Sàn đấu OTT và những hướng đi mới
Sau thời gian cạnh tranh gay gắt, thị trường ứng dụng OTT (Over the top), hay còn gọi là các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí trên internet, đang có những dấu hiệu giảm nhiệt.
Thị trường OTT dậy sóng vào giai đoạn năm 2011-2012 với những cái tên nổi bật như Line của hãng Naver, Kakao Talk của Daum Kakao, Viber, WhatsApp, Snapchat, WeChat (Tencent)... Với dân số trẻ chiếm hơn một nửa cơ cấu dân số, thị trường internet còn nhiều dư địa phát triển. Và cũng không khó hiểu khi Việt Nam cũng nằm trong kế hoạch mở rộng của các OTT nước ngoài. Ngoài những cái tên nổi tiếng từ nước ngoài, Việt Nam còn có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, điển hình là Zalo của Công ty VNG. Đây cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tham gia mảng OTT đầy tiềm năng lúc đó.
Một trong những nguồn thu chính của phần lớn các ứng dụng OTT nước ngoài là bán sticker hoạt hình để gửi tin nhắn, vật phẩm trong game miễn phí tích hợp trong ứng dụng. Tuy nhiên, nguồn thu này gần như rất nhỏ ở Việt Nam vì người sử dụng không có thói quen thanh toán trực tuyến. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, dù được quảng bá khá rầm rộ nhưng 2 đại diện đến từ Hàn Quốc là Kakao Talk và Line âm thầm rời khỏi Việt Nam. Không lâu sau đó đến lượt Viber, WeChat cũng ra đi không kèn không trống.
Ngay lập tức, những chỗ trống của các doanh nghiệp OTT ngoại được lấp đầy bởi các doanh nghiệp trong nước. Tháng 4.2014, Công ty BKAV gia nhập với ứng dụng BTalk. Không lâu sau đó, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone, Mobifone cũng chính thức gia nhập thị trường OTT với các ứng dụng Mocha, VietTalk và WiTalk.
Không là số 1, đừng là số 2
Theo thống kê của VNG, tính đến cuối tháng 4.2016, Zalo có 50 triệu người đăng ký sử dụng. Con số này vượt rất xa so với các đối thủ trong nước, thậm chí còn qua mặt cả đối thủ lớn nhất là Facebook Messenger, vốn chỉ mới có 38 triệu người sử dụng ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn rằng các nhà mạng trong nước sẽ không cạnh tranh với Zalo hay Facebook Messenger. Bởi vì các lợi thế của nhà mạng không phải là yếu tố quyết định thắng lợi trong cuộc chiến giành thị phần. Bài học của thị trường OTT ở Trung Quốc là một minh chứng cho nhận định này. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc rất giống Việt Nam khi cũng có 3 nhà mạng lớn là China Mobile, China Telecom và China Unicom chiếm phần lớn thị phần viễn thông.
Trước sự lấn lướt của WeChat, năm 2013, China Telecom ra mắt OTT YiChat để cạnh tranh trực tiếp. Dưới sự hậu thuẫn của China Telecom, YiChat có nhiều lợi thế hơn WeChat khi cho phép người sử dụng gọi đến điện thoại di động không cài YiChat và thậm chí là cả điện thoại bàn miễn phí.
Các ứng dụng chat OTT có thể trở thành những nền tảng thương mại điện tử khá lợi hại nếu được đầu tư đúng hướng.
Tuy nhiên, sự có mặt của YiChat không làm WeChat yếu đi, trái lại, ứng dụng này vẫn tiếp tục gia tăng lượng người sử dụng kể từ khi ra mắt vào năm 2011. Theo trang web Business Insider, tính đến tháng 3.2016, WeChat đã có 700 triệu người sử dụng hằng tháng. WeChat gần như thống trị thị trường Trung Quốc và là mối đe dọa cho Facebook Messenger, Line, Kakao Talk hay WhatsApp.
Đối với yếu tố KOL, WeChat tạo ra các mối quan hệ rất tốt với những người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng ở xã hội Trung Quốc. Trên thực tế, không chỉ WeChat áp dụng chiến lược này, đa phần ứng dụng OTT đều lấy nội dung có KOL để tạo sức hút khi gia nhập vào thị trường Việt Nam, như Zalo của VNG, Line hay Kakao Talk. Viber trước khi đóng cửa cũng đưa ra tính năng Public Chat, cho phép người sử dụng theo dõi cuộc trò chuyện của những người nổi tiếng.
Đây là yếu tố chưa thấy hoặc chưa được đẩy mạnh ở các ứng dụng như Mocha, WiTalk hay VietTalk. Các nhà mạng đa phần vẫn tập trung vào yếu tố giá để thu hút người sử dụng. Theo cựu quản lý dự án OTT của một nhà mạng lớn, chiến lược này không có gì khó hiểu vì cho đến nay, các nhà mạng vẫn xem OTT chỉ là một dịch vụ cộng thêm. Họ hiểu rằng dù đầu tư mạnh vào OTT vẫn rất khó có thể chiếm được vị trí số 1 ở thị trường Việt Nam.
Áp lực kiếm tiền
Thay vào đó, OTT được các nhà mạng sử dụng làm dịch vụ cộng thêm ở các thị trường họ đầu tư, nhất là những nơi mà OTT chưa thâm nhập được. Dù mới ra mắt thị trường, song ứng dụng OTT Mocha của Viettel đã đạt được 3,6 triệu người dùng. Bên cạnh đó, ứng dụng này cũng được ra mắt tại 4 thị trường nước ngoài, gây ấn tượng với nhiều tính năng khác biệt. Theo ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Media (Viettel Telecom), bên cạnh việc mở rộng Mocha ra thị trường quốc tế, năm 2016, Viettel sẽ tập trung biến Mocha thành một nền tảng mạng xã hội, phục vụ nhiều hơn các nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Trong khi đó, WiTalk của Mobifone nhắm đến ưu thế sử dụng ở nước ngoài và giữ liên lạc với các thuê bao khác với chi phí phát sinh tiết kiệm hơn nhiều so với dịch vụ roaming thông thường.
Bên cạnh đó, OTT có thể được xem là phép thử khi gia nhập vào các thị trường mới của các nhà mạng. Bởi trung bình để mở một nhà mạng, cần đầu tư khoảng 200 triệu USD, đối với các thị trường có mức chi trả bình quân đầu người thấp, thời gian hoàn vốn mất từ 7-8 năm.
Các nhà mạng sẽ dùng OTT để đo lường mức tiêu dùng, đánh giá có tiềm năng hay không rồi mới xin giấy phép đầu tư. Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện VNPT cho biết Tập đoàn sẽ cân nhắc và quyết định tùy theo đánh giá thực trạng việc cung cấp, văn hóa sử dụng và tiềm năng phát triển của từng thị trường để cung cấp dịch vụ VietTalk.
Nếu như áp lực của nhà mạng là đem ứng dụng OTT ra nước ngoài, thì Zalo của VNG cũng gặp áp lực trong việc tìm kiếm doanh thu. Theo một nguồn tin của NCĐT, Zalo sẽ kiếm tiền từ mô hình sàn thương mại điện tử. Theo đại diện của Zalo, hiện nay, ứng dụng này đã mở chức năng Official Account (Tài khoản chính thức) và hoàn toàn miễn phí cho các doanh nghiệp.
Đây là bước chuẩn bị để hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Official Account cho phép nhãn hàng, người nổi tiếng, doanh nghiệp, thậm chí là ngân hàng đều có thể tích hợp ứng dụng hỗ trợ kinh doanh trên Zalo. Chức năng này từng được WeChat triển khai rất thành công. Nó thành công đến mức người sử dụng WeChat ở Trung Quốc hiện nay ngoài việc nhắn tin, mua sắm còn có thể thanh toán trực tuyến, gọi taxi hay lên cuộc hẹn với bác sĩ.
Theo đó, nhiều khả năng Zalo trong thời gian tới sẽ áp dụng các chiến lược đã giúp WeChat thành công với thương mại điện tử. Một trong số đó là Groundswell của các KOL. Đây là xu hướng xã hội trong đó mọi người có thể sử dụng công nghệ để có những gì mình muốn từ những người khác, thay vì từ các tổ chức hay doanh nghiệp. Nói đơn giản hơn là xu hướng người sử dụng có thói quen mua hàng từ những chia sẻ kinh nghiệm của bạn bè trên mạng, hơn là tin vào lời quảng cáo của các doanh nghiệp. Mới đây, VNG đã công bố thông tin đầu tư vào Tiki.vn, một trang thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng cao. Đồng thời, khẳng định đã có đơn vị đảm trách giao nhận cho dịch vụ thương mại điện tử trên Zalo.
Nói cách khác, từ lượng người sử dụng, sàn mua bán hàng hóa cho đến khâu hậu cần, mọi thứ đã sẵn sàng với Zalo, vấn đề còn lại là thời điểm thích hợp. Nhiều nguồn tin cho rằng, mọi việc sẽ được thực hiện trong năm nay vì Ban Giám đốc của VNG đã rất nóng lòng khi hệ sinh thái của VNG đã đầy đủ hơn so với cách đây 4 năm.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư