6 kĩ năng tuy khó học nhưng sẽ giúp cuộc sống bạn trở nên “dễ thở” hơn
Luôn trau dồi kiến thức và mở mang tâm trí là những điều rất cần thiết giúp bạn chạm đến thành công. Do vậy mong bạn đừng nản chí với việc học tập, trau dồi mỗi ngày.
“Những gì ở đằng sau và những gì ở phía trước chúng ta chỉ là những vấn đề nhỏ nhặt so với những gì ở bên trong chúng ta.”
Ralph Waldo Emerson
Các nghiên cứu đã cho thấy những điều chúng ta tiếp thu mỗi ngày đều sẽ mang lại những giá trị lớn hơn những kĩ năng bạn có được. Những khó khăn trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ là chìa khóa giúp kích thích não bộ và mở ra một tương lai tương sáng hơn cho những người kiên trì vượt qua những thử thách đó.
Việc bắt đầu dành thời gian chuẩn bị cho tương lai dù vẫn còn những chuyện quan trọng ở hiện tại cần giải quyết và những sự chuẩn bị này có thể không mang lại kết quả ngay tức khắc thì việc bạn bắt đầu lên kế hoạch cũng đã giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu mà bản thân đang theo đuổi.
Những kĩ năng dưới đây được đánh giá là có thể cải thiện cuộc sống của bạn. Có thể việc có được những kĩ năng này không dễ dàng và đem lại hiệu quả tức thì nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sức ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống cũng như sự nghiệp bản thân trong hiện tại và tương lai.
Một tinh thần kiên định - Mental toughness
“GRIT (tính kiên nhẫn, bền bỉ) là sự tổng hợp của đam mê, kiên trì và kỉ luật tự giác sẽ giúp chúng ta tiến lên phía trước bất chấp các trở ngại.”
Daniel Coyle
Người duy nhất có thể đẩy bạn đi xa hơn không ai khác chính là bản thân bạn. Sự kiên trì vừa là một đặc điểm tính cách đồng thời cũng là một kĩ năng có thể học và rèn luyện theo thời gian. Việc rèn luyện tính kiên trì sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình theo đuổi những điều có ý nghĩa đặc biệt trên con đường sự nghiệp và cuộc sống.
Như đã nói ở trên, sự bền bỉ (Grit) là sự pha trộn của nhiệt huyết, ý chí kiên cường, sự quyết đoán, tập trung – những điều giúp con người giữ vững kỷ luật và niềm lạc quan để có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu, dù rằng phải đối mặt với gian khó, từ chối, thậm chí sự mông lung mơ hồ kéo dài.
Thực chất, sự bền bỉ có thể rèn luyện và học được và trọng điểm của việc tiến tới thành công nằm ở cách bạn phản ứng với các tình huống khó khăn. Ryan Holidays đã nói rằng “thử thách là một con đường” và bạn cần một tinh thần bền bỉ để đẩy bản thân thoát khỏi “con đường” đó nhanh hơn. Từ đó, khoảng cách giữa bạn và những mục tiêu của mình cũng được kéo gần thêm rất nhiều.
“Kĩ năng là sự tổng hợp của kinh nghiệm, kiến thức và đam mê trong cách làm việc.”
John Ruskin
Sự kiên trì theo đuổi một mục tiêu trong khoảng thời gian dài là một bước quan trọng của hành trình đạt được những cột mốc đáng giá trong đời. Và thực tế sự kiên trì, bền bỉ đóng vai trò tạo nên thành công nhiều hơn tài năng. Bởi lẽ dù bạn có tài năng đến đâu nhưng không kiên trì, tâm huyết với công việc thì tài năng cũng không giúp bạn đi xa hơn.
Sự thích ứng - Adaptability
“Loài sống sót sau cùng không phải là những loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là những loài có thể thích ứng với sự thay đổi tốt nhất.”
Charles Darwin
Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh và liên tục. Vì vậy, không có gì cố định và bất biến lâu dài. Trước đây, những thay đổi, cập nhật diễn ra với tốc độ chậm, nhưng điều này đã không còn đúng với thế giới hiện đại – một thế giới mà sự thay đổi diễn ra rất nhanh và không thể đoán trước.
Do vậy, khả năng thích ứng sẽ giúp chúng ta thích nghi được với những hoàn cảnh mới và kiểm soát được tình hình. Lẽ dĩ nhiên, kĩ năng này sẽ phát huy tác dụng tối đa khi kết hợp với sự thấu hiểu sâu sắc và cặn kẽ về các vấn đề. Việc hiểu sâu sẽ cung cấp những khía cạnh, quan điểm mới trước khi sự thay đổi diễn ra. Có thể hình dung rằng sự phát triển có mối tương quan với khả năng thích nghi. Khả năng thích nghi của bạn càng cao bạn sẽ phát triển và đi xa hơn. Từ đó, để duy trì nhịp độ phát triển, hầu hết các công ty sẽ cần những người có thể thích nghi nhanh với những thay đổi theo thời gian.
Ngưng chỉ trích bản thân
“Hãy vặn nhỏ âm thanh của những lời tự trách và tạo nên những lời khích lệ thay thế. Khi bạn phạm sai lầm, hãy tha thứ cho bản thân, học từ lỗi sai và tiến lên phía trước thay vì nhốt mình trong sai lầm ấy. Một điều quan trọng không kém khác là đừng cho phép bất kì ai lợi dụng sai lầm, thiếu sót của bạn để chỉ trích, hạ thấp bạn hoặc kì vọng rằng bạn phải luôn hoàn hảo.”
Beverly Engel
Dựa theo công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Ethan Kross, việc bạn đánh gía bản thân mình như thế nào quan trọng hơn những ý kiến, nhận xét của người ngoài.
Cách tốt nhất để dập tắt những lời tự trách là dám thử thách chính mình. Hãy thử cố gắng thực hiện, đương đầu với những nỗi sợ của bản thân. Khi bạn không ngừng nỗ lực, kết quả xứng đáng sẽ chứng mình rằng những nhận định đó là sai lầm.
Bạn không nên để những lời tự trách, chỉ trích dìm bản thân xuống hố sâu của sự chán nản, tuyệt vọng, càng không nên từ bỏ hy vọng vào bản thân. Khi bạn không thể tự thoát ra khỏi những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, những điều đó sẽ lớn dần và định hình tính cách, cuộc đời của bản thân bạn. Và lẽ dĩ nhiên những cảm xúc tiêu cực sẽ định hình nên những hướng đi không hề tươi sáng.
Thay vì mải miết tìm xem bạn đang làm sai điều gì, vấn đề nằm ở đâu trong mọi mục tiêu mà bản thân đang theo đuổi thì bạn nên tập trung vào những điểm mạnh, những điều đúng đắn mà bản thân đã thực hiện. Thay vì tập trung phân tích lỗi sai hãy tập trung và phát triển những điều mà bản thân bạn đang làm đúng. Khi chúng ta tự cảm thấy bản thân đang bắt đầu chỉ trích, bắt lỗi chính mình, hãy tạm ngưng lại và tỉnh táo suy nghĩ về những việc khác có thể được hoàn thành trong thời gian chúng ta chỉ trích một lỗi lầm đã qua. Như vậy, bạn sẽ nhận ra mình đang phung phí thời gian và tập trung vào những công việc trước mắt hơn.
Học cách nói “Không”
Ngưng nói “có” với những thứ bạn ghét. Cuộc sống này quá ngắn ngủi để đồng ý với mọi việc, hành động, sự kiện, công việc không giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Việc đồng ý vô tội vạ sẽ dễ khiến chúng ta phát điên, nhưng cái khó ở đây là rất ít người trong số chúng ta có thể dễ dàng biết cách nói “không”. Đừng ép bản thân rằng việc nói “không” quá khó để thực hiện, thực ra bạn hoàn toàn có thể từ chối một cách dễ dàng. Hãy nghĩ rằng nói “không” sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và năng lượng cho những điều có ý nghĩa hơn. Đặc biệt là với những việc có liên quan mật thiết, có ý nghĩa quan trọng với bản thân bạn. Bạn luôn có quyền lựa chọn. Do đó hãy lựa chọn cẩn thận những điều có ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
Đương nhiên sẽ hơi khó để xác định xem điều gì là thực sự có ý nghĩa và đáng để nói “có”. Nhưng bạn có thể hình dung đơn giản như sau, nếu những việc đó không giúp bạn bồi dưỡng và phát triển để trở thành một phiên bản tốt hơn, hãy nói “không” và tập trung vào những việc giúp ích, có ý nghĩa cho cả bạn và những người xung quanh. Bạn có thể dành thời gian cho những công việc giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và vui vẻ. Nói “có” và nói “không” một cách hợp lý sẽ giúp bạn sống vui và sống tốt hơn mỗi ngày.
Khả năng phân tích và nhận xét - Critical thinking
“Khả năng phân tích và nhận xét là sự mong muốn tìm hiểu, kiên nhẫn phân tích, suy ngẫm thật kĩ, không vội vàng đưa ra kết luận, luôn cân nhắc vấn đề từ nhiều phía, tiếp nhận thông tin có chọn lọc và kịch liệt tẩy chay những thông tin giả, sai sự thật.”
Francis Bacon
Khả năng khái niệm hóa, áp dụng, phân tích, suy luận và đánh giá một cách chủ động và bài bản các thông tin được tổng hợp, tạo ra bởi sự quan sát, kinh nghiệm, quá trình suy ngẫm các kết quả, quá trình giao tiếp được xem là kĩ năng quan trọng trong môi trường làm việc.
Việc áp dụng khả năng phân tích và nhận xét sẽ là một lợi thế lớn của bạn trong quá trình làm việc. Đây là kĩ năng luôn được yêu cầu trong môi trường làm việc chuyên nghiệp và cần được trau dồi, phát triển. Do để có thể đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề cần phải có kĩ năng tổng hợp các nguồn thông tin chất lượng, đánh giá thông tin có được để đưa ra các giải pháp khác nhau và sau cùng là chọn giải pháp phù hợp nhất với mục tiêu và tình huống hiện tại.
Những người có khả năng xem xét và phân tích vấn đề từ nhiều góc độ sẽ giải quyết vấn đề theo những cách độc đáo và tinh tế. Đồng thời họ cũng có khả năng nhận ra được mặt hạn chế của ý kiến số đông.
Những người có đầu óc sáng tạo thường sẽ có những cải tiến và sáng kiến để tăng hiệu suất công việc, giúp hệ thống và quy trình làm việc được hiệu quả hơn. Họ cũng thường là những người đưa ra những góc nhìn, quan điểm mới về công việc và công ty. Và họ sẽ luôn được các công ty săn đón trong tương lai.
Trí tuệ xúc cảm - Emotional Intelligence
Trí tuệ xúc cảm (Emotional Intelligence – EI) có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Những người có chỉ số trí tuệ xúc cảm cao thường sẽ là những người có phản ứng nhanh nhạy, dễ cảm thông, lắng nghe và có khả năng tự nhận thức bản thân tốt. Đặc biệt họ rất giỏi trong việc tương tác, giao tiếp với mọi người.
Lý do khiến cho yếu tố trí tuệ cảm xúc được đánh giá cao rất đơn giản: “Nó tham gia vào tất cả khía cạnh của cuộc sống”, A.J. Marsden, Giáo sư tâm lý tại Đại học Beacon trả lời tờ Fast Company những yếu tố đến trí tuệ cảm xúc như “hiệu suất làm việc, cải thiện không khí, quy trình làm việc, tương tác với khách hàng và đồng nghiệp” – cùng nhiều khía cạnh khác.
Những kĩ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn dần có vai trò quan trọng và được mọi người tìm kiếm ở các ứng cử viên, nhân viên của mình. Chỉ số EI cao giúp chúng ta tạo dựng các mối quan hệ với người khác, giúp chúng ta hiểu và đoán được tính cách của mọi người từ đó sẽ đưa ra được những phản ứng phù hợp.
Việc có các kĩ năng và biết cách vận dụng, rèn luyện trí tuệ xúc cảm sẽ trở thành yêu cầu hàng đầu trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong môi trường làm việc. Nếu khả năng về trí tuệ xúc cảm, giao tiếp, ứng xử với mọi người của bạn chưa được tốt, bạn vẫn có thời gian để luyện tập và học hỏi để sử dụng thành thạo kĩ năng thiết yếu này. Bởi việc rèn luyện các kĩ năng mềm sẽ là chìa khóa giúp bạn mở ra một con đường tương đối bằng phẳng để đạt đến thành công.
“Từng kĩ năng bạn có được sẽ nhân đôi tỉ lệ thành công của bạn.”
Scott Adams
Thu Nga
*Nguồn: Thomas Oppong / Medium