Thương hiệu “sống” là thương hiệu biết khác biệt…
Tai sao suốt nhiều thập kỷ người ta khó tách biệt thương hiệu với marketing? Hãy thử nghĩ nếu không có các hoạt động marketing, thương hiệu của bạn còn lại gì với người tiêu dùng. Đó là khi bạn tạo được một cuộc đời cho chính thương hiệu của mình.
Khi thương hiệu cần sự sống
Đầu tiên, chúng ta định nghĩa như thế nào về sự “sống” của thương hiệu? Là sự sinh sôi nảy nở, là sự chuyển động, là hít thở,…hay nói cách khác sự sống là chính chúng ta. Mỗi con người chúng ta là một nhân cách, một cá thể sống. Và thương hiệu cũng vậy, chúng cũng muốn có được sự sống đó. Liệu ta có thể khiến cho mọi người nhìn nhận thương hiệu của mình như một sinh vật sống, có cơ thể, suy nghĩ và tâm hồn?
Vậy Khi nào bạn biết thương hiệu của mình khác biệt
Thương hiệu có thể bắt đầu với một logo, một câu slogan rồi đến những tài sản kinh doanh quan trọng, và rồi cuối cùng nó có một đời sống như con người. Thế nhưng có một vấn đề các thương hiệu thường gặp phải chính là cách mà nó phân biệt bản thân giữa muôn vàn thương hiệu đã đang và sẽ có khác.
Không phải vì sự phân biệt khó hình thành, mà là do đa phần các thương hiệu luôn tìm kiếm sự khác biệt từ ngoài vào trong, có nghĩa là nếu chúng ta nhìn thấy sự khác biệt thì người khác cũng nhìn thấy nó. Và sự phân biệt từ bên ngoài này rồi cũng sẽ tạo ra sự không khác biệt, tất cả đều như nhau. Khi đó dù bạn có bỏ nhiều công sức hơn để đầu tư cho việc tạo ra sự khác biệt thì kết quả thu lại cũng chỉ là ít ỏi và tạm thời.
Hãy nhớ rằng mỗi cá nhân là một sự khác biệt, bởi vì “tôi” là sự phân biệt duy nhất trên trái đất. Không ai giống ai hoặc có thể làm cho người này giống người khác.
Người ta sẽ nhớ về Steve Job khi nhắc đến Apple, Richard Branson khi nói về Virgin. Họ kết nối tính cách cá nhân với công việc để thương hiệu và doanh nghiệp trở nên mạnh hơn. Việc người tiêu dùng nói về thương hiệu nhiều hơn là sản phẩm và dịch vụ nói lên rằng thương hiệu đã có tính cách riêng và phản ánh những khía cạnh của cuộc sống.
Hãy nhìn vào trong chính bản thân mình. Khi bạn nhìn nhận được giá trị bản thân cũng là lúc người tiêu tiêu dùng nhìn nhận được giá trị thương hiệu của bạn.
Rồi Khi nào bạn biết thương hiệu của mình đang sống
Lại nói về sự sống. Nó không phải việc món hàng bạn bán ra được bao nhiêu người mua, thương hiệu của bạn được bao nhiêu người biết đến. Đó còn là quá trình đưa thương hiệu của bạn vào đời sống, tương tác với con người và khiến xã hội “của chúng ta” tốt đẹp hơn.
Khi mà niềm tin trở thành món quà quý giá nhất trong thời đại này, niềm tin là khởi điểm cho việc chuyển đổi giá trị thành giá cả. Như cách KFC kể câu chuyện của Colonel Sandler cho chúng ta niềm tin về sự cố gắng không ngừng nghỉ. Hay cách DOVE, một thương hiệu hàng đầu thế giới về các sản phẩm dưỡng thể kết nối với phụ nữ bằng niềm tin về vẻ đẹp thật sự là nhận thức bản thân của các cô gái.
Vậy nên, một bước nữa cho một thương hiệu sống còn, hãy tự hỏi bản thân: “Thương hiệu của mình tin tưởng vào điều gì?”. Trả lời câu hỏi này, bạn nhận biết được bản thân còn người tiêu dùng sẽ tin tưởng vào giá trị thương hiệu của bạn.
Và đó là khi bạn biết được thương hiệu của mình đang sống…
(Nhật Quang - Kim Ngân ADV)