Marketer Nguyen Thanh
Nguyen Thanh

Content Marketing @ HOOZING

Khởi nghiệp. Bạn đã sẵn sàng?

Khởi nhiệp ngày nay tại Việt Nam như trở thành một “trend” khi người người nhà nhà thi nhau khởi nghiệp và nó như dần trở thành một phần ước mơ của tuổi trẻ. Ước mơ là thế nhưng khởi nghiệp không dễ, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và sự đầu tư vốn liếng không nhỏ. Vậy liệu bạn đã sẵn sàng?

1. Khách hàng tiềm năng, mục tiêu?

Có cầu thì mới có cung và ngược lại. Xác định được người dùng mục tiêu chính là yếu tố thiết yếu để sản phẩm thành công. Vì nếu không xác định được sẽ dẫn đến sản phẩm, dịch vụ không có người sử dụng. Làm sao bạn có được người dùng nếu bạn không biết họ là ai?Khởi nghiệp. Bạn đã sẵn sàng?

Hãy chọn 1 hoặc nhiều bộ phận khách hàng mà bạn định hướng tới để từ đó sản xuất được “cung” ứng với “cầu”. Biết và hiểu rõ đối tượng mà công ty hướng tới rất quan trọng, nó giúp bạn tập trung và đẩy mạnh vào chiến lược để phát triển sản phẩm, dịch vụ. Điển hình là công ty Hoozing – môi giới bất động sản. Mặc dù là công ty ở Việt Nam, có CEO là người Việt Nam nhưng dịch vụ và website đều là tiếng Anh vì công ty này nhắm tới người nước ngoài.

Ngoài ra xác định được phân khúc mình sẽ phục vụ sẽ dễ dàng để bạn định giá sản phẩm của mình hơn. Ví dụ: các quán trà sữa hiện nay, phần lớn đều nhắm tới các bạn trẻ, sinh viên. Hiểu được khách hàng của mình, giá cả các món ở đây thường trung bình phù hợp với túi tiền giới trẻ. Ngoài ra các quán trà sữa thường trang trí, thiết kế cửa hàng đẹp mắt để bộ phận giới trẻ có thể ‘check-in’ , phục vụ cho nhu cầu sống ảo. Còn những quán café nhắm tới dân văn phòng thì sẽ đơn giản, trang trọng và tinh tế hơn cũng như giá cả sẽ nhỉnh hơn so với các quán trà sữa.

2. Sản phẩm/ Dịch vụ đáp ứng nhu cầu?

Sau khi xác định được đối tượng khách hàng tiềm năng thì xem liệu sản phẩm của mình có phù hợp với bộ phận khách hàng này chưa. Nếu chưa bạn nên đổi đối tượng phục vụ hoặc bạn phải nghiên cứu thị trường xem khách hàng tiềm năng này hiện đang cần gì, nhu cầu của họ là gì.

Có rất nhiều start-up nghĩ rằng chỉ cần sản phẩm mình độc lạ mới mẻ là sẽ thu hút được nhiều khách hàng từ đó tăng lợi nhuận. Đúng và sai. Đúng là nó có thể thu hút được khách hàng, vì mọi người ai cũng tò mò về những điều lạ, và đặc biệt trong xã hội ngày nay cụm từ ‘bắt kịp xu hướng’ là một cái gì đó quá gần gũi. Cứ có gì mới, lạ, ‘hot’ là nhà nhà đổ xô đi xem đi coi cho biết, cho bằng bạn bằng bè. Nhưng liệu nó có dài lâu. Sự nhưng này là khía cạnh sai của suy nghĩ trên. Sản phẩm của bạn phải đáp ứng được nhu cầu hay có lợi gì cho người tiêu dùng thì họ mới tiếp tục trở lại. Còn chỉ mới lạ thì chỉ dừng ở mức thu hút chứ chưa chắc tới được mức lợi nhuận vì không thể dài lâu.

Trái Đất luôn chuyển động, và xã hội loài người cũng thế, nhu cầu từ đó cũng thay đổi mỗi ngày, các sản phẩm mà nắm bắt được thị trường và phát triển theo nó thì sẽ thành công. Bạn có sản phẩm được nhiều người yêu thích chưa chắc tương lai sẽ vẫn thành công, phải luôn không ngừng phát triển và thay đổi để phù hợp và thích nghi với xã hội.

Ví dụ: Blockbuster, công ty cho thuê DVD và video trò chơi là ví dụ mới nhất cho hậu quả của việc không theo kịp các xu hướng công nghệ hiện đại. Với sự phát triển của Internet, nhiều người đã chuyển từ xem phim DVD sang xem phim trực tuyến qua mạng Internet. Dẫn đến sự phá sản của Blockbuster và sự “lên ngôi” của Netflix.

Startup chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường bên ngoài (tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, luật pháp…). Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu lĩnh vực, ngành nghề mình tham gia, bạn cần nắm bắt được những tình hình này và có tầm nhìn để xây dựng và định hướng sản phẩm cho phù hợp.

3. Tài chính vững chắc?

Bạn không thể bắt đầu kinh doanh nếu không có tiền đúng không? 2 điều trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không đủ vốn mở công ty hay chạy dự án.

Hãy đảm bảo là khoản tài chính của bạn đủ để chi trả 3 loại chi phí: chi phí ban đầu (những chí phí cho giấy phép kinh doanh, con dấu thiết lập công ty, chi phí thiết kế bộ nhận dạng thương hiệu, mua tên miền, hosting,…), chi phí cố định (tiền thuê mặt bằng – phòng làm việc, điện, nước hàng tháng, lương nhân viên…) và 1 khoản dư để chi trả các biến phí khác. Những khoản chi trả này phải đủ chi trả cho ít nhất 6 tháng mà không có nguồn thu vì rất hiếm khi có công ty nào làm ăn nên ra chỉ sau vài tháng hoạt động.

Khởi nghiệp. Bạn đã sẵn sàng?

Hãy tự hỏi bản thân: sau bao lâu thì bạn sẽ có nguồn thu? Sau bao lâu thì hòa vốn và bắt đầu có lợi nhuận? Bạn sẽ xoay vòng vốn và tái đầu tư ra sao?,… Mục tiêu là bạn phải giảm thiểu rủi ro và chi phí và để làm được điều này bạn cần bảng kế hoạch tài chính rõ rang và hợp lý.

Nếu không đủ thì bạn hãy nghĩ tới việc vay vốn (ngân hàng) hay tìm nhà đầu tư (Shark tank) để doanh nghiệp tránh tình trạng đóng băng. Mặc dù tài chính quan trọng, có thể các nhà đầu tư sẽ đưa ra 1 khoản tiền rất lớn nhưng kèm theo đó là nắm số cổ phần “khá cao” thì bạn cũng nên suy nghĩ về vấn đề này.

4. Thời điểm chín muồi, thuận lợi?

Thời điểm đây có nhiều yếu tố như là thị trường, đối thủ, vòng đời sản phẩm,…

Khởi nghiệp. Bạn đã sẵn sàng?

Liệu thời điểm này kinh tế đang phát triển tốt, nhu cầu của khách hàng cho sản phẩm dịch vụ của bạn tăng hay giảm. Ví dụ: dòng nhạc EDM có thể không đáp ứng được thị hiếu công chúng vào năm 2000 nhưng có thể 10 năm sau lại được ưu chuộng khi mà DJ ngày càng “có giá”. Bạn phải nắm bắt được thị trường.

Ngoài ra bạn phải xem xét liệu “món hàng” của bạn đang trong giai đoạn đầu hay cuối, nó vẫn còn được ưu chuộng hay đã lỗi thời, và dần đi vào quên lãng. Ví dụ chè khúc bạch, nó đã từng là trào lưu, được rất nhiều người “ghiền”, thưởng thức, nhưng giờ có lẽ đang trong giai đoạn “bảo hòa”. Nếu bạn có ý định mở quán chè khúc bạch thì liệu có thành công? Nếu xét những yếu tố trên thì chè khúc bạch có phân khúc khách hàng tiềm năng là giới trẻ, cũng đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nhưng thời điểm thì không khả quan khi nó không còn trong giai đoạn phát triển mà đã bão hòa.

Thời điểm ở đây còn là về đối thủ, hiện đối thủ của bạn là ai, ít hay nhiều. Bởi nếu quá nhiều đối thủ, có khả năng thị phận đã bị chiếm hết, và dù bạn có vào được thì cũng sẽ khó để cạnh tranh lại. Ví dụ: thị trường smartphone ở Việt Nam hiện đang được nắm chủ yếu bởi Samsung, Apple và Oppo tới hơn 80%, còn lại dưới 20% chia cho các hãng khác như Sony, Huawei, Mobiistar,… Nếu bạn gia nhập thị trường thì bạn có hình dung được mình sẽ cạnh tranh với các “ông lớn” này như thế nào không? Trừ khi bạn có gì đó nổi bật, tốt hơn đối thủ của mình, còn không bạn sẽ chỉ là con cờ vô danh, rồi dần bị đào thải.

5. Nhân lực đầy đủ, chuyên nghiệp?

Khởi nghiệp. Bạn đã sẵn sàng?

Tục ngữ có câu “1 cây làm chẳng nên non, 3 cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thật vậy, một mình bạn không thể nào làm nên 1 công ty, làm nên thành công của startup cần có đội ngũ cộng sự tài năng. Bạn cần tìm và tập hợp các cá nhân phù hợp với công ty như là cách làm việc, mục đích, những cá nhân giỏi trên sở trường của họ. Như Ken Blanchard từng nói: “Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”. Sự tâp hợp nhân lực “đa dạng” này sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều thứ và có kiến thức, khả năng để giải quyết được khó khăn trên nhiều lĩnh vực. Bạn biết rằng, khi lập 1 công ty, 1 start-up cần rất nhiều thứ để để tâm tới, chúng ta không phải là bách khoa toàn thư, không thể biết sâu và chi tiết về mọi mặt, thế nên một nhóm “chất lượng” sẽ giúp bạn rất nhiều. “Khi đơn độc chúng ta làm rất ít, cùng nhau chúng ta có thể tạo ra nhiều thứ.” - Helen Keller.

Ngoài ra chất lượng và tinh thần làm việc quan trọng hơn là số lượng. 1 đội ngũ nhân viên đông chưa chắc đã tốt hơn 1 đội ngũ nhân viên ít và 1 đội ngũ nhân viên “thiên tài” mà tinh thần đồng đội không có chưa chắc bằng 1 đội ngũ nhân viên với kiến thức “đủ xài” mà có tinh thần đồng đội cao. Michael Jordan từng nói: “Người tài giỏi sẽ chiến thắng trò chơi, nhưng tinh thần đồng đội và trí óc giành chức vô địch”. Bạn muốn chiến thằng hay giành chức vô địch?

Tất nhiên, những điều được liệt kê trên đây chỉ là lý thuyết trên giấy tờ, kế hoạch. “Nói thì dễ mà làm thì khó”, thực tế xã hội luôn tràn ngập những hiểm nguy cho nên khi thực hiện sẽ có hàng trăm vấn đề phát sinh mà bạn không bao giờ lường hết được và khả năng bạn thất bại trong lần đầu kinh doanh (hay vài lần sau đó) là vô cùng lớn. Nhưng kế hoạch sẽ giúp bạn định hướng đường đi, không để bạn đi lệch hướng quá xa và kiểm soát được phần nào những vấn đề ngoài ý muốn.

Ngay cả Jack Ma – ông chủ tập đoàn Alibaba – cũng thừa nhận “Alibaba là sai lầm thứ 1001 của tôi”. Thế nên đừng vội nản chí khi con đường lập nghiệp chẳng trải đầy hoa hồng. Những thử thách, thất bại sẽ là đòn bẫy để bạn vươn lên mạnh mẽ, tạo giá trị mới cho cả bản thân và doanh nghiệp!