hình, kéo xem những bài đăng mới. Một vài dòng trạng thái, một vài tin tức cũng kéo cô nằm lại trên chiếc giường thêm nửa tiếng đồng hồ.
“Mình khá ít vào các trang báo đọc mà chủ yếu tiếp nhận thông tin qua Facebook nhờ vào những đường link được chia sẻ hay những chủ đề được bàn tán nhiều trên mạng xã hội này. Khi phải nghiên cứu sâu hoặc tìm hiểu thêm về xu hướng nào đó, mình mới đọc thêm báo nhưng chủ yếu nhờ vào việc tìm kiếm trên Google”.
Không chỉ Hương mà rất nhiều bạn trẻ khác, thậm chí những người trung niên cũng đang thay đổi hành vi đọc báo và tiếp nhận tin tức hàng ngày.
“Ngay cả bố mẹ mình cũng ít xem tivi và dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại di động. Ngày trước bố mình thậm chí còn đặt báo giấy nhưng mọi thứ đã thay đổi khi có máy tính và sau này là điện thoại”.
“Mình ít khi truy cập trực tiếp vào 1 trang báo hay trang tin gì đó vì gần như mọi thứ mình quan tâm đều có fanpage trên Facebook. Khi gặp thông tin gì hay ho hoặc đường link bài được chia sẻ, mình sẽ bấm đọc”, Hương chia sẻ.
Rõ ràng, sự xuất hiện và bùng nổ của những cái tên như Google và Facebook đang khiến việc tiêu dùng và tiếp nhận thông tin thay đổi mạnh mẽ, đặt ra những câu hỏi mới cho báo chí trong thời đại công nghệ số.
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu
Chia sẻ với TheLEADER bên lề chương trình Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) 2018, Phó tổng giám đốc VCCorp Phan Đặng Trà My cho rằng cuộc chiến giữa báo chí với Google và Facebook mới chỉ bắt đầu.
Bà Phan Đặng Trà My hiện còn là nữ tướng của Admicro. Ảnh: Trí thức trẻ
“Thực tế Google không sở hữu nội dung mà là nền tảng tạo ra sân chơi mới cho những người sản xuất nội dung và tạo ra kênh phân phối, do đó báo chí không nên quá lo ngại với Google”. Trong khi đó, “Facebook lại thật sự là một xu hướng đe dọa vì thói quen người tiêu dùng đang thay đổi”.
Tuy nhiên, vị nữ Giám đốc phụ trách đơn vị quảng cáo trực tuyến Admicro cho rằng: “Việc thay đổi rất nhanh và rất nóng dẫn tới việc bộc lộ ra những điểm huyệt. Đó là khi mọi người đang cảm thấy Facebook một ngày quá nhiều thông tin và thông tin rác lẫn lộn cùng thông tin hữu ích.
Trong khi hệ thống báo chí tạo ra nội dung và sở hữu nội dung, Facebook lại không hề có điều này và đây là sự khác biệt lớn nhất. Thách thức sẽ rất nhiều nhưng sự khác biệt này cũng là cơ hội để hệ thống báo chí tìm ra giá trị cốt lõi, phát triển cốt lõi ấy trên nền tảng công nghệ và sự hiểu biết người đọc.
Trong câu chuyện giữa Facebook, Google và báo chí, thách thức đến với tất cả các bên nhưng điều quan trọng là bên nào tìm ra được lối thoát, cung cấp cho khách hàng đúng nhu cầu thật sự”, bà My nhấn mạnh.
Nên ứng phó ra sao?
Chia sẻ về câu chuyện lượng truy cập (traffic), Phó tổng giám đốc VCCorp cho biết Facebook hay Goolge cuối cùng vẫn đổ traffic về tờ báo, trang tin đó và nhận định đây là cơ hội cho những trang tin mới mong muốn tiếp cận đến nhiều độc giả.
“Ngược lại, đây sẽ là thách thức đối với những trang tin, hệ thống báo chí có lượng traffic lớn khi họ đang phải chia sẻ traffic cho một cổng thông tin mới.
Do đó, mỗi tờ báo phải lựa chọn cách đi của mình, tự tin về nội dung độc đáo, đặc biệt để quyết định có chia sẻ trên nền tảng của Facebook, Google hay không hay có lợi dụng nền tảng này như một cổng thông tin hay không.
Chúng ta cần hình dung ra rằng, Facebook đang phải đối mặt với câu chuyện nội dung lẫn lộn rất nhiều, không thể phân phối đúng tới đối tượng độc giả mà họ mong muốn. Nếu báo chí coi Google và Facebook như một kênh phân phối thông tin thì sẽ tạo ra mối quan hệ cộng sinh”, bà My khẳng định.
Trước câu hỏi về khả năng thành lập một liên minh báo chí nhằm đạt được lợi thế lớn hơn, bà My cho rằng, “mong muốn thành lập liên minh chỉ phát sinh khi họ có cùng nhu cầu, cùng lợi ích hoặc cùng mối đe dọa”.
“Nếu nói rằng báo chí Việt Nam chưa từng ngồi lại với nhau thì chưa chính xác bởi sự cộng tác đã diễn ra tại VCCorp cách đây hơn 10 năm. Việc liên kết các tờ báo, các trang tin điện tử khác nhau trong cùng một hệ thống phát triển từ câu chuyện nếu không cộng sinh với nhau, chúng ta không thể tạo ra một thực thể báo chí đủ lớn”.
Tuy nhiên, “việc mở rộng như thế nào và các tờ báo có nhìn ra câu chuyện này, ngồi lại với nhau hay không phụ thuộc vào việc đánh giá kẻ thù và nhìn nhận lợi ích. Quyết định nằm ở từng tờ báo và cuộc chơi này sẽ là câu chuyện về sự lựa chọn”, bà My nhấn mạnh.
Nguồn: TheLEADER