Chuyên gia Dale Carnegie tiết lộ bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Thừa nhận vai trò quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, xem đây là hoạt động cần phải ưu tiên song mới chỉ có 21% nhà lãnh đạo nói rằng, công ty họ có văn hóa tốt.
Đây là kết quả khảo sát về văn hóa doanh nghiệp của Dale Carnegie thực hiện ở 4 quốc gia Ấn Độ, Mỹ, Đức, Indonesia với trên 600 lãnh đạo cấp cao ở ngành nghề và quy mô công ty khác nhau vừa được bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Tổng GĐ Dale Carnegie Việt Nam công bố tại sự kiện “Định hướng lãnh đạo: Văn hóa Doanh nghiệp” với chủ đề “Biến đổi thái độ và hành động: Chiến lược giúp lãnh đạo cấp cao xây dựng thành công văn hóa công ty” tổ chức ngày 12/9 vừa qua tại TP.HCM.
Bà Linh cũng chính là diễn giả chính dẫn dắt toàn bộ nội dung cuộc thảo luận trên. Một sự kiện tương tự cũng sẽ được Dale Carnegie tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/9 tới đây.
“Một văn hóa công ty vững mạnh rõ ràng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong một thị trường cạnh tranh. Ngược lại, văn hóa yếu kém sẽ là hồi chuông báo tử cho sự phát triển của công ty trong tương lai”, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh nhận định.
“Văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong quản lý doanh nghiệp, bởi đó là công cụ triển khai chiến lược, tạo động lực cho người lao động và còn là sức mạnh đoàn kết cho tổ chức, doanh nghiệp. Sống được hay không, ra biển lớn được hay không cũng ở cái nôi văn hóa mà doanh nghiệp tạo ra”.
Theo bà Linh, về bản chất, văn hóa doanh nghiệp định hình cách nhìn nhận về bản thân trong công ty, cách họ tương tác với khách hàng, làm việc với cơ quan chính quyền, tiếp cận giải quyết vấn đề xung quanh, hiểu biết về tổng thể tình hình kinh doanh của công ty hay đưa ra những quyết định chiến lược...
“Đó là những cách làm nên thương hiệu mang “chất” riêng, đồng hành cùng phát triển mà không phải công ty nào cũng xoay chuyển, vận hành dễ dàng”, vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này nói.
Nghiên cứu gần đây của Cisco IBSG về sự ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đối với tổ chức, cho biết 55% phản hồi từ công ty với văn hóa hòa nhập rất tự tin về tăng trưởng doanh thu, 93% phản hồi những nỗ lực đầu tư mới của công ty đều thành công vì giá trị kinh doanh rõ nét.
Đại diện Dale Carnegie Việt Nam dẫn chứng, SouthWest Airlines là một hãng hàng không giá rẻ đã thành công trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo nên hiệu ứng mới về chính sách tuyển dụng độc đáo: Chọn nhân viên có khiếu hài hước để tạo trải nghiệm “wow” cho khách hàng.
Trải nghiệm “wow” là làm gì cũng được miễn khách hàng “wow” thì nhân viên đó cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi mang lại sự thích thú, ấn tượng cho khách hàng.
Chẳng hạn như, việc một tiếp viên... đọc rap để hướng dẫn an toàn bay cho khách tưởng chừng như là không thể, bởi sẽ phá vỡ đi sự “chỉnh chu” trong phong cách phục vụ. Thế nhưng, tiếp viên hãng hàng không này đã làm được và khiến khách hàng ngạc nhiên, vui vẻ lắng nghe từ đầu đến cuối.
Rõ ràng điều đó làm cho khách hàng thường xuyên đi lại bằng phương tiện này bớt nhàm chán hơn. Dù giá rẻ nhưng các yếu tố khác ngoài giá không hề rẻ và đó là một trong những cách khiến SouthWest Airlines định vị được thương hiệu riêng mỗi khi được nhắc đến.
Trải nghiệm "Wow" đã mang đến thành công ngoài mong đợi đối với Southwest Airlines
“Cũng như con người, công ty cũng có cá tính riêng, văn hóa của công ty sẽ phản ánh, định hướng cách hành xử và tư duy của từng cá nhân trong tổ chức đó. Văn hóa trở thành một khái niệm không nói lên lời nhưng nó ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của người lao động một cách vô thức”, bà Linh cho hay.
Thế nhưng trên thực tế, hầu hết các môi trường làm việc đều bị tác động lớn từ các yếu tố làm tê liệt văn hóa doanh nghiệp như sự thiếu tin tưởng, thiếu trung thực, lây lan tiêu cực, hay thiếu định hướng chiến lược... khiến doanh nghiệp trì trệ.
Kết quả nghiên cứu từ 207 doanh nghiệp ở 22 ngành nghề trong suốt 1977-1988 của John Kotter & James Heskett cho thấy văn hóa doanh nghiệp tác động đến kết quả kinh doanh và tài chính của công ty.
Một trong những ví dụ điển hình đi ngược lại giá trị cốt lõi “đa dạng và hội nhập”, đó là Riot Games - hãng phát hành trò chơi điện tử (thuộc Tencent), tiêu biểu là game Liên Minh Huyền Thoại với 100 triệu người chơi/ tháng và doanh thu 2 tỉ USD, từng bị tố là “văn hóa làm việc phân biệt phụ nữ, dung tục, mục rữa từ CEO đến nhân viên”.
Sự kiện đã khiến Riot đánh mất lòng tin của người dùng trong khi đây là một nhà cung cấp dịch vụ. Vào 8/2018, đại diện Riot phải đưa lời xin lỗi các Rioters và xin hứa sẽ khắc phục tình trạng này trong thời gian ngắn nhất có thể để xây dựng lại lòng tin. Ngay sau đó, Riot đã thành lập một nhóm mới để quản lý văn hóa của công ty.
“Chúng tôi vừa cho thành lập một nhóm mới để tham gia theo dõi, quản lý tiến độ thay đổi văn hóa làm việc công ty. Mọi chỉ đạo từ họ sẽ có tác động đến mọi ngóc ngách ở Riot Games, sát sao với những động thái không đúng mực để tạo ra môi trường làm việc lý tưởng nhất. Mọi tiến trình thu thập từ họ cũng sẽ được báo cáo và làm việc thẳng với CEO”, Tổng GĐ Riot – ông Nicolo Laurent đưa ra thông báo.
Để xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, cạnh tranh, bà Linh cho rằng, cần thiết phải cung cấp đào tạo, huấn luyện cho nhân viên, tập trung hướng đến khách hàng, duy trì và phát triển niềm tin vào lãnh đạo cấp cao, có chiến lược và mục tiêu rõ ràng, khuyến khích xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân viên và quản lý trực tiếp.
Đặc biệt, cần phải tạo ra môi trường làm việc không vì lương, có sự quan tâm, chia sẻ và mối quan hệ thâm tình với nhau mà không bị ràng buộc bởi lương.
“Tất cả các kiến thức chúng ta thu nạp chỉ phát huy sức mạnh tối đa khi và chỉ khi được ứng dụng vào thực tiễn, đó chính là hành động. Nói một cách khác là khi đã hiểu và xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp thì nhà lãnh đạo phải hành động ngay, đừng chần chừ”, bà Linh nhấn mạnh.
Theo Thương Gia