Nhà mạng Nhật Bản mua lại hãng chip ARM với giá 32 tỷ USD
SoftBank (Nhật Bản) gần như hoàn tất thương vụ mua lại công ty sản xuất chip ARM. Đây hứa hẹn sẽ trở thành thương vụ lớn nhất trong lịch sử làng công nghệ châu Âu.
Softbank (Nhật Bản) thông báo đã mua lại ARM - công ty thiết kế chip xử lý hàng đầu thế giới. ARM có trụ sở tại thành phố Cambridge, Anh với nhân sự khoảng 4.000 người. Thương vụ giữa SoftBank và ARM có thể là vụ mua bán sáp nhập lớn nhất trong lịch sử làng công nghệ châu Âu.
Vụ mua bán này bắt đầu sau khi cuộc bỏ phiếu lịch sử rời Liên minh châu Âu của người dân dân, quyết định được cho là có ảnh hưởng lớn tới nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ tại Anh.
Theo SoftBank, họ sẽ giữ nguyên bộ máy tổ chức của ARM bao gồm đội ngũ quản lý cao cấp, thương hiệu, văn hóa công ty,… Trụ sở chính của ARM vẫn sẽ ở Cambridge trong khi đó, SoftBank cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng nhân viên ở Anh trong vòng 5 năm tới. Thỏa thuận này đã được sử đồng thuận của các cổ đông ARM.
SoftBank mua lại ARM với giá 32 tỷ USD, cao hơn 70 lần so với thu nhập ròng của ARM trong năm 2015. Theo truyền thông thế giới, mọi thỏa thuận của thương vụ gần như đã hoàn tất. Tuy nhiên, cả ARM và SoftBank đều từ chối bình luận về vụ mua bán này. Khác với Intel, ARM là công ty thiết kế chip, chứ không phải sản xuất. Mô hình này giúp hãng có biên độ lợi nhuận cao.
SoftBank là một trong những nhà cung cấp viễn thông và Internet lớn nhất Nhật Bản. Không chỉ thế, công ty còn có cổ phần tại nhà mạng Sprint (Mỹ) và Yahoo (Nhật Bản). Ngoài ra, SoftBank cũng đầu thư vào công ty thương mại điện tử Alibaba vào năm 2000 cũng như 4,5 tỷ USD vào ứng dụng taxi Didi Chuxing. Theo dữ liệu của Dealogic, trong vòng 10 năm qua SoftBank đã tham gia trong hơn 140 thương vụ với giá trị lên tới 82 tỷ USD.
Neil Shah, giám đốc nghiên cứu thiết bị và hệ sinh thái của Viện nghiên cứu Counterpoint (Mỹ), trả lời CNBC rằng: “Động thái của SoftBank sẽ khiến các ông lớn trong làng công nghệ thế giới như Google và Apple phải cân nhắc giữa việc đối đầu hoặc nhượng bộ các đối thủ khác như Imagination Tech, NVIDIA, CEVA,...".
Trần Tiến
Nguồn Zing News