Google - “Ẵm” giải Vàng MMA nhờ giúp gần 1 triệu trẻ em Việt học “lên mạng” an toàn
Trong khi internet ngày càng phát triển, độ tuổi mà trẻ em bắt đầu tiếp xúc với môi trường online lại đang giảm dần. Điều này đã khiến nhiều người lo ngại về những mối nguy hiểm có thể rình rập trẻ nhỏ trên không gian mạng. Là một “ông lớn” với các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến Internet, Google đã chọn cách tiếp cận như thế nào với vấn đề bảo vệ trẻ trên không gian mạng cấp thiết này?
Bối cảnh
Trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nhiều trường học ở Việt Nam phải đóng cửa và chuyển sang hình thức giảng dạy và đào tạo trực tuyến. Vì vậy, trẻ em trong độ tuổi học cấp 1 và cấp 2 cũng tăng mức độ tiếp xúc với không gian mạng. Điều này làm dấy lên nhiều lo lắng về rủi ro các em có thể đối mặt trên internet khi chưa nhận thức hết những mối nguy tiềm tàng.
Một cuộc khảo sát của Nielsen với trẻ em ở bốn quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) cho thấy trẻ em khi học tập và giải trí online có nguy cơ tiếp xúc với những nội dung bạo lực, bắt nạt trên mạng, tin giả và các mối đe dọa khác từ người lạ. Tuy nhiên, trẻ có xu hướng ít chia sẻ với cha mẹ khi gặp phải những vấn đề này và thường chọn cách im lặng hoặc có những hành động tiêu cực.
Trong khi đó, một khảo sát khác về phụ huynh Việt do Qaltrics và Google thực hiện cho thấy 71% phụ huynh có con nhỏ tham gia lớp học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch COVID-19 lo ngại về các vấn đề an toàn trực tuyến. Tuy nhiên, hơn 1/3 số phụ huynh được phỏng vấn chưa bao giờ nói chuyện với con mình về bảo mật internet.
Là một thương hiệu lớn và gắn liền với cuộc sống internet của người dùng, Google muốn trở thành cầu nối giữa phụ huynh và các em để cùng nâng cao kiến thức kỹ thuật số, sử dụng internet thông minh. Vì vậy vào tháng 10/2021, Google đã triển khai chiến dịch “Be Internet Awesome” toàn cầu tại Việt Nam với mục tiêu trang bị kiến thức cho trẻ trên môi trường mạng thông qua sự đồng hành cùng phụ huynh cũng như nhà trường và giáo viên. Chương trình này đã được Google triển khai lần đầu ở Mỹ vào năm 2019 và tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác trên toàn cầu.
Mục tiêu
Mục tiêu truyền thông:
- Tăng mức độ tương tác và liên kết của người dùng với Google như một thương hiệu quan tâm đến giáo dục và bảo vệ trẻ trên không gian mạng.
- Củng cố hình ảnh và tăng tình yêu của đối tượng gia đình và trẻ nhỏ với thương hiệu.
Insight
Từ những phân tích về thị trường, thương hiệu xác định đối tượng mục tiêu trong chiến dịch lần này gồm: trẻ em (7-12 tuổi), phụ huynh và giáo viên. Đối với các em, việc lên mạng gần như là thói quen mỗi ngày để phục vụ việc học online và giải trí. Tuy nhiên, ở độ tuổi của mình, các em chưa hiểu được toàn diện cách “thế giới mạng” vận hành cùng những mối nguy rình rập. Đồng thời, việc tiếp cận những kiến thức về an toàn mạng theo phương pháp truyền thống sẽ nhanh chóng gây nhàm chán và kém hiệu quả với độ tuổi của các em.
Ở góc độ phụ huynh và nhà trường, tuy có sự quan tâm lo lắng, nhưng họ cũng gặp phải hai rào cản lớn. Một là giai đoạn COVID-19 cũng là lần đầu họ phải hướng dẫn con em tiếp xúc với công nghệ cho việc học online nên chưa có sự chuẩn bị bài bản và sẵn sàng. Hai là, vì chưa có một bộ kiến thức chuẩn hóa và dễ tiếp cận với phụ huynh nên những lo lắng của cha mẹ chỉ dừng lại ở các biện pháp như hạn chế thời gian sử dụng internet và hạn chế không gian truy cập của các em.
Khoảng cách từ hai phía: việc trẻ chưa tự mình tìm hiểu và phụ huynh, nhà trường chưa tìm được cách hướng dẫn hiệu quả vô tình tạo ra “vùng nguy hiểm” khi các em lên mạng thường xuyên hơn.
Strategy
Hiểu được bức tranh toàn cảnh, Google chọn cách tiếp cận phù hợp với vấn đề của từng đối tượng:
- Tiếp cận trực tiếp với các em: Chuyển hóa kiến thức thành các hình thức thông tin khơi gợi tương tác và sự tò mò của các em thay vì phương pháp truyền đạt một chiều truyền thống.
- Tiếp cận gián tiếp với các em thông qua phụ huynh và giáo viên: Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và các tổ chức giáo dục ở Việt Nam để chuẩn hóa kiến thức, đưa ra hướng dẫn cho phụ huynh và giáo viên để tăng cường truyền thông đến các em. Qua đó, các em sẽ được hướng dẫn sử dụng internet an toàn và bảo mật hơn.
Creative Idea
Em an toàn hơn cùng Google
Với thông điệp này, Google xác định thương hiệu có vai trò như một người bảo vệ, đóng góp một phần trong công cuộc giữ an toàn cho trẻ em Việt Nam trên không gian mạng. Dựa trên ý tưởng đó, Google tiếp tục sử dụng bộ 5 nhân vật chủ đạo trong chiến dịch toàn cầu cho lần triển khai này ở Việt Nam, với những tên gọi tượng trưng cho 5 thái độ cần thiết khi trẻ dùng internet gồm: Thông minh, Tỉnh táo, Mạnh mẽ, Tử tế, Can đảm.
Hoạt động thực thi
Từ các nhân vật chính trên, thương hiệu tiếp tục điều chỉnh bộ tài liệu và các hoạt động chiến dịch sao cho phù hợp với thị trường Việt Nam. Các thông tin được tổng hợp cho cả ba đối tượng (trẻ em, gia đình, giáo viên) tại trang web của chiến dịch: Be Internet Awesome.
Thiết kế bộ tài liệu và tập huấn cùng giáo viên tiểu học
Đầu tiên, Google thiết kế bộ giáo trình cho giáo viên Tiểu học (tuân thủ tiêu chuẩn ISTE - International Society for Technology in Education) như bộ giáo án giúp thầy cô có thể thiết kế các hoạt động giảng dạy về an toàn mạng một cách sống động hơn. Bộ tài liệu này đã được thẩm định bởi hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, chương trình đào tạo gồm 5 nội dung chính:
- Cẩn thận khi chia sẻ (Dùng Internet Thông Minh)
- Đừng rơi vào cạm bẫy (Dùng Internet Tỉnh Táo)
- Bảo vệ bí mật của bạn (Dùng Internet Mạnh Mẽ)
- Tử tế thật tuyệt (Dùng Internet Tử Tế)
- Khi nghi ngờ, đừng ngại lên tiếng (Dùng Internet Can Đảm)
Sau đó, Google phối hợp cùng Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (C.F.C Việt Nam) phổ biến chương trình đến các trường học, phụ huynh và học sinh ở Việt Nam qua các buổi tập huấn trực tiếp và trực tuyến. Nhiều trường tiểu học ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, và các làng trẻ SOS trên toàn quốc đã tham gia buổi tập huấn.
Bên cạnh đó, thương hiệu cũng biên soạn và điều chỉnh một bộ tài liệu hướng dẫn phiên bản gia đình. Nhờ đó, phụ huynh có thêm phương pháp hiệu quả và thú vị khi hướng dẫn trẻ sử dụng internet.
Ngoài ra, Google và Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cũng cho ra mắt Trung tâm An toàn Google – An toàn cho Gia đình bằng tiếng Việt. Đây là nơi để phụ huynh có thể tìm hiểu kiến thức về việc giúp trẻ sử dụng internet một cách thông minh, tự tin và an toàn.
Ra mắt trò chơi “Interland”
Để tiếp cận hiệu quả đến các em, Google ra mắt “Interland” - trò chơi trên website về những mối nguy khi dùng internet.
Tham gia “Interland”, các em sẽ tự mình phiêu lưu và khám phá những vùng đất trong trò chơi. Ở mỗi vòng, các em sẽ đối mặt với một tình huống thường gặp trên mạng liên quan đến việc chia sẻ và bảo mật thông tin. Khi vượt qua những thử thách ở mỗi vòng, trẻ vừa hiểu thêm về cách sử dụng internet an toàn vừa được khơi dậy sự hứng thú để tiếp tục tìm hiểu và hoàn thành trò chơi.
Content Video
Tháng 6/2022, Google đăng tải trailer thông báo về màn “đổ bộ” của series “Internet Phiêu Lưu Ký”, tiếp tục chiến lược hướng dẫn trẻ học bằng những nội dung sống động. Series gồm nhiều tập phim ngắn với các nhân vật chính đến từ vùng đất Interland. Họ sẽ trải qua những tình huống gặp phải nguy hiểm rình rập trên không gian mạng như những chiêu trò lừa đảo để đánh cắp thông tin.
Thông qua cách các nhân vật đối mặt và giải quyết vấn đề, cả trẻ và phụ huynh sẽ hiểu hơn về những “phần tối” trên internet và cách để xử lý cũng như bảo vệ bản thân trong thế giới ảo.
Event
Sau series “Internet Phiêu Lưu Ký”, ngày 28/6/2022 thương hiệu tiếp tục tổ chức hoạt động nhắm vào tệp phụ huynh và giáo viên thông qua online talkshow “Hiểu Về Mạng Để Dạy Em An Toàn” với sự tham gia của các khách mời:
- Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A
- Vợ chồng ca sĩ Hoàng Bách và người mẫu Thanh Thảo
- Chị Hoàng Anh, Giám đốc C.F.C Việt Nam
- Nhà giáo dục Uyên Phương
- Nhà báo Hoàng Anh Tú
Bên cạnh chia sẻ về những lưu ý xoay quanh việc trẻ em sử dụng internet, khách mời sẽ cùng xem series “Internet Phiêu Lưu Ký” và thảo luận để rút ra những bài học đáng chú ý về an toàn trên mạng cho trẻ.
PR
Sau thời gian triển khai chiến dịch, phối hợp cùng các tổ chức giáo dục, “Be Internet Awesome” của Google tại Việt Nam nhận được sự quan tâm và lan tỏa trên nhiều đầu báo và trang tin như: Tiền phong, Vietnamnet, VOV, CFC, Hànộimới, VN-Cop Network…
Kết quả
Sau hơn 1 năm triển khai, chiến dịch đã thu về những thành công nhất định:
- Đã có khoảng 108.000 cuộc thảo luận trong năm 2022 về bạn xấu trên internet (so với chỉ 1.800 trong năm 2021).
- Gần 1.000.000 trẻ em tham gia chương trình giáo dục an toàn mạng của Google.
- 7.443 giáo viên tại 1.115 trường tiểu học ở 4 tỉnh thành đã tham gia tập huấn theo bộ giáo trình của Google.
- Giải Gold hạng mục Purpose Driven Marketing của MMA Smarties APAC 2023.
Kết
Dù cần tiếp cận nhiều đối tượng để tạo tác động đến các em, Google vẫn giữ được sự nhất quán nhờ theo sát concept chính về 5 nhân vật và 5 chủ đề chính của an toàn mạng để thiết kế hoạt động. Không chỉ vậy, thương hiệu đã triển khai các hoạt động phù hợp cho tất cả tệp đối tượng mục tiêu: chọn game và phim hoạt hình để tiếp cận tệp trẻ em, các hoạt động tập huấn và chia sẻ kiến thức từ góc nhìn chuyên gia nhằm tiếp cận phụ huynh và giáo viên.
Những yếu tố đó cộng hưởng tạo nên thành công và sức lan tỏa của chiến dịch trên chặng đường giúp các em nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng internet an toàn. Tuy an toàn mạng là một câu chuyện còn rất dài, Google cùng “Be Internet Awesome” đã có một màn “debut” ấn tượng với các em, phụ huynh và giáo viên Việt Nam.
Phương Quyên/ Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam