Ngẫm triển lãm cơ thể người, nghĩ về truyền thông: Sao phải giới hạn nhận thức?

Sự việc triển lãm cơ thể người vào ngày 21/6 tại TP.HCM bị ngừng lại đang là một vấn đề “nóng" và có rất nhiều ý kiến trái chiều. Đằng sau câu chuyện đó là những trăn trở về “hệ tư tưởng được làm sẵn”, sống nhờ vào nhận định của người khác và làm sao để không trở thành “con rối” của truyền thông.

Sợ hãi nhìn cơ thể mình, nhưng lại thích phim kinh dị

Mô hình triển lãm cơ thể người phát triển từ đầu thập niên 2000 được diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha,...và gần đây nhất là Việt Nam đã thu hút hàng triệu người xem.

Triển lãm cơ thể người đầu tiên trên thế giới mang tên Body Worlds được thực hiện bởi Von Hagens - “ông tổ" của kỹ thuật nhựa hoá thi thể người Plastination - thay thế nước và chất béo của cơ thể bằng các chất dẻo khác nhau.

Ngẫm triển lãm cơ thể người, nghĩ về truyền thông: Sao phải giới hạn nhận thức?Khi đến Việt Nam vào tháng 6 vừa rồi, triển lãm đã đem đến nhiều phản ứng trái chiều. (Nguồn: tintaynguyen)

Ở mỗi nơi diễn ra, cuộc triển lãm lại nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Nếu như các nước phương Tây phản ứng gay gắt và đặt dấu hỏi lớn trước nguồn gốc của các thi thể, thì người dân châu Á, như ở Nhật Bản, lại thích thú và hưởng ứng vì họ tin rằng triển lãm sẽ nâng cao hiểu biết về chính họ.

Trong khi đó, khi đến Việt Nam vào tháng 6 vừa rồi, triển lãm đã đem đến nhiều phản ứng trái chiều: thích thú, khiếp sợ, tán thành, e ngại. Thậm chí, một phần không nhỏ khán giả đề xuất nên dừng triển lãm bởi những bộ phận cơ thể “quá thực” như thế sẽ khiến bản thân họ, trẻ nhỏ sợ hãi, ám ảnh, không ngủ được.

Tréo ngoe, nếu so sánh với nền giải trí phim kinh dị, chính những bộ phận cơ thể “giả" lại trở thành nguyên liệu chế tác của các nhà làm phim. Những bộ phim kinh dị của thế giới và Việt Nam luôn trong tình trạng “cháy vé" với doanh thu cao ngất ngưởng như: IT (438 triệu USD), Đoạt hồn (12 tỉ đồng sau 4 ngày công chiếu), Quả tim máu (55 tỉ đồng sau 10 ngày công chiếu),...

Những bộ phận cơ thể “giả" lại trở thành nguyên liệu chế tác của các nhà làm phim. Theo đó, đạo diễn thổi những cảm xúc kích thích vào những bộ phận cơ thể trên màn ảnh.

Ngẫm triển lãm cơ thể người, nghĩ về truyền thông: Sao phải giới hạn nhận thức?Những bộ phận cơ thể “giả" lại trở thành nguyên liệu chế tác của các nhà làm phim (Nguồn: mattmulcahey)

Triển lãm đã tạm ngưng, nhưng nó lại hé ra một vấn đề đáng quan ngại: Cộng đồng muốn nhìn sự vật qua cách nhìn được “đúng khuôn" sẵn, với cảm xúc sắp xếp, dẫn dắt theo ý người khác thay vì tự mình đối diện với những thứ “quá thực".

“Không dám đối diện sự thật", nên dễ bị thao túng

Phản ứng trái ngược của đám đông đối với buổi triển lãm mang tính giáo dục về cơ thể người và nền giải trí phim kinh dị là một minh chứng cho thấy sự e ngại của cộng đồng khi đối diện với sự thật trần trụi, kể cả bản thân mình.

Những gì con người nhìn thấy, ngửi, sờ, nghe, nếm,... giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống chân thực, những cảm nhận đó sẽ trở thành nguồn nguyên liệu để chúng ta đưa chính kiến, từ đó tạo ra một phiên bản riêng của chính mình, có một-không-hai.

Sự phụ thuộc vào góc nhìn của người khác đã khiến con người lười cảm nhận, lười suy nghĩ, từ đó chúng ta trở thành những “Anonymous" (Vô danh), một phần của đám đông.

Đáng sợ hơn, sự phát triển của công cụ tìm kiếm và truyền thông đại chúng đã vô tình đẩy con người vào sự “sung sướng được thiết kế sẵn”. Giờ chỉ cần 0.5s, con người đã có thể nhận được hầu hết các câu trả lời, kể cả “món ăn X vị như thế nào?”. Ở một góc độ nào đó, truyền thông đã trở thành mắt, tai, lưỡi, mũi và làn da, trái tim, cảm xúc, khối óc của con người.

Ngẫm triển lãm cơ thể người, nghĩ về truyền thông: Sao phải giới hạn nhận thức?Sự phát triển của công cụ tìm kiếm và truyền thông đã đẩy con người vào sự “sung sướng được thiết kế sẵn” (Nguồn: dichvuonline)

Và hậu quả là, con người không còn tin và nhận ra, thậm chí sợ hãi khi nhìn vào chính mình. “Hệ tư tưởng được làm sẵn" đã khiến con người mất đi giá trị một-không-hai của mình.

Làm gì để giải cứu nét riêng của mỗi người trẻ

Nhiều người trong chúng ta sống nhờ vào nhận định của người khác: khi ba mẹ nói với con mình học kế toán, khi chuẩn bị tốt nghiệp thì người khác nói kinh doanh mới dễ kiếm tiền, phải đi học kinh doanh đi,...

Cái gì do mình tạo ra là của mình, kinh nghiệm thực tế cũng vậy. Tự tay làm ra đồng tiền trong cả tháng, tự tay tiêu hết nó nhanh chóng, thì mới hiểu được phần nào vai trò của đồng tiền.

Ngày 6/12/2015, một nhóm sinh viên 4 người, thay phiên nhau xuất hiện trước đám đông tại phố đi bộ Nguyễn Huệ hô hào: “Làm giàu không khó”. Mỗi người khi xuất hiện tự đặt ra cho mình một con số thu nhập sẽ đạt được vào năm 2016. Có người là thu nhập cả năm đạt một triệu đô la. Người thì tỷ phú đô la, người thì có thu nhập 100,000 USD.

Trong tình huống này, các bạn không biết (hoặc coi nhẹ) việc sinh viên mới ra trường xuất sắc nhất nhận mức lương là 7,000,000 VND. Nhân viên văn phòng có kinh nghiệm 3 năm thì mức lương là khoảng 15,000,000 VND. Để đạt được mức 180 triệu/tháng thì bạn phải chấp nhận làm gấp 12 lần, hoặc thông minh gấp 12 lần những người xung quanh.

Ngẫm triển lãm cơ thể người, nghĩ về truyền thông: Sao phải giới hạn nhận thức?Để đạt được mức lương cao, bạn phải chấp nhận làm nhiều hơn, hoặc thông minh hơn gấp nhiều lần những người xung quanh (Nguồn: bankwork)

Thực tế ở đây là: để có được mức lương mong muốn 180 triệu/tháng, nỗ lực và cơ hội là rất lớn. Tuy nhiên, do bạn không biết cần phải nỗ lực bao nhiêu, làm bao nhiêu giờ một ngày và trong lĩnh vực nào, nên thực tế đã bị bóp méo thành: mức lương mong muốn 180 triệu/tháng, chỉ cần tôi nỗ lực bằng cách la to thông điệp trước cộng đồng.

Mỗi người cần có một “màng lọc" cho sự chính xác của thông tin khi nhìn nhận vấn đề thì sẽ thấu đáo và sáng suốt để không trở thành “con rối" của truyền thông.

Giới trẻ ai cũng muốn "sống thật". Vậy thì hãy bắt đầu việc thu nhặt những “nguyên liệu đầu vào" từ tai nghe, mắt thấy, tự nếm trải, dám sống va chạm. Từ đó, chúng ta sẽ có ý thức tìm hiểu về cách vận hành của hệ thống giao tiếp, sau này là hiểu được nền truyền thông.

Tự mình tiếp thu “thực tế trần trụi” sẽ giúp con người giải mã được thế giới xung quanh theo cách riêng biệt. Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra điều ít đáng sợ nhất trên thế giới chính là từng bộ phận trong cơ thể mình.

Hoàng Trang

(Theo khoá học Communication@Work 08/2018)