Những toan tính mới của KIDO

Dư luận từng hoài nghi khi anh em nhà họ Trần bỏ “nồi cơm” chính là sản xuất và kinh doanh bánh kẹo để chuyển sang lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Nhưng KIDO đang khiến ngay chính người trong cuộc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Cuối năm 2014, Kinh Đô quyết định bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International, thu về 370 triệu USD, tương đương gần 8.000 tỷ đồng, đồng thời đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO. Từ bỏ ngôi vua ngành bánh kẹo để dấn thân vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, KIDO vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh đề ra của năm 2015.

Hai mũi nhọn trọng yếu

Báo cáo thường niên năm 2015 của KIDO cho thấy, doanh nghiệp này đạt 3.140 tỷ đồng doanh thu, bằng 105% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, mảng kem và sữa chua đóng vai trò chủ lực. Doanh nghiệp cũng ghi nhận 6.682 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 103% kế hoạch, do lợi nhuận từ việc bán mảng bánh kẹo chuyển qua. Cũng trong 2015, KIDO đã chi 4.935 tỷ đồng trả cổ tức và dành 1.322 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ, lợi tức cho cổ đông tăng gấp 7,3 lần so với thời điểm năm 2012.

Bước từ vị trí số 1 trong ngành bánh kẹo sang lĩnh vực thực phẩm thiết yếu và phải bắt đầu từ con số “0”, nhưng KIDO tự tin với hướng đi của mình. Xét về quy mô thị trường thì ngành thực phẩm thiết yếu đang có tới 50 triệu người tiêu dùng, so với chỉ 36 triệu người ở lĩnh vực bánh kẹo. KIDO xác định cuộc chơi là không dễ dàng khi phải chạm chán với nhiều ông lớn đã có chỗ đứng vững chắc trên một thị trường mà từ lâu đã không còn là đại dương xanh nữa. Nhưng bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO lý giải: “Chúng tôi đánh giá không có ngành hàng nào lại không tiến tới sự bão hòa. Vấn đề là chúng tôi phải tạo ra được sự khác biệt để chen chân vào thị trường đang bão hòa đó và dần dần có thể thay thế sản phẩm của đối thủ để từng bước đứng được trong thị trường”.

Những toan tính mới của KIDO

Tham gia ngành thực phẩm và gia vị với quy mô thị trường 193.500 tỷ đồng, KIDO chọn hai mũi nhọn để tấn công là ngành hàng khô và ngành hàng lạnh. Trong đó, ngành hàng khô có quy mô 70.300 tỷ đồng, ngành lạnh với quy mô 15.940 tỷ đồng. Trong ngành lạnh, kem được xem là con gà đẻ trứng vàng cho tập đoàn, bởi tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này đạt trên 40% trong năm 2015. Sữa chua đang có tốc độ tăng trưởng mạnh với 14,5%/năm (đặc biệt sữa chua Well Yo tăng trưởng tới 80%) và thực phẩm mát khác tăng 8%.

Mua lại kem Wall’s từ Unilever năm 2003 với mức giá khá hời, KIDO nhanh chóng xây dựng các thương hiệu kem riêng cho mình như Merino và Celano, dần thay thế hình ảnh kem Wall’s vốn đã ăn sâu vào tiềm thức giới trẻ ở thời điểm đó. Kem là thị trường giàu tiềm năng tại Việt Nam với quy mô khoảng 2.400 tỷ đồng. Bản thân Unilever khi thực hiện khảo sát về thị trường kem tại Việt Nam cũng nhận định, tại châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có mức tiêu thụ kem cao nhất với khoảng 3 lít kem/người/năm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ ở Mỹ là 20 lít kem/người/năm. Trong khi đó, mức tiêu thụ kem ở thị trường Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường lân cận như Indonesia, Thái Lan, Philippines. Tuy nhiên, khi Wall’s nhận thấy dư địa tăng trưởng mạnh ở thị trường có tỷ lệ dân số trẻ cao này và quyết định quay trở lại Việt Nam vào năm 2009 thì ngôi vị số 1 đã được KIDO nắm giữ, với 2 thương hiệu Merino và Celano có tốc độ tăng trưởng trung bình 16%/năm.

Nếu như 2009-2014 là giai đoạn KIDO tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ thì năm ngoái và năm nay được coi là giai đoạn nền tảng chuyển đổi của tập đoàn nhằm hướng đến giai đoạn 2017-2020 là giai đoạn tăng trưởng bùng nổ và mở rộng. Mục tiêu của KIDO là tiếp tục giữ ngôi vương ở ngành kem, tốp 3 ngành mì gói và dầu ăn, đồng thời tăng cường mở rộng KIDO và tham gia hàng loạt ngành hàng mới.

“Khi đã chuyển đổi hẳn sang lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, mục tiêu của KIDO là sẽ tiếp tục làm vua ngành hàng lạnh và ngành thực phẩm”, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT khẳng định và cũng cho biết thêm: “Ngành lạnh đầu tư không dễ dàng. Đi cùng sản phẩm cần hệ thống xe lạnh, kho lạnh, bảo quản khắc nghiệt. Nhưng kinh tế càng phát triển thì ngành lạnh càng phát triển”.

Để thực hiện tham vọng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu của mình, dự kiến vào cuối tháng 8 tới đây, KIDO sẽ khởi công xây dựng nhà máy kem ở Bắc Ninh với vốn đầu tư 400 tỷ đồng, để tăng công suất từ 30 triệu lít/năm hiện nay lên 50 triệu lít/năm, cung cấp cho thị trường phía Bắc. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO cho rằng, việc xây dựng nhà máy kem tại Bắc Ninh sẽ giúp giảm bớt chi phí vận chuyển từ Nam ra Bắc, mang lại hiệu quả cao hơn. Công ty cũng dự định xây dựng thêm nhà máy kem tại Củ Chi – TP.HCM. “Chúng tôi sẽ đầu tư vào những ngành hàng mang giá trị cao nhất, hiệu quả nhất, cho lợi nhuận nhiều nhất”, ông Nguyên khẳng định.

Những toan tính mới của KIDO

Nếu quan sát kỹ chiến lược và bước đi của KIDO sẽ nhận thấy, mặc dù tham vọng lớn (trở thành vua ngành thực phẩm thiết yếu), nhưng KIDO lại thực hiện những bước đi rất thận trọng. Thậm chí, nhiều ý kiến đã tỏ ra hoài nghi khi cho rằng, KIDO chọn mì gói là lĩnh vực đầu tiên khi bán đi mảng bánh kẹo là hoàn toàn sai lầm, bởi thị trường mì gói đã bão hòa với sự cạnh tranh khốc liệt và tốc độ tăng trưởng không cao, chỉ khoảng 5%/năm. Thế nhưng KIDO lại có lý lẽ riêng của mình.

Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, các điểm bán mì gói trên cả nước nhiều hơn so với các điểm bán bánh kẹo. Nếu kinh doanh mì gói thành công thì từ những điểm phân phối hiện có, bày bán thêm các thực phẩm thiết yếu khác đi kèm với mì sẽ dễ dàng hơn. Hay nói cách khác, mì gói là bước đệm thích hợp để doanh nghiệp tiến sâu hơn vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Và thực tế là sau mì gói, KIDO ngày càng tham gia sâu vào thị trường này với lần lượt là các sản phẩm dầu ăn, hạt nêm. Lãnh đạo công ty cũng khẳng định, sẽ có nhiều sản phẩm hơn nữa trong ngành hàng này.

Với ngành hàng lạnh, các sản phẩm thuộc ngành này của công ty sẽ lần lượt được tung ra thị trường theo phương pháp cũ. Tức là đầu ra hợp tác với các đối tác có hệ thống phân phối mạnh, trong khi đó đầu vào sẽ hợp tác với các đối tác có thể tạo ra những sản phẩm tốt.

Tiếp tục đi săn

Trong thời điểm hiện tại, chiến lược của KIDO là tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm thế mạnh của tập đoàn, đồng thời tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng mới. Liên tiếp chi tiền để thực hiện các thương vụ M&A và chen chân vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu từ mì gói đến dầu ăn, đến cuối năm 2015, KIDO vẫn nắm giữ lượng tiền mặt lên tới 3.060 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc KIDO không ngần ngại chia sẻ: “Trong kinh doanh, ai nắm tiền mặt người đó là bá chủ, vì tiền mặt có thể quyết định mọi ý đồ kinh doanh”.

Ban lãnh đạo KIDO khẳng định, số tiền này sẽ không dùng để đầu tư tài chính mà sẽ tham gia đầu tư vào những ngành kinh doanh mà doanh nghiệp nhận thấy có nhiều triển vọng tăng trưởng. Điều này cũng phần nào giải thích vì sao năm 2015, KIDO chia cổ tức 14% và dự định qua năm 2016 cũng chỉ nâng lên mức 16%, để dành tiền đầu tư vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp nhận ra những điểm sáng.

Kem, con gà đẻ trứng vàng cho KIDO

Trong khoảng 150 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu 2016 của KIDO, mảng kem đóng góp tới 116 tỷ đồng, chiếm tới hơn 77% lợi nhuận của toàn công ty. Dự kiến cả năm 2016, mảng kinh doanh này sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận.

Với nguồn tiền mặt hiện có, KIDO dự định mua 26 triệu cổ phiếu quỹ và tiếp tục thực hiện nhiều thương vụ M&A mới. Ông Trần Lệ Nguyên tiết lộ, từ nay đến cuối năm 2016, công ty sẽ tiến hành nhiều thương vụ M&A, nhưng do vấn đề thủ tục nên ông chưa tiện công bố cụ thể. Nhưng chắc chắn theo lộ trình, đến cuối năm nay, KIDO sẽ bán nốt 20% cổ phần còn lại của mảng bánh kẹo cho Mondelēz International, đồng thời nâng mức sở hữu tại Vocarimex từ 24% hiện nay lên con số 51%. Đây là lý do để KIDO tự tin đặt kế hoạch doanh thu năm 2016 là 1.800 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận lên tới 1.500 tỷ đồng.

Điều này cũng phần nào cho thấy, việc KIDO mua lại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) năm 2015 không phải nhằm mục đích đầu tư chứng khoán mà mục đích chính là dùng VDSC làm bàn đạp để thực hiện các thương vụ M&A sau này. Tự mình làm mọi thứ, tự mình ra quyết định vẫn là cách làm ăn chắc chắn của lớp doanh nhân gốc Hoa tại Việt Nam.

Với kế hoạch kinh doanh chi tiết này, ông Nguyên không ngần ngại chia sẻ, rất có thể năm 2017, KIDO sẽ điều chỉnh mức cổ tức lên con số 30%, thay vì 16% như kế hoạch 2016. Ông Nguyên cũng khẳng định, sau 3 năm (kể từ 2016), KIDO sẽ đưa doanh nghiệp trở lại thời kỳ doanh số 6.000 tỷ đồng và cam kết với cổ đông đến năm 2017, KIDO sẽ mang về tối thiểu 400 tỷ đồng lợi nhuận. “Nếu đúng theo kế hoạch dự định thì năm 2017, cổ phiếu trên sàn của KDC sẽ có giá 40.000 đồng chứ không phải 27.000 đồng như bây giờ”, ông Nguyên cho hay.

Với hai át chủ bài và những thế mạnh hỗ trợ cho nhau, trong khi ông Trần Kim Thành nổi tiếng làm chiến lược hay thì ông Trần Lệ Nguyên lại có tiếng làm hệ thống giỏi. Cuộc phiêu lưu của hai anh em nhà họ Trần hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bất ngờ trên thị trường thực phẩm thiết yếu.

Lê Dung
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp