Thể thao – Go Rural và chiến lược marketing mới của doanh nghiệp
Marketing, truyền thông bằng thể thao không phải là một khái niệm lạ lẫm với những người trong ngành. Nhưng hiện nay, những người tiêu dùng bình thường cũng cảm nhận được ngay trong cuộc sống của mình sức nóng của các hoạt động quảng cáo ăn theo sự kiện thể thao. AFF Suzuki Cup 2018 sắp diễn ra và một lần nữa chúng ta được chứng kiến điều đó.
Giữa rất nhiều các chương trình marketing nổ ra trong giai đoạn này, "Sống cùng bóng đá" do 2 đơn vị tư nhân là Next Media, Green Communications phối hợp tổ chức đang nổi lên là một chương trình mang nhiều nét đặc sắc riêng và có giá trị cộng đồng rất lớn, khi đối tượng mà họ hướng đến là nông dân –nông thôn. Một chiến lược đáp ứng nhu cầu truyền thông, marketing của nhiều doanh nghiệp khi xu hướng "go rural" (Tiến về nông thôn) đang nở rộ.
Sức mạnh của thể thao
Nói về trường hợp thành công khi dùng thể thao để quảng bá tên tuổi của doanh nghiệp ở Việt Nam, từ năm 2000 có thể kể đến ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Cú nổ truyền thông mà ông Đức tạo ra khi chinh phục được chân sút Kiatisak của Thái Lan đã khiến cho tên tuổi của Hoàng Anh Gia Lai nổi như cồn khắp Đông Nam Á.
Trong gần 20 năm qua, rất nhiều doanh nghiệp cũng sử dụng thể thao để quảng cáo. Đặc biệt tại Việt Nam, khi cơn sốt đội tuyển U23 bùng nổ, sức mạnh của marketing, truyền thông thể thao càng thể hiện rõ nét.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thể thao không chỉ là lĩnh vực tiếp cận được số lượng người theo dõi khổng lồ, mà còn có khả năng đem lại cảm xúc thăng hoa vượt trội so với các loại hình khác. Thể thao có ngôn ngữ riêng để kết nối khán giả thông qua niềm đam mê và qua đó truyền tải các thông điệp marketing một cách tinh tế.
Trong thời đại ngày nay, tài trợ thể thao không chỉ đơn thuần là treo logo doanh nghiệp mà phải là công cụ giúp các thương hiệu tham gia và dẫn dắt các cuộc chủ đề thảo luận, tạo nên những nội dung thú vị, các câu chuyện cảm xúc về các vận động viên hay các cảnh hậu trường…
Khi khán giả ngày càng thông minh và đòi hỏi nhiều về sự chân thực, về cảm xúc và sự tương tác với thần tượng, thì những nội dung nói trên sẽ tạo ra sức mạnh to lớn cho thương hiệu trong việc đưa ra thông điệp.
Cách theo dõi truyền hình cũng là sự thay đổi thấy rõ. Đã qua rồi cái thời mọi người theo dõi trận đấu qua một chiếc TV. Giờ đây, họ có thể tiếp cận các nội dung về thể thao thông qua điện thoại di động, báo chí, mạng xã hội… Những người hâm mộ ngày nay muốn theo sát các diễn biến thi đấu, cuộc sống của các vận động viên với những góc nhìn đa dạng và sống động nhất.
Chính vì thế, chương trình "Sống cùng bóng đá"của liên minh 2 đơn vị tư nhân là Next Media, Green Communications triển khai mới đây như là trường hợp tiên phong cho xu hướng này. Chương trình này là một chuỗi hoạt động rộng rãi trên tất cả các nền tảng gồm sự kiện, truyền hình, báo chí, mạng xã hội... nhằm kết nối người hâm mộ trên khắp mọi miền đất nước cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018.
Chương trình truyền hình trên các kênh phát sóng là một trong các hoạt động chính. Nhưng không dừng lại ở đó, chương trình cầu truyền hình tại các vùng quê sẽ phản ánh một cách chân thực nhất không khí "sống cùng bóng đá" thông qua những câu chuyện, lời kể của người hâm mộ và gia đình, bạn bè của các cầu thủ về tình yêu của họ với bóng đá, với đội tuyển Việt Nam.
Show truyền hình thực tế mang tên "Xe Bus đồng hành" sẽ làm tái hiện những câu chuyện phía sau một cầu thủ, để đem lại cho khán giả những cảm xúc ấn tượng nhất.
Vì thế, xuyên suốt chương trình "Sống cùng bóng đá" sẽ là 20 sự kiện chiếu bóng đá tập thể tại 8 tỉnh thành cả nước, với các hoạt động văn hoá - giải trí sôi động xoay quanh trái bóng, quy tụ hàng trăm ngàn người tham gia. Bên cạnh những điểm chiếu bóng đá công cộng tại các đô thị lớn, chương trình cũng sẽ tổ chức các điểm chiếu công cộng tại các vùng nông thôn, mỗi điểm có quy mô khoảng 8.000 đến 10.000 người xem.
Chương trình cũng gây quỹ để tổ chức hoạt động chung tay hỗ trợ các vận động viên thành tích cao có hoàn cảnh khó khăn, không may gặp tai nạn khi thi đấu, gặp khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ gia đình các vận động viên hay chương trình phổ cập dạy bơi cho trẻ em để chống đuối nước, chương trình tuyển thủ nhà nông.
Xu hướng "go rural" (tiến về nông thôn)
Như mọi chương trình marketing khác, thể thao là công cụ giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp và giá trị cốt lõi của mình. Ngay lập tức sau khi công bố chương trình,"Sống cùng bóng đá" được công bố, Công ty Cổ phần Lavifood - một doanh nghiệp chuyên về chế biến nông sản ở TPHCM đã quyết định đồng hành và trở thành đối tác chiến lược của chương trình này.
"Sống cùng bóng đá" và triết lý kinh doanh của Lavifood có điểm chung là chia sẻ giá trị cộng đồng, nên chúng tôi quyết định đồng hành với chương trình" ông Đinh Hùng Dũng – Phó Tổng giám đốc công ty Lavifood chia sẻ.
Ông Dũng nói: "Giống như các cầu thủ ghi bàn thắng trên sàn đấu quốc tế thì người nông dân Việt Nam cũng đã và đang "ghi bàn" ra thị trường thế giới bằng nông sản của họ. Với sự hỗ trợ của Lavifood, người nông dân sẽ sút bóng với vị thế cao hơn và giàu khát khao, giàu tự hào dân tộc như đội tuyển U23 Việt Nam."
Tất nhiên, đối tượng gắn bó nhất với một công ty chuyên chế biến và xuất khẩu nông sản như Lavifood là nông dân. Do đó việc đồng hành của Lavifood, dễ hiểu nhất cũng là phục vụ cho chiến lược của họ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Lavifood cũng đang chuẩn bị những chiến lược để tham gia vào ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam.
Như mọi chương trình marketing khác, thể thao là công cụ giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp và giá trị cốt lõi của mình. Và "Sống cùng bóng đá" thực tế cũng là chương trình bắt trúng xu hướng đang nổi lên hiện nay là xu hướng "go rural" (Tiến về nông thôn).
Trong một báo cáo mang tên "Khám phá những sự thật về khu vực nông thôn Việt Nam (Rural Mythbusters)" công bố năm 2017 của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, xu hướng tiêu dùng ở khu vực nông thôn đã và đang có sự thay đổi đáng ngạc nhiên, hướng về phân khúc trung – cao cấp. Người tiêu dùng nông thôn không chỉ muốn có sản phẩm tốt, chất lượng cao ở hầu hết các lĩnh vực, mà họ sẵn sàng chủ động tìm kiếm để sở hữu những sản phẩm như vậy.
Số liệu từ báo cáo cho biết, người tiêu dùng nông thôn đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 12,4% của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quí 1-2017 (cao gần gấp đôi so với thành thị) ở dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp. Mức độ tăng trưởng của hai dòng sản phẩm này lần lượt là 40% và 38,5%.
Một báo cáo khác cho hay, không khác so với thành phố, người tiêu dùng nông thôn quan tâm đến sự tiện lợi (các địa điểm mua sắm ở gần nhà), mua sắm nhiều kênh để có được giá tốt nhất, chất lượng sản phẩm phải cao và có giá hợp lý, sản phẩm phải xuất hiện trên mạng xã hội Facebook...
Nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là thu nhập của người nông thôn tăng lên. Đồng thời, quá trình đô thị hóa cũng đã "đào tạo" thói quen tiêu dùng cho người nông thôn. Khi những người nông thôn ra thành phố làm việc, thu nhập từ các công việc cũng như thói quen tiêu dùng ở thành thị đã được những người này tiếp tục "đào tạo" cho người thân còn ở quê, như cha mẹ, con cái.
Nói cách khác, thị trường nông thôn là một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng đối với các nhãn hàng. Vì vậy, khi các hoạt động truyền thông của Next Media và Green Communications phủ rộng ở thị trường này, thì ngoài giá trị cộng đồng, ít nhiều cũng đem lại lợi ích to lớn cho hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp.
Trang Lê