Kronenbourg 1664 - Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

Kronenbourg 1664 - Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Thông tin chiến dịch
Loại chiến dịch:
Communication
Ngành hàng:
Bia chai
Thị trường:
Báo chí
Ngân sách:
dưới 10.000 USD

Kể từ thời điểm đạt “đỉnh cao” doanh số năm 2007, Kronenbourg đã tụt dốc không phanh mặc cho rất nhiều ý tưởng truyền thông được ra mắt. Đến năm 2012, khi bắt đầu triển khai ý tưởng truyền thông vừa hài hước vừa dũng cảm một cách nhất quán, thương hiệu đã “lội ngược dòng” trong khi thị trường bia châu Âu đang suy giảm.

Bối cảnh

Vấn đề kinh doanh

Năm 2012, doanh số của bia Kronenbourg 1664 tại châu Âu rớt thê thảm. Kể từ thời đỉnh cao bán được 1.7 triệu hec-to lít năm 2007 (tiền suy thoái kinh tế), Kronenbourg “rơi ổn định” cả về doanh số giá trị lẫn sản lượng. Toàn ngành bia ở châu Âu cũng chẳng khá khẩm gì hơn khi mức tiêu thụ giảm mà độ cạnh tranh ngày càng tăng.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

Cụ thể, đối với các kênh on-trade (tiêu dùng tại chỗ), sản lượng bán ra của Kronenbourg giảm 26% so với 2011, còn kênh off-trade (mua mang về) đỡ lao dốc hơn, “chỉ” giảm 14,5%.

Thị trường lúc đó đang chứng kiến sự “phình to” của phân khúc bia lager nói chung (bia lên men chìm) và bia thủ công nói riêng. Chỉ trong năm 2011, đã có tới 80 loại bia lager mới xuất hiện, điều đó càng làm Kronenbourg giống như một hãng bia đã “già” không còn câu chuyện gì để kể nữa.

Vấn đề Sức khỏe Thương hiệu

Đi vào phân tích sâu hơn về Sức khỏe Thương hiệu (Brand Health Pyramid), Kronenbourg 1664 nhận ra khách hàng không mua không phải vì họ không biết đến thương hiệu (có đến 87% người biết đến Kronenbourg và 71% người đã dùng thử). Tuy nhiên, vấn đề thực sự nằm ở việc chuyển đổi hai nấc thang cuối cùng trong tháp là: khiến khách hàng mua thường xuyên hơn (regular); và khiến khách hàng ưu tiên mua Kronenbourg nhiều nhất (most often).

Trung bình một người muốn uống bia lager sẽ có ít nhất 5 thương hiệu để lựa chọn. Tuy Kronenbourg 1664 tự tin về chất lượng sản phẩm của mình nhưng lại không bao giờ là ưu tiên số một của người mua bia. Vậy nên, để đạt mục tiêu tăng trưởng doanh số dài hạn hoặc ít nhất là giữ được thị phần trong một thị trường phân mảnh, Kronenbourg quyết định tập trung chuyển đổi từ giai đoạn cân nhắc mua (Trial & Consumption) thành mua thường xuyên hơn (tăng Frequency ở Regular và Most Often).

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

Vấn đề chiến lược Truyền thông

Giai đoạn từ 2000 - 2012, Kronenbourg loay hoay trong việc xây dựng bản sắc thương hiệu với tổng cộng 8 ý tưởng lớn khác nhau trong các chiến dịch truyền thông (hình). Các chiến dịch diễn ra ngắn hạn, thông điệp không có sự phát triển, tính kết nối liên tục hay sự nhất quán. Vậy nên người tiêu dùng không cảm thấy đủ ấn tượng để ưu tiên Kronenbourg trên kệ hàng hay ngay tại quán bia.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

Kronenbourg cần một ý tưởng lớn đủ mạnh mẽ, ấn tượng và nhất quán trong dài hạn. Đối thủ lớn nhất của Kronenbourg ở thị trường châu Âu lúc đó là Stella Artois, thương hiệu dẫn đầu ngành và có ngân sách marketing hằng năm cao gấp 4 lần. Với ngân sách hạn hẹp và đối thủ “khủng”, Kronenbourg xác định vấn đề này cần một chiến lược dài hơi để thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Mục tiêu

  • Mục tiêu kinh doanh: Tăng trưởng doanh số bia bán ra từ đó tăng trưởng thị phần.
  • Mục tiêu marketing: Tăng tần suất mua hàng (Frequency) của người uống bia lager bằng cách khiến họ mua Kronenbourg thường xuyên hơn (regular) hoặc ưu tiên mua Kronenbourg nhất (most often).
  • Mục tiêu truyền thông: Xây dựng hình ảnh và định vị thương hiệu nhất quán trong tâm trí khách hàng.

Insight

Tôi biết Kronenbourg 1664, hình như đây là một hãng bia Pháp. Bia này được trồng và ủ ở vùng Alsace sao? Đó là một thành phố của Đức à?

Trên thực tế, nhóm khách hàng mục tiêu ở Anh của Kronenbourg không hiểu rõ chi tiết nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, ngoại trừ việc đây là bia của nước Pháp. Tuy nhiên, phần lớn người Anh không có ấn tượng tốt với văn hóa và cách ứng xử của người Pháp. Do đó, thương hiệu Kronenbourg đã tận dụng những điểm tưởng chừng như bất lợi này để triển khai chiến lược truyền thông dài hạn.

Strategy

Ưu tiên của Kronenbourg là xây dựng 1 chiến lược truyền thông nhất quán hơn là nhiều chiến dịch quảng cáo rời rạc. Cụ thể, trong dài hạn cần duy trì được nhận biết thương hiệu (mental availability, awareness) nhưng cần có điểm khác biệt độc đáo (uniqueness), đảm bảo điểm chất lượng “bia ngon” (quality), và trong ngắn hạn thì vẫn phải đạt mục doanh doanh số hoặc truyền thông (impact score).

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

Theo đó, Kronenbourg thực hiện nhiều nghiên cứu thị trường, bao gồm cả blind test, và xác nhận hương vị bia của mình “ngon” hơn so với các đối thủ. Nhưng làm thế nào để truyền tải một thông điệp "bia của chúng tôi có vị rất ngon" trên truyền thông mà không bị xem là “tự huyễn”?

Quay về nghiên cứu sản phẩm, thương hiệu phát hiện yếu tố tiềm năng: hoa bia strisselspalt của Kronenbourg được trồng bởi những người nông dân ở vùng Alsace của Pháp (nơi mà phần lớn mọi người đều nghĩ là thuộc nước Đức). Chính hoa bia vùng Alsace đã tạo nên hương vị độc đáo, giúp Kronenbourg 1664 chiến thắng các cuộc “blind-test”. Không chỉ vậy, vùng đất Alsace còn gợi thêm câu chuyện về xuất xứ (origin / provenance)- vốn là một yếu tố quyết định trong ngành hàng đồ uống có cồn.

Bước tiếp theo, Kronenbourg nghiên cứu về hiểu biết của khách hàng mục tiêu và phát hiện rằng nhận thức thương hiệu (brand awareness) của họ về Kronenbourg là: “Một thương hiệu bia của Pháp” chứ không hề biết đến vùng Alsace ở đâu. Ngoài ra, thương hiệu này còn nhận thấy phần lớn khán giả mục tiêu của họ là những người đàn ông trung niên ở Anh (Career Guy, 25-49 ABCD, Relax & Relish) - vốn không thích nước Pháp và đặc biệt cho rằng người Pháp chẳng có chút khiếu hài hước nào.

Cuối cùng, công thức cho chiến lược của Kronenbourg là sự kết hợp giữa các yếu tố tưởng chừng không liên quan đến nhau:

  • What: Hoa bia mà Kronenbourg tự tin rằng ngon hơn đối thủ.
  • Where: Được trồng ở vùng Alsace - nơi mà nhiều khán giả mục tiêu của Kronenbourg không biết là ở đâu.
  • Who: Những người đàn ông trung niên ở Anh, 25-49, ABCD, Relax and Relish
  • How: Truyền tải tính “hài hước” vào trong chiến lược truyền thông - điều mà người Anh nghĩ người Pháp không có.

Creative Idea

Vive L’Alsace Différence

Tạm dịch: Khác biệt từ vùng Alsace

Kronenbourg sẽ xây dựng một ý tưởng lớn, một nền tảng truyền thông dài dạn đủ cho thương hiệu phát triển. Cụ thể, thương hiệu sẽ xây dựng câu chuyện về vùng Alsace trong vài năm và xuất hiện ở nhiều kênh tích hợp. Khai thác lợi thế về hương vị của bia, Kronenbourg quyết định thể hiện sự khác biệt của bia Pháp theo cách truyền thông hài hước của Anh.

Hoạt động thực thi

TVC

Giai đoạn 2012 - 2015

TVC hài hước “A Taste Suprême”

Năm 2012, Kronenbourg khởi động chiến lược truyền thông mới với TVC “A Taste Suprême” và lựa chọn huyền thoại bóng đá người Pháp Eric Cantona để thể hiện đúng chất câu chuyện của Kronenbourg 1664.

Với phong cách hài hước, Eric Cantona là người dẫn chuyện để giới thiệu về cuộc sống những người nông dân vùng Alsace. Ở đây, người nông dân sống như những cầu thủ bóng đá Anh Quốc: được chào đón, được đãi ngộ đặc biệt, được hâm mộ như những huyền thoại sống… Vì sao ư? Vì họ đã tạo ra hoa bia strisselspalt, nguyên liệu làm nên hương vị đặc trưng của Kronenbourg 1664.

Một loạt những tin tức gây tranh cãi về cuộc sống thực tế của những người nông dân Alsace, có được sống như những “ông hoàng” hay không, nhưng rõ ràng đoạn TVC đã thành công thu hút sự chú ý rộng rãi ở Pháp. Để tối ưu ngân sách có hạn của mình, Kronenbourg 1664 sử dụng đoạn phim này ít nhất trong 3 năm.

Giai đoạn 2016

TVC "Alsatians"

Năm 2016, nhằm gắn kết người dùng với câu chuyện ở vùng Alsace nhiều hơn, Kronenbourg tung ra TVC mới với sự xuất hiện của “cư dân Alsace quý tộc”: chú chó giao bia. Trong TVC, Eric Cantona giới thiệu “những cư dân 4 chân” này sẽ mang Kronenbourg 1664 cho những người xứng đáng với hương vị đẳng cấp (“Taste Supreme”) của nó. Hình ảnh những chú chó này sẽ trở thành một dấu ấn đặc trưng của vùng Alsace trong tâm trí khán giả Anh của Kronenbourg.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
TVC giai đoạn 2012 - 2015: "A Taste Suprême"
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
TVC năm 2016: "Alsatians"

Social

Giai đoạn 2012 - 2015

Chiêu trò PR & Social “Bơi qua eo biển Anh”

Năm 2015, để tiếp tục chiến lược truyền thông dài hạn và trở thành top-of-mind trong tâm trí người mua, Kronenbourg triển khai chiến dịch trên social media “Le Big Swim”. Chiến dịch là một cú twist không thể đoán trước khi Eric Cantona khẳng định sẽ bơi qua eo biển Manche để đến nước Anh nếu 10.000 người yêu uống bia thừa nhận rằng bia Kronenbourg là số 1. “Hiệu ứng Eric” đã thành công tạo nên cơn bão PR trên khắp các mặt báo cho chiến dịch.

Cuối cùng, cựu cầu thủ người Pháp đã thực sự “bơi đến Anh” trong hồ bơi của một du thuyền đang vượt eo biển Manche.

Liên tục trong 4 năm 2012-2015 giúp Kronenbourg dần định hình các thuộc tính thương hiệu “Alsace, chất lượng, hài hước” nhất quán trong mọi hoạt động từ các bài đăng trên mạng xã hội cho đến sản phẩm của Kronenbourg. Tất cả đều phù hợp với câu chuyện truyền thông tích hợp và cách kể chuyện hài hước của thương hiệu. Những viên gạch đầu tiên này được xây dựng dựa trên việc chọn vùng Alsace và hình ảnh cựu danh thủ nổi tiếng Eric Cantona để truyền tải thông điệp thương hiệu.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Eric Cantona khẳng định sẽ bơi đến Anh
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Eric Cantona chuẩn bị thực hiện lời cam kết
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Eric Cantona chuẩn bị bơi ra biển
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Eric Cantona "bơi" đến Anh trong một hồ bơi trên du thuyền

Event

Giai đoạn 2016

Quảng bá quán bar với những nhân viên "4 chân"

Kronenbourg mở cửa quán bar chỉ hoạt động trong một ngày và là quán bar đầu tiên thuê chó làm nhân viên. Trong ngày "khai trương", quán bar có chương trình khuyến mãi với cơ hội cho khách hàng trúng một chiếc vòng cổ của những “cư dân Alsace” cho chú chó của riêng họ.

Hoạt động này nằm trong kế hoạch lan tỏa “nội dung tự nhiên” (tiếp thị truyền miệng), tạo ra nhiều chất liệu để người tiêu dùng bàn tán, chia sẻ, tò mò, không chỉ vì sự táo bạo của ý tưởng mà còn vì sự dễ thương của những chú chó cưng. Và team Kronenbourg có được sự mạnh dạn như vậy không chỉ dựa vào “trực giác” mà còn là “logic” theo số liệu nghiên cứu sự yêu thích của đàn ông đối với thú cưng của YouTube.

Event

Quan trọng hơn nữa, việc thay thế hình ảnh đại sứ thương hiệu Eric Cantona bằng hình tượng những chú chó Alsace-tians là nằm trong chiến lược gắn Kronenourg với một hình ảnh biểu trưng, tích cực và sở hữu được trong nhiều năm sắp tới.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Quán bar Alsatians 1
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Quán bar Alsatians 2
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Chương trình tặng vòng cổ tại quán bar

PR

Cách quảng cáo hài hước của Kronenbourg và độ "nhiệt" của Eric Cantona thu hút không ít sự quan tâm từ báo chí nước Anh như The Guardian hay The Independent xuyên suốt giai đoạn 2012 - 2016.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
The Guardian: TVC A Taste Suprême
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
The Independent: Hoạt động Le big swim
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
The Guardian: TVC Alsatians
Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán
Daily Mail: Quán bar của những Alsatians

Kết quả

Kết quả kinh doanh

Thành quả của 4 năm liên tục xây dựng hình ảnh thương hiệu nhất quán là Kronenbourg đã tăng trưởng nhanh hơn trong một ngành hàng đang giảm tiêu thụ. Cụ thể:

  • Đối với kênh on-trade, tỉ lệ doanh số ngành bia nói chung đang giảm nhưng từ 2012 tỉ lệ doanh số bia của Kronenbourg cứ theo đà “leo thang”.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

  • Đối với kênh off-trade, thị phần sản lượng bán ra (volume share) liên tục tăng trưởng. Tính đến 2016, Kronenbourg đã tăng trưởng 16 triệu Euro (khoảng 23.3%) và cũng là sản phẩm bia lager có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng. Cụ thể tăng 28.8% thị phần sản lượng (volume share) và 22% thị phần giá trị (value share).

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

Kết quả Marketing

  • Đến 2016, Kronenbourg đã thành công +2 điểm chuyển đổi trong hai nấc thang cuối cùng tháp sức khỏe thương hiệu gồm mùa thường xuyên (regular) và mua nhiều nhất (most often)
  • Tần suất mua hàng của Kronenbourg (frequency) năm 2016 tăng 16,6% so với năm trước đó
  • Tỉ lệ thâm nhập của thương hiệu (penetration) tăng 6,9%.

Đáng chú ý, nguồn tăng trưởng (source of growth) chủ yếu đến từ việc chuyển người mua của đối thủ Stella sang mua của Kronenbourg.

Kết quả Truyền thông

  • ROMI (Return on Marketing Investment) chiến dịch năm 2016 đạt 1:5,8. Điều này tức là với 1 đồng đầu tư cho Marketing thương hiệu sẽ thu về 5,80 đồng. Con số này cao gấp đôi so với chiến dịch trước đó, với ROMI chỉ 1:2,5.
  • Chỉ số brand awareness tăng 9%
  • Chỉ số Uniqueness tăng 9%
  • Thuộc tính “Chất lượng cao hơn” của bia Kronenbourg tăng 23%

Đặc biệt là, khi loại bỏ tính thời điểm (seasonal) của dữ liệu bằng cách kết hợp với tổng giá trị doanh số bán ra trung bình hằng tháng. Từ sau chiến dịch “A Taste Suprême”, kể cả những thời gian thấp điểm không được đầu tư ngân sách media, doanh số bán ra của thương hiệu vẫn có xu hướng tăng. Vậy nên việc đầu tư vào truyền thông của Kronenbourg đã có những tác động tích lũy như một phần của chiến lược thương hiệu dài hạn.

Tăng trưởng “ngược dòng” thị trường bằng sự “hài hước” nhất quán

Kết luận

Từ một thương hiệu đang ở tình thế “dần mờ nhạt” trong tâm trí khách hàng, Kronenbourg 1664 đã “vượt lên chính mình” để vừa bứt phá về doanh số, vừa tạo được hình ảnh thương hiệu rõ ràng và nhất quán. Xuất phát từ việc hiểu chính mình (với lợi thế vị bia ngon nhưng ngân sách truyền thông hạn hẹp) và hiểu về khách hàng (đâu là cách họ nghĩ về thương hiệu), từ đó Kronenbourg chọn được thông điệp cũng như phương tiện truyền thông phù hợp nhất cho chính mình.

Phương Quyên / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam

Đang tải thảo luận...