Thị trường ô tô 6 tháng đầu 2016: Gió đang đảo chiều?

Kết thúc tháng 6, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm đáng quan tâm so với tháng trước đó khi chỉ tiêu thụ được 24.421 xe, dù vẫn đạt mức tăng trưởng 31% so với tháng 6/2015.

Hiện tượng bất thường của thị trường còn thể hiện ở sự soán ngôi doanh số trên những phân khúc quen thuộc khi Mazda 3 bất ngờ chiếm vị trí dẫn đầu trên phân khúc sedan hạng C bên cạnh sức tiêu thụ ổn định hàng đầu của mẫu bán tải Ford Ranger.

Sự sụt giảm về doanh số trong tháng 6 của dòng xe nhập khẩu cũng là điều bất thường khác khi những tác động liên quan đến sự thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt và Thông tư 20 dường như không còn quyền uy như dự đoán.

Biến hóa khôn lường về doanh số

Toàn thị trường trong tháng 6 tiêu thụ 24.421 xe, giảm 6% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lượng xe bán ra trong 6 tháng đầu năm lên 135.863 chiếc, tăng 31% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Thị trường ô tô 6 tháng đầu 2016: Gió đang đảo chiều?

Ảnh: Quý Hòa.

Mặc dù vẫn đạt được tỷ lệ tăng trưởng tốt so với năm ngoái nhưng thị trường có vẻ bất ổn vì chịu nhiều áp lực hơn. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về trong nửa đầu năm nay khoảng 49.000 xe với tổng giá trị lên đến 1,184 tỷ USD, nghĩa là giảm cả về số lượng lẫn giá trị so với 6 tháng đầu năm 2015. Chỉ tính riêng trong tháng 6, lượng xe nhập về Việt Nam đạt 8.000 chiếc, giảm 4.000 chiếc so với tháng 6/2015.

Điều này cho thấy có sự trái ngược với những dự đoán rằng lượng xe nhập khẩu sẽ tăng mạnh khi thời điểm cắt giảm thuế nhập khẩu từ các hiệp ước, hiệp định thương mại tự do đang đến gần. Bên cạnh đó, dòng xe lắp ráp trong nước vẫn trụ tốt khi tỷ lệ tăng trưởng vẫn tăng ổn định trong thời gian qua.

Sự bất thường của thị trường còn thể hiện ở những thay đổi lớn tại các vị trí dẫn đầu doanh số hằng tháng được công bố bởi VAMA. Sau nhiều năm chiếm ưu thế thị phần, Toyota dường như đang vất vả để giữ vị trí dẫn đầu khi liên tục bị mất ngôi trên nhiều phân khúc chiến lược.

Tháng 6 tiếp tục là tháng của Ford Ranger khi mẫu bán tải này tiếp tục dẫn đầu thị trường với 1.429 xe đã tiêu thụ, nâng tổng số xe bán được trong 6 tháng đầu năm lên đến 6.868 chiếc và giúp Ford Ranger vượt lên vị trí dẫn đầu toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, mẫu “thất sủng” Toyota Vios trong tháng 6 chỉ bán được 778 chiếc, thua kém cả Toyota Fortuner với 1.121 chiếc. Tuy nhiên, nếu Vios gây thất vọng vì không đạt ngưỡng doanh số 1.000 chiếc trong tháng 6 thì Camry lại gây bất ngờ khi lọt vào vị trí thứ 8 trong top 10 xe có doanh số cao nhất trong tháng sau một thời gian dài tụt hậu.. Mặc dù có tăng về lượng hàng bán ra nhưng thị phần của Toyota trong nửa đầu năm nay chỉ còn 20,1% (cùng kỳ năm trước đạt mức 25,1%), trong khi Thaco tăng từ 37,7% lên 43%.

Toàn thị trường trong tháng 6 tiêu thụ 24.421 xe, giảm 6% so với tháng trước và tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng lượng xe bán ra trong 6 tháng đầu năm lên 135.863 chiếc, tăng 31% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Với sự hiện diện của những mẫu xe mới, bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường Việt Nam, Thaco tiếp tục khẳng định vị thế nhờ sự hợp sức của Kia, Mazda, Peugeot. Mặc dù có tăng về lượng hàng bán ra nhưng thị phần của Toyota trong nửa đầu năm nay chỉ còn 20,1% (cùng kỳ năm trước đạt mức 25,1%), trong khi Thaco tăng từ 37,7% lên 43%.

Nếu không tính dòng xe buýt thì thị phần do Thaco chiếm giữ trên mảng xe du lịch vẫn cứ vượt mặt Toyota vì thị phần cộng gộp của 3 thương hiệu do Thaco nắm đạt tới 22,6% trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, nếu tính theo từng thương hiệu riêng lẻ thì Toyota vẫn dẫn đầu trên thị trường khi nhiều dòng xe của hãng này vẫn chiếm giữ các vị trí trong top dẫn đầu về doanh số.

Xe nhập khẩu trở thành tâm điểm xáo động

Theo báo cáo của VAMA, doanh số xe nhập trong tháng 6 giảm 7% so với tháng 5 và điều này thật sự gây bất ngờ cho những ai quan tâm, bởi trước đó, liên quan đến nội dung thay đổi của thuế tiêu thụ đặc biệt vốn có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, đã có nhiều dự đoán lượng xe nhập khẩu sẽ tăng đột biến trước cột mốc 1/7.

Thế nhưng, sau khi tăng ấn tượng ở tháng 5 thì lượng xe nhập khẩu trong tháng 6 không những không tăng, mà còn sụt giảm, thậm chí thấp hơn cả tháng 3 và tháng 4. Điều này cho thấy việc lo sợ tăng giá từ thuế tiêu thụ đặc biệt không tạo sóng lớn cho thị trường như dự đoán.

Dẫn chứng cho sự bất thường này chính là số liệu thống kê trong báo cáo của VAMA trong tháng 6: nếu lượng xe sang Lexus nhập khẩu có mức sụt giảm đến 10% so với tháng trước thì MBV lại tăng được 24% với 655 xe bán ra.

Sự sụt giảm về lượng xe nhập khẩu cũng như số xe nhập khẩu đã tiêu thụ có thể không hoàn toàn bị tác động bởi sự thay đổi của luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng trạng thái thị trường không ổn định cùng xu hướng mua sắm thay đổi của giới tiêu dùng đã tạo nên những xáo động trong phân khúc xe nhập khẩu ở nửa đầu năm nay.

Thị trường ô tô 6 tháng đầu 2016: Gió đang đảo chiều?

Ảnh: autodaily.

Để đối phó với xu hướng chững lại của thị trường, nhiều hoạt động kích cầu đã được các thương hiệu xe nhập khẩu tích cực thực hiện như SUVenture của MBV, Audi Progressive, BMW World Việt Nam…, nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Ngoài ra, Thông tư 20/2011/TT – BCT mang nội dung hạn chế xe nhập khẩu không chính hãng đã hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016 cũng tạo sóng cho thị trường khi mà chuyện có nên gia hạn hay bỏ hoàn toàn quy định cấm xe nhập khẩu không chính hãng được xới lên.

Cuộc đối đầu giữa các nhà nhập khẩu chính hãng và không chính hãng liên quan xoay quanh vấn đề này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ khi cả hai đều có những chính kiến hợp lý cho sự tồn tại hay không tồn tại của thông tư nói trên.

Đã bước vào mùa du lịch hè nhưng doanh số bán hàng của các hãng xe trong những tháng tiếp theo vẫn còn là ẩn số khó đoán. Tuy nhiên, với sự mở cửa trở lại của thị trường xe nhập khẩu, nếu không có gì thay đổi thì hẳn sẽ có một cục diện mới tại thị trường ô tô Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Huỳnh Khôi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn