Nike và chiến lược mô hình đa thương hiệu
Cho đến ngày nay, thương hiệu Nike vẫn luôn khẳng định vị thế là một trong những công ty cung cấp sản phẩm về thể thao hàng đầu thế giới. Góp phần rất quan trọng trong thành công này, Nike xây dựng chiến lược mô hình đa thương hiệu cực kì hiệu quả.
Mô hình đa thương hiệu
Với những lợi thế riêng của một thương hiệu có ảnh hưởng toàn cầu, Nike đã hoạch định chiến lược cho công ty của mình theo mô hình đa thương hiệu. Đây là mô hình thương hiệu năng động nhất nó bao hàm cả mô hình thương hiệu gia đình và mô hình thương hiệu cá biệt. Mô hình này tận dụng lợi thế của cả 2 mô hình và đồng thời nó cũng hạn chế khuyết điểm của từng mô hình cần khắc phục. Sự kết hợp cả 2 mô hình thương hiệu gia đình và mô hình thương hiệu cá thể được thực hiện theo nhiều cách. Trước hết, một trong những cách phổ biến Nike chọn đó là kết hợp đối xứng, cụ thể là:
Mọi sản phẩm thuộc các chủng loại khác nhau từ giày dép, quần áo, dụng cụ thể thao… của công ty cùng có tên thương hiệu Nike. Lấy tên gốc là thương hiệu Nike (thương hiệu gia đình) kết hợp với tên của từng sản phẩm (thương hiệu cá biệt) với vị trí tương đương nhau. Khi đặt tên sản phẩm với cách này, công ty là người đầu tiên lọt vào tâm trí khách hàng với một sản phẩm hoàn toàn mới thì sẽ trở nên nổi tiếng - bất kể là với cái tên nào. Ví dụ như: Nike Zoom, Nike Air Max,…
Bên cạnh đó Nike cũng sử dụng cách kết hợp bất đối xứng. Tức là một thương hiệu sẽ đóng vai trò chủ đạo, thương hiệu còn lại sẽ bổ sung ý nghĩa khác biệt. Với thương hiệu gia đình – thương hiệu Nike có mức độ nhận biết và uy tín cao thì việc sản phẩm mang kiểu kết hợp này ra mắt trên thị trường sẽ nhanh chóng được mọi người chấp nhận hơn (nhấn mạnh đến thương hiệu gia đình). Ví dụ: Nike Pro HyperCool, Nike Trainer,… Nổi bật nhất đó là Nike còn kết hợp với rất nhiều người nổi tiếng để thu hút công chúng về sản phẩm, thành công nhất phải kể đến hợp đồng với huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, tạo ra một sản phẩm mới có tên Nike Air Jordan. Đây là cách đặt tên thương hiệu có thương hiệu cá biệt được nhấn mạnh hơn.
Nhìn chung, mô hình đa thương hiệu sẽ thích hợp để khai thác lợi thế thương hiệu gia đình và hỗ trợ cho thương hiệu cá biệt. Hạn chế được rủi ro khi có thương hiệu cá biệt nào đó gặp rắc rối. Quan hệ giữa thương hiệu gia đình và thương hiệu cá biệt trong mô hình này mang tính tương hỗ do vậy cả thương hiệu gia đình và thương hiệu cá biệt đều hưởng lợi từ sự tương hỗ này.
Tuy nhiên, ở mô hình này chúng ta cần lưu ý rằng:
- Phải đầu tư thương hiệu rất lớn.
- Quản lý phức tạp.
- Không phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Không phù hợp với doanh nghiệp ít chủng loại hàng hóa.
Đỗ Thị Huyền Trâm