Cuộc thi Lead the Change 2018: Khởi nghiệp với ý tưởng tốt thôi đã đủ?
Thực tế cho thấy rằng, đa phần những ý tưởng của startup Việt có tỷ lệ thất bại rất cao và có tính cạnh tranh thấp, nguyên do là từ việc họ chưa xác định được thế nào là một ý tưởng tốt chứ đừng nói đến việc phát triển những ý tưởng đó trở thành những mô hình, dự án thành công trong thực tế.
“Các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp không có nhiều lợi thế so với các bạn trẻ ở nước ngoài. Ở các quốc gia khác, người khởi nghiệp được sự hỗ trợ của hệ sinh thái gồm nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư và các chuyên gia, cố vấn... Còn ở Việt Nam, các bạn trẻ khởi nghiệp chỉ với nhiệt huyết và máu lửa của tuổi trẻ, chứ chưa có sự hỗ trợ từ nhiều bên và cũng chưa tự lên kế hoạch tốt cho việc khởi nghiệp”, anh Huỳnh Công Thắng chia sẻ về lý do tại sao Lead the Change 2018 ra đời.
Vậy như thế nào là một ý tưởng tốt?
Chị Nguyễn Phi Vân - Founder của Retail & Franchise Asia nhấn mạnh rằng một startup muốn thành công trước hết phải biết khái niệm Human-centered design thinking - Lối suy nghĩ kiến tạo xoay quanh con người, tức phải thấu hiểu đối tượng khách hàng mà mình muốn nhắm đến.
Bạn trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam thường thiếu khảo sát về nhu cầu thực tế của xã hội đối với ý tưởng/sản phẩm khởi nghiệp của mình. Những ý tưởng đó thường không có tính đại chúng, chỉ nhằm phục vụ một nhóm người rất nhỏ.
Vậy nên trước khi khởi nghiệp, các bạn cần trả lời được các câu hỏi sau: “Đối tượng của tôi là ai? Vấn đề của họ là gì? Vấn đề đó có tính đại chúng không? Ý tưởng của tôi có thể giải quyết vấn đề đó như thế nào?”
Anh Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó hiệu trưởng trường đại học Kinh tế TP.HCM thì cho rằng: “Sở hữu ý tưởng tốt thôi chưa đủ, bạn phải hỏi bản thân mình rằng, điều mình đang làm có phải là điều mình yêu thích hay không, và bản thân có nội lực làm nó hay không. Chỉ khi bạn có khả năng thực hiện ý tưởng, ý tưởng đó mới thực sự là ý tưởng tốt.”
Anh Warren Eng - Sáng lập chương trình đào tạo “Leaders create leaders”, khẳng định việc xác thực ý tưởng có tốt hay không là cả một quá trình. Các nhà sáng lập rất tâm huyết với ý tưởng mà mình nghĩ ra nhưng thường thiếu cái nhìn tổng quan ở nhiều góc độ. Để biết một ý tưởng có tốt hay không thì cần chia sẻ, trao đổi để xem mọi người nhìn nhận ý tưởng của mình như thế nào, ý tưởng đó có khả năng được hiện thực hóa hay không.
Ngoài ra, khi khởi nghiệp đừng bao giờ đi theo xu hướng vì xu hướng luôn thay đổi. Ý tưởng khởi nghiệp nên bắt đầu từ những gì bản thân mình thích, hoặc từ những vấn đề mà những người xung quanh mình đang gặp phải thì mới có thể theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp đó lâu dài.
Anh Den Hoopingarner - Tùy Viên Thông Tin tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ chia sẻ: “Trước khi khởi nghiệp, bạn nên tự định nghĩa một ý tưởng tốt là như thế nào? Để đánh giá một ý tưởng, cần đặt rất nhiều câu hỏi và tìm ra câu trả lời liên quan đến ý tưởng mà mình có để mài dũa và hoàn thiện ý tưởng/ mô hình khởi nghiệp của mình. Theo anh, một ý tưởng tốt là ý tưởng giải quyết được vấn đề mà nhiều người đang cùng gặp phải.”
Khi khởi nghiệp đừng bao giờ đi theo xu hướng vì xu hướng luôn thay đổi.
Đã có ý tưởng tốt rồi, nên thực hiện một mình hay tìm đồng đội?
Chị Phi Vân quan niệm rằng, cần phải có ít nhất 3 thành viên trong một nhóm để có thể biến một ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực. Trong đó, một thành viên phụ trách kỹ thuật, một thành viên phụ trách thiết kế sản phẩm và một thành viên phụ trách kinh doanh.
Hiện nay, các startup Việt Nam thường chú trọng tuyển các thành viên giỏi kỹ thuật để nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, các startup thường thiếu người làm thiết kế - người hiểu rõ nhất mong muốn của khách hàng, từ đó tạo ra sản phẩm mà khách hàng cần.
Khi nhận được câu hỏi: “Chị mong muốn nhìn thấy gì từ hệ sinh thái khởi nghiệp?”. Chị Phi Vân đã trả lời rằng: “Nhà sáng lập từ các quốc gia làm việc cùng nhau để cùng học hỏi lẫn nhau và phát triển.”
Chị chia sẻ mình đã đi nhiều nước và chấm thi nhiều cuộc thi khởi nghiệp, xu hướng khởi nghiệp hiện nay là: Những nhóm khởi nghiệp có nhà sáng lập từ những quốc gia, nền văn hóa khác nhau có nhiều cơ hội thành công hơn. Với nhiều góc nhìn, ý kiến khác nhau, một vấn đề sẽ được đánh giá đa chiều và toàn diện hơn. Từ đó, dễ dàng tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Anh Warren trích dẫn một câu ngạn ngữ bằng tiếng Việt mà anh tâm đắc: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Một nhóm khởi nghiệp cần từ 3 - 5 người là được, không cần quá nhiều.
Những người trong một nhóm cần phải có cùng giấc mơ, lý tưởng nhưng nên giỏi ở những lĩnh vực khác nhau, có cách nhìn nhận vấn đề khác nhau để có thể tạo ra thử thách cho nhau, góp ý lẫn nhau để cùng hoàn thiện ý tưởng.
Sau nhiều năm khởi nghiệp, Warren đúc kết rằng khi lập một nhóm khởi nghiệp, nên tìm kiếm những kiểu thành viên: người giàu năng lượng, người thông minh hơn mình, người tạo niềm tin.
Khi lập một nhóm khởi nghiệp, nên tìm kiếm những kiểu thành viên: người giàu năng lượng, người thông minh hơn mình, người tạo niềm tin.
Chưa có ý tưởng thì tìm ở đâu? Cách nào để đánh giá ý tưởng?
Anh Den Hoopingarner chia sẻ “Khi bạn đánh giá một ý tưởng, bạn cần có cho mình một tiêu chuẩn nhất định, một mục tiêu để đánh giá. Dù là mục tiêu vi mô hay vĩ mô thì cũng nên tự hỏi: Mục tiêu mình đặt ra có thực sự là mục tiêu hay không? Mục tiêu có tạo ra giá trị cho cộng đồng hay không? Đừng đặt mục tiêu quá cao vì sẽ rất khó đạt được và dễ gây nản lòng.”
Chị Phi Vân thì tâm niệm “Mỗi sáng thức dậy, nếu bạn cảm thấy không có động lực và không đau đáu với ý tưởng của mình, thì lúc đó bạn chưa khởi nghiệp được. Để có thể khởi nghiệp, bạn phải cùng ăn, cùng ngủ với ý tưởng và không ngừng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao mình cần phải thực hiện ý tưởng này? Bản thân người khởi nghiệp phải có tinh thần sẵn sàng thay đổi, ngay cả khi phải thay đổi toàn bộ mô hình hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, luôn khiêm tốn tiếp thu và sẵn sàng thay đổi là tố chất cần có của những người khởi nghiệp.”
Điểm khác biệt giữa cuộc thi năm 2018 với năm 2017 là được sự hỗ trợ từ các đơn vị uy tín: Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Startup Campus Hàn Quốc, các trung tâm khởi nghiệp trong và ngoài TP.HCM: Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia TPHCM, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Cần Thơ, Lãnh sự quán Ý, Đại học tiểu bang Arizona, Không gian làm việc Co-working space Campus K, cộng đồng Google Business Group Ho Chi Minh.
Thông qua cuộc thi, top 200 thí sinh sẽ có cơ hội đăng ý tưởng của mình lên nền tảng website Arcon của Hàn Quốc. Tại đây, những ý tưởng độc đáo và tiềm năng sẽ có cơ hội nhận được đầu tư.
Ngoài ra, top 5 startup có ý tưởng tốt còn có cơ hội nhận được học bổng đến Startup Campus Hàn Quốc đào tạo, gặp gỡ nhà đầu tư, tìm hiểu thị trường Hàn Quốc trong 2 tuần và các giải thưởng giá trị khác.
Đối tượng cuộc thi nhắm đến là những người trẻ toàn khu vực phía Nam trong độ tuổi từ 18 – 28 đã có ý tưởng khởi nghiệp hoặc có dự định khởi nghiệp trong tương lai gần.
Cuộc thi gồm 5 vòng:
- Vòng 1: Bài thi online từ ngày 5 tháng 10 đến 5 tháng 11 năm 2018 - Kiểm tra năng lực, kiến thức chung và trình bày ý tưởng.
- Vòng 2: Đào tạo phát triển ý tưởng và mô hình hoạt động kinh doanh. Đăng tải ý tưởng lên nền tảng website Arcon Hàn Quốc.
- Vòng 3: Đào tạo các kĩ năng về Pitch deck/ Financial model/ Marketing/ Soft skill. Thể hiện ý tưởng qua video clip.
- Vòng 4: Làm việc cùng cố vấn và pitching chọn ý tưởng cho vòng chung kết.
- Vòng 5: Chung kết sáng ngày 13 tháng 12 năm 2018 - Trình bày mô hình kinh doanh hoàn chỉnh.
Để biết thêm thông tin về cuộc thi, truy cập tại đây.
Vào ngày thứ 6 (05/10) vòng 1 cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp LEAD THE CHANGE 2018 sẽ chính thức mở link dự thi trên website: https://bit.ly/CuocthiYtuongkhoinghiepLeadTheChange2018
Thể lệ dự thi: https://bit.ly/THELECUOCTHILTC2018
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
- Fanpage: Lead The Change hoặc UEH Connected
- Mail: [email protected]
- Hotline: 0933 574 688