Marketer Mr. K
Mr. K

Marketing manager @ Star Galaxy

Hồi ức của EventProfs - Phần 1: Nghề sự kiện Sướng hay Khổ?

Hồi ức của EventProfs - Phần 1: Nghề sự kiện Sướng hay Khổ?

Những điều chia sẻ cảm xúc của admin fanpage Event Backstage - một người định hướng với nghề BackStage - vị trí luôn đứng phía sau sân khấu của mỗi sự kiện hay những chương trình nghệ thuật.

Tổ chức sự kiện đến nay có lẽ cũng không còn là nghề mới mẻ như trước đây người ta vẫn thường rỉ tai nhau. Trong thời kì kinh tế có nhiều biến động như hiện tại, thị trường sự kiện cũng có những ảnh hưởng nhất định tuy nhiên nó vẫn luôn sôi động và đầy sức sống như chính bản thân nó vậy.

Chúng ta tiếp xúc và làm sự kiện hàng ngày, hàng giờ mà vô tình chưa định nghĩa được đó là tổ chức sự kiện. Chưa bàn vội đến những chương trình nghệ thuật lớn, những buổi trình diễn với âm thanh, ánh sáng hoành tráng, những bữa tiệc với dàn sao và thảm đỏ. Có thể đó là lễ đầy tháng, sinh nhật, đám giỗ hay tổ chức ăn uống họp mặt tại gia. Tất cả cũng đều trải qua các bước của 1 event, có chăng là thu gọn, và đơn giản hơn.

Bởi vì lĩnh vực này nếu chỉ có vốn liếng sách vở thì có lẽ sự khắc nghiệt sẽ đánh gục bạn bất kỳ lúc nào.

Ở các nước phát triển, tổ chức sự kiện được coi là 1 ngành công nghiệp, nó hoạt động khá nhộn nhịp và bài bản. Ở nước ta, tuy không còn mới mẻ nhưng lại chưa thực sự có trường lớp nào đào tạo 1 cách chuyên sâu đúng nghĩa về tổ chức sự kiện - nếu có thì cũng mới chỉ là một môn học trong lĩnh vực PR hay Quản trị khách sạn du lịch. Bởi vì lĩnh vực này nếu chỉ có vốn liếng sách vở thì có lẽ sự khắc nghiệt mà nó mang đến sẽ đánh gục bạn bất kỳ lúc nào.

Hồi ức của EventProfs - Phần 1: Nghề sự kiện Sướng hay Khổ?

Tôi thường nói với 1 số bạn rằng, trường học lớn nhất và tuyệt vời nhất, giảng dạy bộ môn tổ chức sự kiện đó chính là trường đời. Khi bước chân vào ngôi trường này bạn sẽ không biết được bao giờ mình mới tốt nghiệp, thầy giáo của bạn sẽ là tất cả những người bạn gặp và tiếp xúc. Những kinh nghiệm ấy không chui vào trí óc bạn qua những giọng đọc trầm ấm trên trang giáo án, hay sách giáo khoa, mà nó ngấm vào từng mạch máu của bạn qua những việc bạn làm, những giây phút đổ mồ hôi sôi nước mắt theo đuổi 1 chương trình mặc dù khi đó bạn mới chỉ là 1 vai trò của helper (tạm dịch là chân sai vặt), những tiếng reo hò cổ vũ, những nụ cười của khán giả hay kể cả những lời phàn nàn của khách hàng. Đó là những thứ mà không có bất kỳ 1 điều gì có thể thay thế được.

Để có được những trải nghiệm đáng quý đó điều mà bạn cần làm đó chính là quăng mình ra, hòa nhập với vòng quay mỗi ngày của nó.

Để có được những trải nghiệm đáng quý đó điều mà bạn cần làm đó chính là quăng mình ra, hòa nhập với vòng quay mỗi ngày của nó. Làm tất cả những gì bạn có thể để thu nạp những kiến thức độc đáo cho chính bản thân mình. Sách vở là cần thiết nhưng thực tế mới là người thầy chỉ dạy cho ta biết đúng sai.

Đời thường không như mơ. KHÔNG CÓ 1 SỰ KIỆN NÀO LÀ KHÔNG MẮC LỖI. 1 kế hoạch tưởng chừng như rất là hoàn hảo, có tất cả những phương án backup A,B,C,D… nhưng sai lầm lại đến từ những thứ rất vụn vặt và nhỏ nhặt. Chúng ta đánh giá chương trình dựa trên kịch bản, kế hoạch đã đưa ra nhưng người tham dự đánh giá dựa trên cảm nhận và những gì người ta vô tình nhìn thấy. Càng sự kiện nhỏ, những sơ suất lại càng nhìn thấy rõ.

Hay như việc đến giờ ăn mà bạn vẫn phải nhịn đói để làm tốt 1 buổi tiệc Gala Dinner cho khách hàng chẳng hạn. Nhìn người ta ăn uống, cụng ly, mùi thức ăn thơm lừng mà tự cảm thấy tủi thân vô cùng, chỉ còn cách tập trung vào nội dung chương trình, hoàn thành tốt công việc, và nghĩ đến phần thưởng sau đó lớn lao hơn nhiều so với cái bụng rỗng lúc bây giờ. Để rồi khuya muộn khi ra về, với đôi chân mỏi dừ, cái bụng không đói vì quá đói, bạn lại tấp vô 1 quán lề đường nào đó chưa dọn hàng vội vàng ăn tạm cái gì đó lấp đầy khoảng trống trong cái bụng đang kêu gào thảm thiết và rồi chông chênh trong suy nghĩ.

Khi đến với công việc này bạn là người lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ.

Khi đến với công việc này bạn là người lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ. Bạn phải ném cảm xúc của bản thân qua 1 bên mà làm dâu trăm họ. Việc đi sớm về khuya, bất chấp thời tiết cũng là điều quá quen thuộc. Điều này có thể bất lợi với những bạn nữ nhưng dần dần cũng sẽ phải học cách chấp nhận thôi.

Phơi nắng, dầm mưa, đi xa cả tháng là chuyện bình thường đối với người làm sự kiện. 1, 2 lần đầu có thể bạn sẽ rất hứng khởi, nhưng nếu như nó kéo dài hơn bạn tưởng tượng, thì có lẽ cần 1 điều gì đó trong con người bạn làm động lực để bạn có thể tiếp tục cuộc hành trình cho những event tiếp theo.

Đặc biệt rằng, làm sự kiện thì không có ngày nghỉ. Chúng ta thường phải nhường những ngày đẹp nhất, những kỳ nghỉ vui nhất cho những khán giả của chúng ta và lặng lẽ tự an ủi bản thân ở 1 góc nào đó.

Thực tế thì luôn phũ phàng, nó luôn đòi hỏi 1 cách cự kỳ khắt khe với bạn. Nó không giống với màu hồng mà các bạn mường tượng qua các trang thông tin, trên truyền hình, hay những lời khoa trương thu nhập hàng chục triệu đồng 1 tháng.

Thế nên nó KHỔ!!!!!

Hồi ức của EventProfs - Phần 1: Nghề sự kiện Sướng hay Khổ?

NHƯNG...

Khi làm sự kiện bạn thấy mình biết nhiều hơn, được trải nghiệm nhiều hơn vì trong công việc này đòi hỏi bạn cần có những kiến thức đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngày hôm nay có thể bạn biết thêm về thành phần và công dụng của 1 số loại sữa, ngày mai bạn lại tiếp xúc với những chiếc điện thoại thông minh mới nhất, rồi ngày mốt bạn lại chễm trệ ngồi trong 1 chiếc xe hơi thể thao thuộc hàng đắt tiền nhất.

Khi làm sự kiện bạn thấy mình biết nhiều hơn.

Những chuyến đi xa, phần nào cũng giống những chuyến du lịch, cho bạn thêm hiểu biết về những vùng đất mới, con người, cảnh vật và những đặc sản địa phương (hay nhất là không tốn tiền )

Hay như việc được gặp gỡ và làm việc với những celebrity đối với bạn là chuyện bình thường nhưng đâu đấy ngoài kia có hàng trăm hàng ngàn người muốn được như bạn.

Bạn được thoải mái di chuyển đến những vị trí đẹp nhất, có thể khán giả sẽ nhìn bạn với ánh mắt thật ngưỡng mộ qua tấm barrier chắn trong 1 sự kiện lớn nào đó và thu lượm những hình ảnh đẹp nhất, mới nhất của chương trình.

Hậu trường (‪#‎BackstageEvent‬) – nơi thu hút nhiều ánh mắt tò mò của khán giả cũng là 1 khu vực bạn được đặc quyền qua lại. Một số show diễn trên thế giới còn bán loại vé để vào hậu trường (‪#‎backstage‬) – tương đương với 1 dạng vé VIP – nơi khán giả có thể đi lại trong khu vực chuẩn bị của các nghệ sĩ, chụp hình và giao lưu cùng những người nổi tiếng mà họ hâm mộ.

Và hơn hết tất cả, bạn thực sự hạnh phúc khi nhìn thấy những nụ cười, những tiếng vỗ tay của mọi người dành cho chương trình của bạn.

Bên cạnh đó bạn là người nắm kịch bản chương trình, khi bạn nhìn những khán giả, bạn biết món quà đặc biệt của bạn trong chương trình đang chờ đón họ ở phía trước.

Và hơn hết tất cả, bạn thực sự hạnh phúc khi nhìn thấy những nụ cười, những tiếng vỗ tay của mọi người dành cho chương trình của bạn. Đó là những niềm động viên lớn lao nhất trở thành động lực để bạn tiếp tục bước trên con đường trải hoa hồng nhưng cũng đầy chông gai này.

Thế nên nó SƯỚNG!!!!!!

(Hồi ức của Mr. K - Nguồn: www.facebook.com/EventManagement.vn)

Xem tiếp Phần 2: Những giấc mơ