Đi tư vấn được tư vấn
Sáng thứ bẩy vừa rồi đi làm executive coaching (tạm gọi là đào tạo giám đốc) cho khách hàng. Thông thường, ngày thứ bẩy là ngày tốt nhất để làm việc này. Cả tôi và khách hàng đều không bị vây bổ bởi nhân viên, bị ngắt quãng bới vô số tiếng chuông điện thoại, không bị áp lực của công việc, có thể vừa uống cà phê vừa trao đổi. Khách hàng của tôi, tạm gọi là ông M. lại là người rất thông minh, nên những buổi trao đổi như thế này thực ra không hẳn là đào tạo, vì những thứ tôi học được từ khách hàng cũng nhiều không kém gì những cái khách hàng học từ mình.
Chủ đề của buổi học là làm việc với giới truyền thông của Việt nam, nhưng trước khi đi vào giới truyền thông, ông M. muốn tôi trình bày về tính cách và tâm lý của người Việt nam. Tôi nói về truyền thống coi trọng gia đình, coi trọng quan hệ, về tầm quan trọng của tính đồng thuận trong xã hội Việt nam, , về tâm lý vừa tự ti vừa tự cao của nước nhỏ sống độc lập bên cạnh một nước lớn, về sự thiếu vắng của các chủ thuyết dẫn đến sự vay mượn chắp vá có tính hệ thống trong lý luận của người Việt nam, về thói quen “tảng lờ như sự việc không hề xảy ra” vv, nhưng ông M. vẫn cảm thấy không thỏa mãn. “Vậy thì bản sắc dân tộc của người Việt là gì?”. Ông M.hỏi. “Một câu hỏi rất hay, nhưng tôi đành phải nói với ông là tôi không có câu trả lời. Người Việt nam nói rất nhiều đến bản sắc dân tộc, nhưng tôi nghĩ nếu ông hỏi bất cứ một học giả nào của Việt nam, thử đặt bút gạch ra ba gạch đầu dòng về bản sắc dân tộc chúng tôi, họ sẽ không trả lời cho ông được. Tôi nghĩ chúng tôi đang ở trong cái gọi là khủng hoảng về bản sắc, và không ai cố sức đi tìm câu trả lời.”. Ông M. nói “ Tôi nghĩ người Việt nam luôn nghĩ mình đặc biệt, nhưng thực ra, tính cách tâm lý chung của một dân tộc có thể đoán định được dựa trên một số nền tảng chung. Những nền tảng chung đó, theo tôi, bao gồm a) dân tộc đó đang ở đâu trong chu trình phát triển kinh tế (ecnomic cycle), b) nền tảng về tôn giáo của dân tộc đó là gì (khi nói về tôn giáo, tôi dùng theo nghĩa rộng, tức là hệ thống các qui chuẩn về giá trị tinh thần và niềm tin của dân tộc đó) và c) bản sắc của dân tộc đó là gì? Ví dụ như khi tôi ở Thái, tôn giáo đối với người Thái là cực kỳ quan trọng, và bản sắc của người Thái là không bao giờ để bạn thấy họ thực sự tức giận. Vì nếu tức giận, họ không giữ được trạng thái cân bằng mà họ nghĩ đạo Phật qui định, nhưng chính vì như vậy, họ không thực sự hiểu đạo Phật, mà chỉ thực hành đạo Phật theo cái vỏ bề ngoài. Khi tôi ở Singapore, bản sắc của người Singapore theo đạo Khổng là thể hiện sự kiêu ngạo một cách kín đáo. Họ sẽ nói cho bạn biết họ đi xe Mercedez, có căn hộ ở đường Ochard, nhưng bạn không bao giờ biết họ có bao nhiêu tiền trong tài khoản, và nếu bạn đến thăm căn hộ của họ, thì nó lộn xộn và bừa bãi khủng khiếp, có khi còn tệ hơn ở Việt nam. Riêng đối với Việt nam, tôi vẫn đang rất lúng túng để có một định nghĩa nào đó đặc trưng cho tính cách của người Việt nam”.
“Anh nói anh dạy trong Khoa Báo chí. Vậy tại sao người ta lại đi làm báo?” Ông M. hỏi. “Theo quan sát của tôi, phần lớn học sinh của tôi lựa chọn ngành báo chí vì ngành này có vẻ quan trọng (oai), cơ hội làm việc nhiều và không đòi hỏi một hệ thống các kỹ năng phức tạp”. “Vậy có bao nhiêu người đi làm báo vì muốn bảo vệ lý tưởng của họ về sự công bằng, về thượng tôn pháp luật, dân chủ và quyền của con người”. “Tôi có cảm giác số đó rất ít, không phải không có, nhưng rất ít”. “Hmmm, tôi hiểu rồi, tóm lại ở Việt nam người ta đi làm báo vì nhầm lẫn nghề nghiệp. Ở nước tôi, nếu muốn quan trọng, nhiều cơ hội và không đòi hỏi các kỹ năng phức tạp lắm thì họ đi làm chính trị gia. Tôi hiểu rồi, tóm lại phần lớn các phóng viên Việt nam đều chọn nhầm nghề và bị mắc kẹt ở đó”.
Tôi trình bày cho ông M. về những dạng nhà báo mà ông sẽ tiếp xúc. Thành viên ban biên tập, những người sẽ không bao giờ đi dự các sự kiện báo chí và ngại tiếp xúc với người nước ngoài, những người không phải bao giờ cũng có quan hệ tốt với các phóng viên của mình, những người ít viết báo nhưng có quyền quyết định về nội dung và định hướng của bài báo. Những phóng viên lâu năm, những người sẽ tham dự các sự kiện báo chí, viết bài nếu có thông tin hữu ích, tiếp nhận một cách mệt mỏi các thông cáo báo chí, và thích những buổi trao đổi bên lề hơn là các sự kiện long trọng. Các phóng viên tập sự kiêm phụ trách quảng cáo của một số tờ báo hay tạp chí nhỏ, và ông đừng ngạc nhiên nếu sau buổi phỏng vấn họ sẽ đề nghị ông mua một trang quảng cáo trên tờ báo của họ. “Tôi hiểu rồi!” ông M.ngắt lời “Tóm lại mẫu thứ nhất là các công chức bàn giấy , mẫu thứ hai là các nhà báo mắc kẹt, và mẫu thứ ba là các doanh nhân”. “Vâng, để cho dễ hình dung, ông hiểu như vậy cũng được”- chúng tôi cười và quyết định lần tới, chúng tôi sẽ thảo luận về kỹ năng trả lời phỏng vấn của ông M.
Nguồn: Góc Nhìn Tằng Phát