Quản lý tồn kho như thế nào khi bán hàng đa kênh?

Vừa sở hữu cửa hàng truyền thống, lại tham gia vào nhiều kênh bán hàng trực tuyến khiến việc quản lý tồn kho trở thành bài toán khó với nhiều chủ shop.

Thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng bùng nổ khiến nhiều chủ shop truyền thống phải sớm cập nhật công việc kinh doanh của mình để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, bước chân vào một môi trường mới khác hoàn toàn với cách bán hàng truyền thống khiến không ít người phải vất vả mà không mang lại nhiều lợi ích như mong đợi.

Trong đó, quản lý tồn kho là một trong những vấn đề hàng đầu gây "đau đầu" cho các nhà bán hàng, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh. Nếu tham gia các sàn thương mại điện tử, người bán sẽ phải cam kết về số lượng hàng trong kho và phải thường xuyên cập nhật, tránh tình trạng hết hàng ở kho nhưng vẫn còn số dư trên gian trực tuyến.

Với một số sàn, mức phạt áp dụng với việc cập nhật sai số dư của sản phẩm (khách vẫn đặt được nhưng thực tế đã hết hàng) rất nặng, chủ shop có thể bị trừ điểm, giảm các ưu đãi hoặc không được hiển thị sản phẩm ở các vị trí ưu tiên…

Anh Trần Nguyên, chủ một cửa hàng kinh doanh mô hình tại Hà Nội chia sẻ: "Không ít lần khách đặt hàng, chốt đơn xong tới khi kiểm kho để đóng sản phẩm giao đi tôi mới biết mẫu đó đã hết. Để tránh bị phía sàn phạt, tôi đành phải hoàn lại tiền cho mặt hàng còn thiếu trong đơn và ghi chú rõ cho khách". Anh Nguyên hiện có một cửa hàng tại nhà, tham gia hai sàn thương mại điện tử khác nhau và bán qua trang Fanpage Facebook tự lập.

Quản lý tồn kho như thế nào khi bán hàng đa kênh? - Ảnh 1.

Quản lý hàng tồn kho là vấn đề nan giải với nhiều người bán hàng (ảnh minh họa)

"Nhiều lúc muốn điên đầu! Việc quản lý tồn kho bằng excel và sổ sách, mỗi lần bán một sản phẩm từ cửa hàng hay sàn này thì phải cập nhật bằng tay vào số dư trên sàn khác, mà có ngày bán vài chục mẫu nên thao tác này cực kỳ mất thời gian, công sức", anh cho biết thêm.

Quản lý số dư sản phẩm đã khó, việc tổng hợp tài chính từ các kênh kinh doanh cũng không phải việc đơn giản khi toàn bộ quá trình đều phải thực hiện thủ công bằng cách tổng hợp từ từng kênh riêng lẻ rồi cộng kết quả lại.

Cần một nền tảng quản lý tồn kho đa kênh tập trung

Theo ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), bán hàng đa kênh là giải pháp cần thiết đối với hoạt động kinh doanh hiện nay, nhà bán hàng không nên chỉ tập trung vào một kênh mang lại lợi nhuận mà cần đa dạng hoá lựa chọn cho khách hàng cũng như chính mình để tiếp cận được nhiều người mua tiềm năng hơn. Tuy nhiên điều này kéo theo bài toán quản lý khiến không ít nhà bán hàng phải đau đầu.

"Khi các nhà bán lẻ tìm cách mở rộng các kênh bán hàng của họ, việc quản lý tập trung để theo dõi chi tiết về đơn hàng và số lượng hàng tồn kho lại trở thành bài toán nan giải. Vì vậy, họ cần phải sớm tìm ra giải pháp triệt để cho vấn đề này để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và mang về lợi nhuận tối đa", ông Tuyến nhận định.

Trên thị trường hiện nay vẫn đang có một số giải pháp đang có thể quản lý và bán hàng đa kênh, tuy nhiên, hầu hết đều không hỗ trợ đầy đủ các kênh từ online tới offline (cửa hàng) và không phải nền tảng mở nên hạn chế khả năng tích hợp, mở rộng các kênh bán hàng. Điều này dẫn tới việc thiếu khả năng xử lý đơn hàng tập trung, dễ "trật khớp" trong lúc đồng bộ sản phẩm, đơn hàng khi bán hàng đa kênh.

Trong số các nền tảng quản lý hiện nay, Sapo được xem là nền tảng toàn diện nhất để giảm thiểu các hạn chế đối với nhà bán hàng trong khâu kiểm soát kinh doanh đa kênh.

Không chỉ hỗ trợ tốt việc quản lý hàng hoá, tồn kho, Sapo giúp các chủ shop có thể mở rộng quy mô kinh doanh dễ dàng, nhanh chóng. Bên cạnh các kênh bán tại cửa hàng, website, Facebook, mới đây, Sapo còn tích hợp thêm các kênh bán hàng trên Lazada và Shopee nhằm tối ưu việc quản lý tập trung kênh bán hàng trực tuyến, đồng bộ thông tin hàng tồn kho nhanh chóng tập trung ngay trên nền tảng này.

Đến hiện tại, công nghệ nền tảng của Sapo được coi là công nghệ hiện đại nhất của bán hàng đa kênh Omnichannel hiện nay. "Với các nhà bán lẻ có quy mô từ vài chục tới 10.000 đơn hàng mỗi ngày (cả offline lẫn online), phiên bản tiêu chuẩn của Sapo sẽ hỗ trợ vận hành hiệu quả, giúp tiết kiệm 30% chi phí hoạt động và 70% phí xây dựng hệ thống so với việc tự tạo hệ thống quản lý riêng" - đại diện Sapo cho biết.

Ngoài ra, Sapo còn có thế mạnh trong việc tích hợp với các đơn vị thanh toán, vận chuyển để hoàn thiện quy trình bán hàng cho các chủ shop. Họ có thể tích hợp các đơn vị vận chuyển như Boxme (Shipchung), Giao hàng tiết kiệm, VNPost, Giao Hàng Nhanh, Viettel Post… để so sánh giá trực tiếp và đẩy đơn hàng tự động qua đối tác nhanh chóng và tập trung, thay vì phải xử lý thao tác trên từng nền tảng/ứng dụng riêng biệt của nhà vận chuyển. Các đơn hàng đều được cập nhật chi tiết và đồng bộ, cùng với đó là khả năng đối soát công nợ với các bên vận chuyển.

Các nhà bán hàng cũng được "giải phóng" khỏi máy tính hay cửa hàng khi Sapo có thể bán hàng và quản lý đơn giản trên điện thoại di động, chỉ cần kết nối Internet.

Theo VTV.vn