Digital Video bước vào thời hoàng kim: 8 điều thương hiệu cần biết
Sức mạnh của Video trực tuyến đã được khẳng định. Thị trường nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Online Video, đặc biệt từ năm 2006, khi Google thâu tóm YouTube trong một thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD.
Nhưng rất nhiều điều đã đổi thay kể từ thời điểm đó. Thực tế đang đặt ra câu hỏi: Liệu Video trực tuyến có còn hiệu quả trong tương lai? Câu trả lời là “Rất có thể”. Và nếu điều đó thành sự thật – Video chính là tương lai của Internet, thì đây là những gì mà mọi thương hiệu cần phải biết.
Video đang thay đổi diện mạo nhiều dịch vụ trực tuyến
Có không ít bằng chứng cho thấy sự bùng nổ của Video trên Internet trong thời gian sắp tới. Một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất chính là việc Video đang khẳng định tầm ảnh hưởng của mình đối với những dịch vụ trực tuyến nổi bật (mà khác với YouTube) trước đây chưa thực sự quan tâm đến mảng Video.
Điển hình là Instagram, ứng dụng chia sẻ hình ảnh nổi tiếng trên mạng xã hội. Đầu năm nay, Instagram đã tuyên bố nâng thời lượng tối đa của Video trên nền tảng từ 15 lên 60 giây. Công ty lý giải, bởi thời gian người dùng xem Video trên Instagram đã tăng hơn 40% chỉ trong 6 tháng. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ dừng lại. Và mặc dù Instagram vẫn phổ biến như một ứng dụng chia sẻ hình ảnh, nhưng Video đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn hơn trong hỗn hợp nội dung của nền tảng này.
Tầm ảnh hưởng của Video thậm chí còn rõ ràng hơn nếu nhìn vào “ông chủ” của Instagram là Facebook. Mạng xã hội hàng đầu thế giới này là một trong những nền tảng chia sẻ Video phổ biến nhất hiện nay và là mối đe dọa thực sự đối với YouTube. Nhưng Facebook không chỉ ngấp nghé vượt qua mỗi YouTube, họ còn cho thấy tiềm năng dẫn đầu thị trường về dịch vụ Video.
Tại hội thảo mới đây ở London, Nicola Mendelsohn, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Facebook, dự đoán trong 5 năm tới, “có lẽ” trên mạng xã hội chỉ còn “toàn là Video”.
Mendelsohn khẳng định: “Nếu tôi phải đặt cược, đó sẽ là Video, Video và Video”. Tại sao? Bởi Video có tác động cực kỳ mạnh mẽ.
“Cách tốt nhất để kể chuyện trong thế giới Internet, nơi tràn ngập vô vàn thông tin, chính là dùng Video. Video có khả năng truyền tải lượng thông tin khổng lồ trong tích tắc, giúp người dùng tiếp nhận nhiều thông tin hơn hẳn.”
Nhưng Video Ad không phải là tất cả …
Với những thương hiệu đang tìm cách tận dụng lợi thế của thiết bị di động (Mobile), quảng cáo Video là chiến lược trong tầm tay.
Thông thường, khi sản xuất Video quảng cáo số đặc biệt là quảng cáo chất lượng cao, thương hiệu không chọn cách tái sử dụng nội dung từ các spot quảng cáo truyền hình. Nhưng hóa ra, dùng lại quảng cáo truyền hình lại cách đơn giản nhất nếu thương hiệu muốn khởi đầu một cách thận trọng với Video trực tuyến, bởi người dùng vẫn ít phản cảm với quảng cáo truyền hình hơn quảng cáo số.
Những định dạng quảng cáo số quen thuộc nhất với Brand Marketer, như định dạng “pre-rolls”, lại không được nhiều người dùng ưa thích. Chính điều này đã gây cho quảng cáo số sự cố không mong muốn về khả-năng-nhìn-thấy-quảng-cáo (Viewability). Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều thương hiệu bắt đầu tìm kiếm phương thức khác để quảng bá bằng Video, ngoài hình thức Video Ad thuần túy.
Ví dụ: Một số thương hiệu đang tạo nội dung Video gốc trên các nền tảng như Instagram, gồm cả những mini-series nhiều tập, và khuyến khích người dùng tự tạo nội dung như một phần của các cuộc thi có giải thưởng (Contest).
Thương hiệu cũng phối hợp với những nhân vật có tầm ảnh hưởng (Influencer) để đồng sáng tạo nội dung, đồng thời sử dụng Video về sản phẩm để tăng tỷ lệ chuyển đổi và giá trị trung bình của đơn hàng.
Nhìn chung trong ngắn hạn, có nhiều cách để thương hiệu tận dụng thời cơ từ Video trực tuyến. Và Video Ad chưa hẳn là cách tối ưu để khai thác tiềm năng của Video.
Live Video không phải xu hướng nhất thời
Video phát trực tiếp là xu hướng nổi bật nhất hiện nay. Vô số thương hiệu đang sử dụng các ứng dụng phát Video trực tiếp như Meerkat (của công ty Life on Air), Periscope (của Twitter), và Facebook Live (của Facebook).
Việc Facebook đầu tư mạnh cho Live Video đã nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Theo Phó chủ tịch Mendelsohn của Facebook, tính năng phát trực tiếp đang trở thành hiện tượng bùng nổ mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng. Live Video có khả năng thu hút người dùng cực lớn với mỗi Live Video đạt số bình luận gấp 10 lần Video thường.
Tuy nhiên, dù Live Video tăng trưởng rõ nhất trên các nền tảng xã hội như Facebook, nhưng thương hiệu vẫn cần nhớ, Live Video không chỉ dành cho mạng xã hội. Bằng chứng là sự thành công của Style Code Live, một chương trình truyền hình mua sắm do “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Amazon sản xuất. Style Code Live được phát sóng trực tiếp với thời lượng 30 phút hàng ngày từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Chương trình mời những Influencer đến giới thiệu về các xu hướng mới, kết hợp với tính năng tương tác trực tiếp và làm nổi bật sản phẩm đang được giới thiệu để thúc đẩy người xem mua hàng.
Mobile không phải là rào cản
Nếu có ai đó ngờ vực khả năng phát triển của Video trong tương lai, lý do lớn nhất có lẽ do sự giới hạn về hiệu suất của thiết bị di động, vấn đề băng thông và chi phí sử dụng dữ liệu.
Nhưng tiến bộ trong công nghệ di động và khả năng cắt giảm chi phí dữ liệu đã cho thấy, việc di động phổ biến sẽ không phải là trở ngại lâu dài cho sự phát triển của Video trên Internet.
Số liệu thống kê của Facebook càng củng cố điều này. Như Mendelsohn tiết lộ, người dùng Facebook dành trung bình 100 triệu giờ mỗi ngày để xem Video trên di động.
Âm thanh trở thành tính năng “tùy chọn”
Từ lâu Video vẫn được xem là phương tiện truyền đạt âm thanh lẫn hình ảnh. Nhưng Internet đang thay đổi điều này.
Trên Twitter và Facebook hiện nay, Video thường có tính năng “phát tự động” (Autoplay) trong im lặng. Thách thức đặt ra cho thương hiệu là phải đảm bảo sự hấp dẫn cho nội dung Video ngay cả khi không có âm thanh. Một trong những kỹ thuật ngày càng phổ biến giúp thương hiệu làm được điều này là Texted Video, dạng Video thời lượng ngắn hiển thị văn bản thay vì phát âm thanh.
Video không chỉ dành cho thương hiệu lớn
Nội dung (Content) là yếu tố quyết định thành công của Video trực tuyến. Để sản xuất nội dung Video chất lượng cao đôi khi cần đến ngân sách thực sự “hoành tráng”. Nhưng nhu cầu cắt giảm chi phí ngày càng tăng, và thương hiệu cũng có nhiều công cụ hơn bao giờ hết để tạo nội dung Video mà không cần mức chi tiêu đến năm, sáu hoặc bảy con số.
Chẳng hạn, rất nhiều nền tảng cung cấp dịch vụ Video hiện nay đã tìm cách tiếp cận những doanh nghiệp nhỏ nhất trên thị trường. Mới đây, YouTube vừa ra mắt YouTube Director, một ứng dụng miễn phí cung cấp các biểu mẫu và công cụ để tạo quảng cáo Video dành cho doanh nghiệp với ngân sách nhỏ. Thậm chí đối với doanh nghiệp chi từ 150 USD cho quảng cáo YouTube, họ sẽ được nhà làm phim chuyên nghiệp đến tận nơi, quay và chỉnh sửa Video quảng cáo miễn phí.
Công nghệ mới sẽ thay đổi “cuộc chơi”
Những công nghệ mới, như công nghệ thực tế ảo (VR) đang mang đến cơ hội mới để thương hiệu sáng tạo nội dung Video hấp dẫn.
Một số công nghệ khá đắt đỏ như loại máy quay thực tế ảo chuyên nghiệp (Pro VR Camera) đôi khi có giá hàng chục ngàn USD. Nhưng một số công nghệ khác như máy bay không người lái (Drones) lại có giá phải chăng hơn mà vẫn đảm bảo sức hút của Video.
Ví dụ: Dolphin & Whale Watching Safari, một công ty nhỏ cung cấp tour du lịch xem cá voi tại Nam California, đã dùng Video quảng cáo quay bằng máy bay không người lái và nhận được phản hồi tuyệt vời. Video của họ thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube chỉ trong thời ngắn.
Cơ hội kiếm lời từ thị trường ngách
So với những kênh truyền thông khác như radio hay truyền hình, mạng Internet đặc biệt phù hợp và là môi trường thuận lợi cho Video phát triển. Sự phổ biến của Internet đã tạo thêm nhiều thị trường “ngách” hấp dẫn cho loại hình Video kỹ thuật số.
Twitch là một trường hợp. Ra đời năm 2011, dịch vụ chia sẻ Video trực tuyến về Game này được Amazon mua lại năm 2014 với giá gần 1 tỷ USD. Năm ngoái, tổng thời lượng người dùng xem Video trên Twitch đã đạt con số “khủng” – 459.000 năm. Con số này dự kiến tiếp tục tăng bởi dòng Game eSports (thể thao điện tử) đang ngày càng thịnh hành.
Có thể nói, sự phát triển của Video trên Internet chính là cơ hội hoàn hảo để thương hiệu kiếm lời từ các thị trường “ngách”, chẳng hạn như thị trường Video trò chơi, thông qua hình thức quảng cáo (Adveritising), tài trợ (Sponsorship) và sáng tạo nội dung gốc (Original Content).
Patricio Robles / econsultancy.com
Nguồn ANTS Blog