Nguyên tắc “ABC” trong quảng cáo
“Người yêu nhau, có thể chờ nhau đến 10 năm hoặc lâu hơn tùy vào độ keo sơn của họ. Còn người tiêu dùng sẽ không chờ đợi nhiều, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng nhanh khi họ luôn có quá nhiều sự lựa chọn thay thế”
Có bao giờ bạn hỏi làm sao để đánh giá được quảng cáo có thực sự hiệu quả. Câu trả lời ở đây là quy tắc ABC và theo đúng trình tự của quy tắc này.
Vậy quy tắc ABC là gì?
A-Attention (Sự chú ý): Mẫu quảng cáo sẽ không hiệu quả nếu không ai chú ý đến nó. Nếu không có “A” thì chắc chắn bạn sẽ không đi được đến các bước “B” và “C”. Nếu quảng cáo của bạn mà không gây được sự chú ý của người khác thì bạn sẽ phải tốn rất nhiều tiền để lặp lại quảng cáo đó để nó có cơ hội phổ cập được đến với người tiêu dùng.
B-Branding (Thương hiệu): Khi bạn đã gây được sự chú ý, nhưng người tiêu dùng không nhận biết được thương hiệu của bạn thì bạn đã lãng phí tiền hoặc tệ hơn là bạn đang quảng cáo cho đối thủ của bạn. Thường thì các thương hiệu mới bắt đầu sẽ chịu thiệt thòi về vấn đề này. “Đừng quảng cáo mì tôm chua cay nữa, vì càng quảng cáo, thương hiệu mì Hảo Hảo càng bán đắt” – một người kỳ cựu trong ngành quảng cáo mì gói cho hay.
C1 – Consolidate (củng cố): Quảng cáo thường xuyên sẽ giúp cho người tiêu dùng cũng cố lại về thương hiệu của bạn như thuộc tính, liên tưởng, thái độ, để từ đó mà người tiêu dùng sẽ lặp lại quá trình mua hàng. Không quảng cáo thường xuyên, người tiêu dùng sẽ quên bạn đó gọi là “Xa mặt cách lòng”
C2 – Changing (Thay đổi): Cuối cùng, người tiêu dùng khi đã xem xong quảng cáo, biết được thương hiệu nào đang quảng cáo, nhưng lại không thay đổi được thói quen tiêu dùng của họ thì quảng cáo của bạn chỉ mang tính chất giải trí.
(Nhật Quang - Kim Ngân ADV)