Burger King - Cuộc săn lỗi giúp thương hiệu "săn" thành công 2 giải Gold Cannes Lions
Những nhà phát triển ứng dụng chỉ sợ người dùng vô tình bắt được lỗi nhưng Burger King lại cố tình tạo lỗi và bắt người dùng tìm. Thương hiệu đặt những mục tiêu gì khi triển khai một chiến dịch có phần ngang ngược như vậy? Hãy cùng Brands Vietnam tìm hiểu qua bài phân tích dưới đây.
Bối cảnh
Thị trường thức ăn nhanh tại Brazil vốn có tính cạnh tranh và phân mảnh khá cao. Những thương hiệu nước ngoài khi tham gia vào thị trường này sẽ không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn đối đầu với hệ thống thương hiệu nội địa. Để có thể chiều lòng những thượng đế tại Brazil, Burger King đã tích cực ra mắt những món ăn mới phù hợp với khẩu vị người dân địa phương. Việc tận dụng những nguyên liệu quen thuộc trong văn hoá ẩm thực của họ cũng giúp hình ảnh thương hiệu được “bản địa hoá”.
Song song đó thương hiệu vẫn duy trì mục tiêu tạo trải nghiệm người dùng liền mạch tại 3 điểm chạm mua hàng chủ lực: dùng tại cửa hàng, mua mang về (pick-up) và giao hàng tận nhà. Tính đến quý III/2021, doanh thu từ các kênh digital của thương hiệu đạt 231.4 triệu BRL, chiếm 33% tổng doanh thu của công ty. Mức doanh thu này tăng 70% so với cùng kì năm ngoái. Điều này cho thấy hành vi mua thông qua các nền tảng trực tuyến tại Brazil dần phổ biến.
Để thực hiện mục tiêu tạo trải nghiệm liền mạch, thương hiệu đã và dang tích cực khuyến khích khách hàng tải và tương tác với ứng dụng chính thức của thương hiệu thông qua những chiến dịch truyền thông phá cách, sáng tạo như Burn that ad, Lockdown Whooper…
Năm 2022, với sự phát triển của các tựa game và hoạt động streaming, những hoạt động truyền thông “bề mặt” hướng đến nhóm game thủ dần bị xếp vào nhóm “quảng cáo nhàm chán”. Đây vừa là cơ hội và thử thách cho Burger King – một thương hiệu vốn được biết đến với những hoạt động truyền thông “lầy”, phá cách. Thương hiệu sẽ cần (1) tìm một hướng tiếp cận khác biệt để thể hiện được rõ nét và nhất quán tính cách thương hiệu và (2) tăng cơ hội tải, tương tác với ứng dụng Burger King.
Mục tiêu
Mục tiêu truyền thông:
- Tăng thiện cảm và củng cố đặc tính hài hước, châm biếm đặc trưng của thương hiệu với nhóm gamer trẻ.
Mục tiêu marketing:
- Tăng lượt tải ứng dụng và doanh số qua ứng dụng.
Insight
Nhóm đối tượng truyền thông chính của chiến dịch là tệp gamer trẻ tại Brazil và khách hàng trẻ nói chung. Điểm chung của 2 tệp đối tượng mục tiêu này là tần suất sử dụng các ứng dụng giao hàng tận nhà của họ khá thường xuyên. Đây cũng là tệp người dùng tích cực hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội, có xu hướng cập nhật thường xuyên các xu hướng mới.
Thương hiệu quan sát và thấy nhóm gamer sẽ chú trọng trải nghiệm chơi game mượt mà và rất cáu gắt khi game xuất hiện lỗi giật, lag hoặc lỗi hiển thị. Không chỉ nhóm game thủ, người dùng công nghệ cũng sẽ khó chịu khi ứng dụng, phần mềm xảy ra lỗi, khiến trải nghiệm không liền mạch.
Creative Idea
“It’s not a mistake if it’s delicious"
Thay vì tập trung vào những trải nghiệm chơi game mượt mà hoặc những phút giây kịch tính đến ngộp thở thường gặp trong những chiến dịch gaming, Burger King lựa chọn tập trung vào cảm xúc bực bội khi vấp phải lỗi của gamer.
Game đang hồi kịch tích vấp phải lỗi, đặt hàng đến bước thanh toán thì bị “văng” khỏi ứng dụng đều là những trải nghiệm không mong muốn, mang lại cảm giác tiêu cực. Để có thể xoá bỏ cảm xúc không vui đó, thương hiệu quyết định tổ chức một cuộc “săn” lỗi trên chính ứng dụng của mình. Concept chủ đạo là chuỗi hình ảnh bị “lỗi” đến méo mó, biến dạng, ẩn sau đó là những mã khuyến mãi dành cho những “thợ săn” tinh mắt. Phần thưởng sẽ là những mã ưu đãi hấp dẫn dành cho người dùng khi sử dụng ứng dụng để mua sản phẩm của Burger King.
Hướng tiếp cận này cũng gián tiếp truyền đi thông điệp rằng người tiêu dùng khó có thể phiền lòng vì những lỗi nhỏ nếu sản phẩm đủ chất lượng (it's not a mistake if it's delicious). Sự ngược ngạo này được kỳ vọng sẽ gợi sự tò mò, hiếu kì và mang lại trải nghiệm thú vị cho nhóm đối tượng mục tiêu.
Hoạt động thực thi
Burger King Brazil triển khai chiến dịch mobile Burger Glitch trong vòng 1 tháng với ý tưởng chủ đạo tận dụng khái niệm “glitch” (lỗi) trong thế giới game để tạo ra trải nghiệm tương tác và cung cấp những ưu đãi cho khách hàng.
Content Video
Chiến dịch Burger Glitch được khởi động với màn ra mắt video ngắn cùng tên. Mục tiêu chính của đoạn phim là thu hút sự chú ý và khuyến khích người tiêu dùng tải ứng dụng, tham gia vào trò chơi tìm “glitch” của thương hiệu.
Video tái hiện đầy đủ cảm xúc bất mãn cùng những lỗi thường gặp khi chơi game để gợi cho người xem cảm giác được đồng cảm và thân thuộc. Bên cạnh đó, thông tin về cuộc săn coupon qua những lỗi trên ứng dụng cũng được lồng ghép khéo léo, tạo nên bước chuyển mượt mà trong cảm xúc của người xem từ bất mãn khi gặp lỗi sang hào hứng muốn gặp lỗi để nhận coupon.
Mobile
Hoạt động chủ đạo trong chiến dịch lần này chính là cuộc đua săn lỗi Burger Glitch trên ứng dụng đặt hàng Burger King Brazil. Việc triển khai trực tiếp trên ứng dụng nhằm khuyến khích người dùng tải và tương tác trực tiếp với ứng dụng nhằm hoàn thành mục tiêu marketing của chiến dịch.
Cụ thể, thông qua việc tìm “glitch”, người chơi có thể được nhận những phần quà hấp dẫn như phiếu ưu đãi lên đến 40% và khám phá các tính năng đặt hàng và chương trình khách hàng trung thành của thương hiệu.
Các “glitch” này đã thực sự gây ấn tượng đối với cộng đồng game thủ Brazil- những người đôi khi cố tình tìm kiếm các “lỗ hổng” của trò chơi. Một số lỗi đặc biệt đã trở thành hiện tượng với đông đảo người hâm mô như : NPC tham dự đám cưới trong trò chơi The Elder Scrolls V: Skyrim, con ngựa bay của Geralt trong trò chơi The Witcher 3: Wild Hunt hay lỗi tạo ra một loài Pokemon với tên gọi MissingNo trong trò chơi Pokemon Red và Blue.
Engagement
Thương hiệu còn mang các “glitch” tưởng chừng chỉ có trong game ra đời thực như chiếc burger với quá nhiều lớp thịt hoặc burger nhân khoai tây. Những phần ăn có phần khuyết trên thừa dưới này được giao đến cho những streamer nổi tiếng tại Brazil. Phản ứng thích thú và tấm tắc của họ khi nhận được phần ăn đặc biệt đã góp phần lan toả thông điệp của chiến dịch cũng như thông tin về cuộc “săn" lỗi trên ứng dụng.
Social
Điểm thú vị của chiến dịch Burger Glitch là không chỉ giới hạn trong ứng dụng di động, mà còn mở rộng ra các kênh truyền thông xã hội. Người dùng có thể đăng tải về 1 “glitch" mình gặp phải cùng hashtag của chiến dịch và tag thẳng tên Burger King vào bài đăng để nhận được mã giảm giá trong ứng dụng của thương hiệu.
Out of Home
Trong chiến dịch Burger Glitch, thương hiệu đã đặt các billboard tại các siêu thị với những "glitch" độc đáo. Thay vì hiển thị từ "Burger" hoặc "Whopper" theo cách thông thường, các từ này được biến đổi theo phong cách teencode hoặc có lỗi chính tả, tạo nên sự khác biệt và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Việc biến đổi chữ "Burger" thành "Bugou" hoặc biến đổi chữ "Whopper" đã tạo ra một hiệu ứng thú vị và gợi mở sự tò mò của người đường. Những "glitch" này không chỉ làm nổi bật thương hiệu Burger King, mà còn tạo ra sự kết nối với cộng đồng game thủ và người tiêu dùng trẻ tuổi - nhóm đối tượng truyền thông chủ lực của chiến dịch.
Video Case-study
Kết quả
Chiến dịch ghi nhận:
- Lọt top 5 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong thời gian diễn ra chiến dịch.
- Tăng trưởng 11% mức độ cân nhắc (consideration) của đối tượng khách hàng trẻ với thương hiệu.
- Đạt 144 triệu impressions cận tại quốc gia có 95 triệu game thủ.
- Đạt 60.000 lượt mua hàng cùng những glitched coupon phát hành trong chiến dịch.
Giải thưởng:
- Giải Vàng hạng mục Mobile Lions tại Cannes Lions – International Festival of Creativity 2022.
- Giải Vàng hạng mục Brand Experience & Activation tại Cannes Lions – International Festival of Creativity 2022.
Lam Phương / Brands Vietnam
* Nguồn: Brands Vietnam