Báo chí là người bạn đồng hành của Doanh nghiệp trong kỷ nguyên số 4.0
Với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp từ năm 1999 và sau này là Luật Doanh nghiệp 2005, cùng với sự bùng nổ, phát triển nhanh chóng của khối DN, người ta thấy rõ vai trò không thể thiếu của báo chí trong sự đồng hành, hợp tác và hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Thực ra ngay từ khi chuẩn bị cho những bản dự thảo đầu tiên của Luật Doanh nghiệp, đã thấy sự tham gia tích cực của báo chí trong việc đưa tin, tuyên truyền, vận động cho sự ra đời của bộ luật đặc biệt quan trọng này - bởi nó tạo nên một nền tảng, hàng lang pháp lý có hệ thống, đầy đủ và chặt chẽ nhất từ trước cho đến thời điểm năm 1999 cho DN.
Tự tìm đến nhau
Liên tục nhiều năm sau đó, cho đến Luật Doanh nghiệp năm 2005, dư luận đã thấy sự vào cuộc, đấu tranh không mệt mỏi của báo chí về việc dỡ bỏ các giấy phép con, cải cách thủ tục hành chính… để tạo điều kiện cho các DN dễ dàng ra đời và hoạt động hơn. Và suốt từ đó đến nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ DN với số lượng hiện đã lên đến gần nửa triệu, người ta dễ thấy hầu hết các tờ báo về kinh tế - chính trị - xã hội ở tất cả các loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đã tham gia, dành thời lượng rất lớn, diện tích, vị trí quan trọng trên mặt báo để đưa tin, viết bài về tất cả những vấn đề gì đáng chú ý của DN.
Có thể thấy, mọi vấn đề, mọi khía cạnh, tin tức về đời sống DN đã được phản ánh khá đầy đủ trên báo chí trong những năm qua. Từ những vấn đề như kinh nghiệm thương trường, những mô hình, những thành công của các DN, của những doanh nhân thành công ở khu vực này cho đến những vấn đề như những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đều được phản ánh khá đậm nét ở hầu hết các tờ báo.
Không phải là tự nhiên có một xu hướng như vậy bởi yêu cầu bức thiết đặt ra buộc báo chí và DN phải tìm đến với nhau. Chính các doanh nhân, các DN cũng phải tìm đến báo chí bởi nhu cầu cần phải nắm bắt được thông tin về tình hình kinh tế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, nhu cầu quảng bá, xây dựng thương hiệu…
Đã có những khảo sát từ VCCI cho thấy, gần như 100% các DN tư nhân khi được hỏi đều cho biết, đến 80 - 90% thông tin về chính sách, pháp luật họ nắm bắt được là qua các phương tiện thông tin đại chúng bởi không có phương tiện nào truyền tải các luật, nghị định, thông tư…nhanh và đầy đủ hơn báo chí. Nhưng ngược lại, báo chí cũng phải hướng tới các DN, không chỉ là những khách hàng lớn về quảng cáo, truyền thông, đối tượng đọc báo lớn… mà đời sống của DN cũng cung cấp những chủ đề, thông tin bất tận cho báo chí để phục vụ đông đảo công chúng. Người ta có thể thấy, ở bất cứ những hội nghị, hội thảo, tọa đàm nào có nội dung về hoạt động, chính sách, môi trường kinh doanh liên quan đến DN đều có sự tham gia tích cực, đông đảo của báo chí.
Cùng phát triển
Không có một vấn đề bức xúc nào, ở trong bất cứ thời điểm nào của các DN lại không được phản ánh trên mặt báo.
Qua việc phản ánh, đưa tin về đời sống kinh doanh của các DN, những thành công, thất bại cũng như những vướng mắc, khó khăn của họ, báo chí thực hiện được vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa báo chí và Chính phủ, với các cơ quan nhà nước: để những chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đến DN được phản ánh về cả những tác động tích cực và tiêu cực của nó, đề từ đó Chính phủ cũng như các cơ quan nhà nước có những điều chỉnh tích cực, hợp lý.
Có thể thấy, không có một vấn đề bức xúc nào, ở trong bất cứ thời điểm nào của các DN lại không được phản ánh trên mặt báo. Ở nhiều tờ báo, còn có những phòng ban, những phóng viên chuyên trách được giao chỉ tập trung đưa tin, viết bài về tình hình hoạt động của các DN. Thậm chí, “thương hiệu” của phóng viên còn gắn với thương hiệu của từng DN. Ngược lại, ở không ít DN, nhất là các tập đoàn, DN lớn, người lãnh đạo DN còn nhận thấy vai trò tích cực của báo chí trong việc phát triển thương hiệu qua việc họ lập ra phòng, ban về quan hệ với báo chí với những nhân viên chuyên trách để thường xuyên cung cấp thông tin, giữ quan hệ với báo giới. Tất cả những điều này cho thấy, mối quan hệ báo chí - DN đang ngày càng khăng khít, tương hỗ, vì cái đích chung cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.