Sắp diễn ra một thương vụ lớn trong ngành dầu ăn

Sau thông báo của Vocarimex về việc từ bỏ quyền kiểm soát đối với dầu ăn Tường An thì sắp tới, thị trường dầu ăn Việt Nam sẽ chứng kiến một thương vụ mới giữa các ông lớn nước ngoài.

Theo thông tin từ Reuters, Công ty thương mại Bunge Ltd sẽ bán 45% cổ phần trong mảng chiết xuất dầu thực vật tại Việt Nam cho Wilmar International Ltd. của Singapore –Tập đoàn dầu cọ lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, Bunge đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Bunge Việt Nam và chính thức khánh thành Nhà máy ép dầu tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vào năm 2011.

Nhà máy ép dầu này được thiết kế với công suất tiêu thụ 1 triệu tấn hạt đậu nành/năm (hơn 3.000 tấn/ngày), mỗi ngày cung ứng 600 tấn dầu đậu nành thô và 2.500 tấn khô dầu đậu nành cho thị trường Việt Nam.

Reuters cũng cho biết, công ty Quang Dũng – một nhà phân phối đậu nành có tiếng tại Việt Nam sẽ nắm 10% cổ phần tạo thành liên doanh 3 bên.

Đáng chú ý, đối thủ của Bunge là Archer Daniels Midland. ADM cũng đang nắm cổ phần tại Wilmar.

Sắp diễn ra một thương vụ lớn trong ngành dầu ăn

Ảnh minh họa: Internet.

Các điều khoản trong thương vụ này chưa được tiết lộ. Thương vụ được đánh giá rằng sẽ tạo nên một chuỗi giá trị với Bunge nghiền hạt còn Wilmar tinh chế dầu thực vật.

“Liên doanh này sẽ làm tăng sức mạnh trong khâu điều hành, tiếp thị và hậu cần cho Bunge Việt Nam” - Giám đốc điều hành Soren Schroder cho biết.

Năm 2014, Bunge Việt Nam đạt doanh thu 12.800 tỷ đồng nhưng chỉ lãi ròng 9 tỷ. Với vốn điều lệ gần 560 tỷ đồng, Bunge Việt Nam âm vốn chủ sở hữu 20 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex đã có thông báo bán ra 24% cổ phần trên tổng số 51% cổ phần của CTCP Dầu vật Tường An mà doanh nghiệp này đang nắm giữ. Nếu chuyển nhượng thành công, Vocarimex sẽ không còn là công ty mẹ nắm quyền kiểm soát đối với Tường An. Bên cạnh Tường An, Vocarimex còn nắm giữ 24% cổ phần của Dầu thực vật Cái Lân (công ty sản xuất các thương hiệu Neptune, Cái Lân, Simply…), 49% cổ phần Golden Hope Nhà Bè…

Như vậy, thị trường dầu ăn tại Việt Nam tới đây sẽ chứng kiến những sự biến động rất lớn và những cái tên mới sẽ trỗi dậy.

Wilmar thành lập năm 1991, hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất châu Á trong lĩnh vực nông nghiệp. Công ty là một trong những doanh nghiệp lớn nhất Singapore về vốn hóa thị trường và doanh thu. Các hoạt động kinh doanh chính của Wilmar bao gồm trồng cọ, ép dầu từ cọ và các hạt có dầu; tinh luyện dầu ăn, đường; sản xuất phân bón, chế biến ngũ cốc…

Bên cạnh dầu cọ, Wilmar còn kinh doanh các mặt hàng nông sản khác như chế biến và kinh doanh các loại hạt có dầu (mè, vừng, lạc...) và ngũ cốc, tinh luyện đường, sản xuất dầu ăn... Tuy nhiên, các lĩnh vực liên quan đến dầu cọ vẫn là nguồn đóng góp chính vào lợi nhuận.

Công ty con của Wilmar tại Việt Nam là Công ty Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) cũng là nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất. Các sản phẩm dầu ăn của Calofic gồm có Neptune, Simply, Meizan... Wilmar nắm 76% cổ phần của Cái Lân, phần còn lại thuộc về Tổng Công ty Công nghiệp dầu thực vật (Vocarimex).

Mai Linh
Nguồn Trí thức trẻ