Người Thái hào hứng với hàng Việt

Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam tại Thái Lan" khai mạc ngày 10/7 do Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Central Group tổ chức với hơn 4.000 sản phẩm Việt Nam được giới thiệu đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng Thái Lan.

Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết: "Hiện nay, thương mại hai chiều Việt Nam và Thái Lan đang tăng trưởng cao, năm 2015 đạt hơn 11,46 tỷ USD. Việt Nam hiện đang nhập siêu từ Thái Lan khoảng 5,11 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2020, kim ngạch hai nước đạt 20 tỷ USD...".

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã có những bước tiến lớn và nhanh chóng. Giá trị thương mại hai chiều đã tăng 40% trong giai đoạn 2011 - 2015. Thái Lan hiện là một trong ba đối tác lớn nhất Việt Nam tại ASEAN.

Ông Philippe Broianigo - Tổng giám đốc điều hành Central Group chia sẻ: "Hai năm qua, Central Group đã mở rộng hoạt động tại Việt Nam và chúng tôi đang tìm nguồn cung cho ngành bán lẻ hai nước, đóng góp vào việc cân bằng tỷ lệ nhập và xuất khẩu hàng hóa giữa Thái Lan và Việt Nam".

Người Thái hào hứng với hàng Việt

Có mặt tại triển lãm, bà Apiradi Tantraporn - Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan cũng tỏ sự thích thú với các sản phẩm Việt, bà nói: Tôi đã uống thử và rất thích hương vị cà phê Việt. Chúng tôi sẽ hợp tác, hỗ trợ tăng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới.

Các sản phẩm tham gia triển lãm gồm các mặt hàng nội thất, may mặc, tơ tằm, thực phẩm, các sản phẩm mang công nghệ xanh, phở và các loại trái cây tươi Việt Nam thuộc các doanh nghiệp Gốm sứ Minh Long, Bia Sài Gòn, Điện Quang, Dệt may Hòa Thọ, Bích Chi, Hoàn Châu và Tân Huê Viên, Trà Tâm Lan, Cà phê Highland...

Đặc biệt, Công ty Nội thất Bình Phú đã ký được hợp đồng trị giá 1,2 triệu USD xuất khẩu nội thất cho khách sạn 6 sao sắp được khai trương tại Bangkok, thuộc sở hữu của tập đoàn Central Group... Còn rất nhiều sản phẩm và trái cây Việt Nam như nem nướng, áo dài tơ tằm, cà phê, khoai lang, trà, nhãn, vải... cũng được người tiêu dùng Thái Lan quan tâm.

Ông Lý Huy Sáng - Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long 1 cho biết: "Ngay trong ngày khai mạc đã có rất đông khách hàng Thái Lan tham quan gian hàng và ai cũng hỏi mua sản phẩm vì họ khen mẫu mã đẹp, chất lượng cao nhưng giá lại rất rẻ".

Tương tự, bà Lương thị Bích Hạnh - Giám đốc thương hiệu Vietnam Silk cũng cho biết: "Người dân Thái rất thích sản phẩm tơ tằm, linen, các loại khăn làm bằng chất liệu vải đũi và thích màu sắc mạnh. Riêng giá cả thì hoàn toàn có khả năng cạnh tranh vì ai cũng khen rẻ".

Với hai sản phẩm đặc trưng Việt Nam là bánh cốm và bánh phu thê, bà Ngô Thị Tính - TGĐ Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh cũng cho biết: "Gu dân Thái rất chuộng hai loại bánh này, có người thử sản phẩm đã quay lại hỏi mua tiếp".

Người Thái hào hứng với hàng Việt

Với tham vọng đưa hai loại bánh này trở thành món bánh đại diện cho Việt Nam giống như bánh Mochi của Nhật, bà Tính cho biết: "Công ty đã đầu tư công nghệ làm bánh Mochi của Nhật và tiếp tục học hỏi, đầu tư để nâng công nghệ bảo quản (không sử dụng chất bảo quản) từ 3 - 5 ngày lên 25 - 30 ngày. Tham gia triển lãm này, tôi không chỉ muốn giới thiệu sản phẩm mà còn tìm đối tác trao đổi hàng hóa và công nghệ để nâng cao chất lượng cho hai loại bánh đặc sản này của Việt Nam".

Cùng mục đích tìm nhà nhập khẩu và phân phối sác sản phẩm kẹo dừa Bến Tre, bà Lan Chi - Giám đốc Công ty kẹo dừa Vĩnh Tiến cũng cho biết: "Dù Thái lan có không ít các sản phẩm chế biến từ dừa nhưng nhiều người dân Thái rất thích kẹo dừa Bến Tre và sau khi ăn thử, đều hỏi mua sản phẩm".

Từng xuất khẩu sản phẩm bún gạo, bánh phồng tôm, phở khô vào Thái Lan, bà Hương Sơn - Phó phòng kinh doanh Công ty Bích Chi cho rằng: "Hàng Việt nếu chất lượng tốt và hương vị đặc trưng vẫn cạnh tranh và bán được tại Thái vì dân Thái cũng thích dùng các sản phẩm từ gạo. Tuy nhiên, khi vào hệ thống phân phối của Central Group, phải thay đổi bao bì cho phù hợp yêu cầu của hệ thống này và phù hợp với thị hiếu người dân Thái. Hiện, các sản phẩm bún, miến, phở của Bích Chi đều có bao bì, giá bán và chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm Thái và cán cân người dùng sản phẩm này cũng đang ưu thế cho hàng Việt vì người tiêu dùng Thái cũng tò mò, thích dùng hàng mới, lạ”.

Mặc dù đã tạo được sự yêu thích bước đầu với người tiêu dùng Thái Lan nhưng theo đánh giá của ông Sudhitham Chirathivat - Tổng giám đốc điều hành Central Group Việt Nam: "Dù mới lần đầu tổ chức triển lãm nhưng hàng Việt Nam có nhiều triển vọng khi tạo được sức hút của khách tham quan, nhiều gian hàng đã được rất đông người mua. Tuy nhiên, để hàng Việt Nam đủ sức mạnh cạnh tranh với các phẩm hàng hoá cùng loại, các doanh nghiệp trong nước cần phải tuân thủ các quy định về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng".

Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn