Đưa công nghệ về nông thôn – “Miếng mỡ béo”!
Chia sẻ với Thế giới tiếp thị, ông Trần Trọng Tuyến - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sapo cho hay có những doanh nghiệp chuyên bán hàng online ở tỉnh với số lượng lên tới 1.000 đơn hàng/ngày.
Tại sự kiện công bố thương hiệu mới, ông chủ này còn tuyên bố: “Từ nay đến năm 2020 sẽ dành nhiều công sức và tiền bạc để khai thác thị trường tỉnh thay vì chỉ nhăm nhăm vào những đô thị lớn như trước đây”.
Tưởng là nhỏ…
Tính đến tháng 7/2018, Sapo có 43.000 khách hàng sử dụng nền tảng bán hàng (chạy trên online và offline) nhưng trong đó có đến 65% lượng khách hàng nằm ở hai đầu Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng từ đầu năm 2017, Sapo đã bắt đầu tìm hiểu thị trường các tỉnh lân cận các đô thị lớn về nhu cầu sử dụng công nghệ cũng như năng lực kinh doanh.
“Tôi thật bất ngờ khi ở nhiều tỉnh có nhiều cửa hàng chỉ chuyên bán online mà số lượng đơn hàng từ 500 – 1.000 đơn hàng/ ngày. Nhưng cách bán hàng online của họ thật tình không hiểu nổi. Hình như chỉ có ở ta mới kinh doanh kiểu đó”, ông Tuyến bình luận.
Theo lời ông Tuyến, có một cửa hàng chuyên bán hàng quần áo trẻ em ở Hưng Yên. Hàng hóa chất đầy từ lầu 2 đến lầu 4. Lầu 1 là “văn phòng bán hàng” với hai nhân viên. Một nhân viên ngồi trên máy tính để đọc email đơn đặt hàng của khách gởi đến sau đó đọc nội dung đơn hàng đó cho nhân viên thứ hai ghi vào một cuốn sổ đánh theo số thứ tự 1… 2… 3… Còn nhân viên gói hàng, cứ theo lời đọc của nhân viên bán hàng mà gói, sau đó cũng đánh số thứ tự 1… 2… 3... trên từng gói hàng! Vì là khách hàng “VIP” nên công ty vận chuyển phải nhập liệu theo quyển sổ mà cửa hàng giao khi chốt đơn hàng cuối cùng trong ngày để in thành “vận đơn”!
Có những cửa hàng “thoi loi” giữa đồng, lối đi chỉ vừa một chiếc xe máy nhưng mỗi ngày có đến 500 đơn hàng với mặt hàng linh kiện xe máy. Có những cửa hàng chuyên bán ná nhưng cũng bán được 100 chiếc/ ngày. Có những cửa hàng chuyên bán online toàn quốc với mặt hàng là chiếc điếu cày hút thuốc lào (có những điếu cày được bán với giá 800 triệu đồng!)… Và không thiếu những sản phẩm gốm của làng gốm Bát Tràng giờ cũng đã bán online. Cây cảnh cũng… online. “Thời buổi này, mặt hàng nào có nhu cầu sử dụng đều có mặt trên online. Thương mại điện tử đang là xu hướng kinh doanh không kể cư dân đô thị hay nhà quê…”, ông Tuyến bình luận.
Kiên trì… làm mẫu!
Để có được tỷ lệ 35% khách hàng ở tỉnh lẻ, Sapo đã cử nhân viên “3 cùng” với các cửa hàng. “Không hề dễ dàng khi tiếp cận với khách hàng tỉnh lẻ vì họ không muốn thay đổi. Cách làm của Sapo là hợp tác với các nhà vận chuyển và tài chính địa phương để biết vùng nào có những khách hàng lớn (đơn hàng lớn, bán nhiều mặt hàng lạ, có giá trị), sau đó cử nhân viên tiếp cận với họ để hỗ trợ, từ huấn luyện đào tạo, đóng hàng, xử lý dữ liệu… theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để chủ cửa hàng hiểu được công dụng của phần mềm trong kinh doanh của họ, ông Tuyến tâm sự.
Nhìn thấy nhu cầu của khách hàng muốn mua mặt hàng gốm Bát Tràng, Sapo cử nhân viên xuống “ăn nằm” ở làng gốm Bát Tràng để tiếp cận khách hàng. Những ông chủ lò gốm rất bảo thủ, Tuyến nói vậy. Họ nói rằng, xưa nay không cần nền tảng bán hàng mà vẫn bán được hàng, vậy thì cần gì phần mềm! Kiên trì giải thích, thuyết phục, chạy miễn phí… gần cả năm trời, có chủ lò chịu xài, bán được hàng nhiều hơn. Vậy là nhiều chủ lò khác bắt đầu làm y như vậy vì “ghét tiếng gáy của con gà kế bên nhà”. “Thấy có chủ lò bán hàng online, “không cần nói gì thêm”, họ cũng phải bán hàng online. Có những trường hợp về sau gặp lại, họ tâm sự thật như vậy và cũng nhận ra phần mềm quản lý và cách thức kinh doanh online có hiệu quả hơn cách thức bán hàng tại chỗ hàng chục năm qua”, ông Tuyến nói thêm.
Tính đến tháng 7/2018, Sapo có 43.000 khách hàng sử dụng nền tảng bán hàng (chạy trên online và offline) nhưng trong đó có đến 65% lượng khách hàng nằm ở hai đầu Hà Nội và Sài Gòn.
Sân ai nấy chơi…
Nền tảng quản lý bán hàng tại Việt Nam đang là mảnh đất đang được nhiều doanh nghiệp nhắm đến với đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cửa hàng đơn lẻ, thậm chí là những cá nhân chuyên kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Nhưng chỉ có khoảng 100.000 khách hàng đang sử dụng những nền tảng bán hàng của Sapo, KiotViet và Haravan. Còn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên các sàn giao dịch Lazada, Shopee, Sendo… hiện đang được các chủ sàn hỗ trợ công nghệ trong quản lý kinh doanh. Các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng có những công cụ riêng để hỗ trợ khách hàng như Zalo Shop. Viettel, VNPT, Grab… đang nhắm đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một ngày không xa sẽ tung ra những nền tảng bán hàng riêng với những ưu thế về công nghệ và hạ tầng mạng internet! Vài năm trước, nhóm công cụ quản lý bán hàng có bộ ba “ngự lâm pháo thủ” là Sapo, KiotViet và Haravan nhưng mỗi pháo thủ có thế mạnh riêng. KiotViet nhắm đến cửa hàng truyền thống. Haravan xoáy vào đối tượng là khách hàng online. Còn Sapo, sau khi sáp nhập nền tảng Bizweb và phần mềm Sapo thành nền tảng Sapo nhắm đến cả hai nhóm khách hàng là cửa hàng truyền thống và online nên về phương diện kinh doanh, có những vùng giao nhau nên họ giờ là “đối thủ”! “Nói đúng là vậy nhưng tôi nghĩ rằng, với 3 thương hiệu mà hiện chỉ có hơn 100.000 khách hàng, nghĩa là vẫn còn nhỏ lắm, vậy thì mạnh ai nấy khai phá thị trường. Dù có cạnh tranh nhưng bộ ba vẫn là những người bạn trong cuộc đời”, ông Tuyến cười.
Sapo nói rằng họ đang tăng tốc vì đã thâm nhập thị trường tròn 10 năm. Ông Tuyến cũng hé thông tin Sapo sẽ thâm nhập thị trường Indonesia và Philippines sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng về đối tác và vốn.“Còn sức đi nhanh, sau đó sẽ tính tiếp. Làm trước mà để thua đối thủ là do mình dở, không thể trách ai. Tiên trách kỷ…”, ông Tuyến nói với Thế giới Tiếp thị như vậy.
Theo Hoàng Triều / Thế giới tiếp thị