"Cuộc chiến không tiếng súng” trong ngành nước giải khát Việt (Phần 2)
Sau khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu từ 30% đối với nước giải khát có gas giảm về mức 0%, điều này càng cho thấy cuộc chiến giành thị phần trong ngành hàng nước giải khát sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn.
Phần 2: Ngành nước giải khát trước cuộc chiến mang tên “hội nhập”
Bị "gặm" thị phần vì bảo thủ?
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chuyên viên phân tích Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBankSc ngành nước giải khát không cồn tại thị trường Việt Nam đang có một tốc độ phát triển khá ấn tượng.
Cụ thể, Báo cáo thị trường từ Vietinbanks chỉ ra, doanh thu toàn ngành trong năm 2015 đạt khoảng 85.000 tỷ đồng tương đương với 2,2 tỷ lít nước giải khát được tiêu thụ, con số tiêu thụ này đã gần gấp đôi con số của năm 2010. Thống kê thị trường mới cập nhật tháng 2/2016, các mặt hàng nước giải khát, trà xanh đóng chai đang dẫn đầu với 41,1% tiêu thụ, nước tăng lực 16,9%, nước hoa quả 9,1%, nước có ga 22,5%
Với một thị trường nhiều tiềm năng như vậy nhưng cũng chính bà Hằng tỏ ra lo ngại về những điểm yếu của doanh nghiệp nội vốn chiếm thị phần khá ít ỏi.
"Tôi nghĩ doanh nghiệp trong nước quảng bá thương hiệu không tốt, mẫu mã không đẹp, thậm chí, nhiều các loại nước hương vị cũng không ngon cho lắm," bà Hằng nhận xét.
Theo bà, cùng với tâm lý sính ngoại vốn đã xuất hiện từ khá lâu trong thói quen của người dân, việc khách hàng có thói quen tìm tới những nhãn hàng như Pepsi, Coca Cola là điều… dễ hiểu.
Một vấn đề khác đẩy doanh nghiệp nội vào thế khó, theo vị chuyên gia này, là xu hướng cửa hàng ăn nhanh xuất hiện mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đây là những nơi tiêu thụ rất mạnh của những nhãn hàng ngoại vốn đã có chiến lược thâm nhập từ trước.
Theo báo cáo của VietinBankSc, doanh số qua quầy (mức tiêu thụ ngay trực tiếp tại hàng quán ăn, khu vui chơi…) đang tăng dần và đạt tỉ trọng 60% vào năm 2015.
Đây là những nguyên nhân đặt ra vấn đề không nhỏ cho doanh nghiệp nội nhất là khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Một chuyên gia lâu năm trong ngành bán lẻ nhận định thêm rằng, ông lo lắng cho sự sáng tạo của doanh nghiệp nội trong cuộc đua giành thị phần thị trường nước giải khát.
Ngoài một số sản phẩm của doanh nghiệp trong nước thời gian qua khá hút khách như nước hoa quả, những sản phẩm trà đóng chai, còn lại, không nhiều ý tưởng để tự làm mới mình xuất hiện.
Thậm chí, ông cho rằng, doanh nghiệp nội đang khá "bảo thủ" và tự làm thụt lùi chính bản thân mình.
Ta sẽ bị gặm dần thị trường nếu không sáng tạo," vị chuyên gia lên tiếng.
Luật tháo gỡ, nghị định lại “trói”
Nói thêm về cuộc chiến hội nhập sắp tới, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu - nước giải khát, cho rằng, thực tế, ngành đồ uống Việt Nam đã bắt đầu có sự hội nhập từ những năm 1990. Trong đó, riêng ngành nước giải khát đã có sự phát triển rất tốt (kể từ năm 1998 đến nay). Có nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Tân Hiệp Phát với thương hiệu Dr Thanh, Coca Cola, Pepsi và nhiều đồ uống khác.
“Hội nhập sâu rộng thì không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. Điều quan trọng là thị trường đồ uống phát triển phong phú và chất lượng đảm bảo đồng thời các doanh nghiệp trong ngành đóng đúng thuế, đủ thuế theo quy định của pháp luật là đáng hoan nghênh,” ông Việt nhấn mạnh.
Bởi mặc dù, ngành này đã có sự hội nhập từ rất sớm song để chuẩn bị cho những cam kết tự do thương mại song phương, đa phương thế hệ mới thì đường như nhiều doanh nghiệp Việt đang thực sự… chậm chân.
“So với nhiều nước thì Việt Nam có phần chậm hơn do sự chuẩn bị của các nước láng giềng là rất bài bản. Chính phủ các nước đó có cơ chế, chính sách rất tốt đồng thời doanh nghiệp cũng họ cũng rất chủ động. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu sự chủ động và chính sách thì còn nhiều bất cập. Sự phát triển này thể hiện là ngành đồ uống có thị trường nhưng việc cạnh tranh rất khốc liệt,” ông Việt cảnh báo.
Theo ông, mặc dù Luật Đầu tư đã tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều song nhưng các nghị định lại đang gây ra những khó khăn, khi mà các bộ đều muốn quản. Nhiều doanh nghiệp cho rằng điều kiện kinh doanh là cần thiết nhưng không cần thiết phải xin các giấy phép, vì mỗi giấy phép con có thể… đẻ ra tiêu cực, điều này làm cho doanh nghiệp bị thua thiệt ngay trên chính sân nhà.
Người tiêu dùng ngày càng thông thái và đảm bảo được tính an toàn trong sản xuất sẽ gây được thiện cảm trong lòng người tiêu dùng, để tránh khỏi những sự việc xảy ra đáng tiếc.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách công bằng, việc kinh doanh là của doanh nghiệp và Nhà nước chỉ là “bà đỡ” đưa ra các chính sách để giúp doanh nghiệp hội nhập tốt hơn. Do đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực.
Về điều này, bà Hằng cho rằng, doanh nghiệp nội vẫn luôn có cơ hội và giành được nhiều thị phần trong hội nhập nếu giải quyết được ba vấn đề. Cụ thể, doanh nghiệp tham gia ngành không ngừng đổi mới hương vị, tìm ra công thức sản xuất mặt hàng mới để bắt kịp với thị hiếu của người tiêu dùng. Xây dựng thương hiệu với hệ thống phân phối rộng rãi, quảng bá sản phẩm.
“Cuối cùng là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng ngày càng thông thái và đảm bảo được tính an toàn trong sản xuất sẽ gây được thiện cảm trong lòng người tiêu dùng, để tránh khỏi những sự việc xảy ra đáng tiếc (như các trường hợp Number One của Tân Hiệp Phát hay C2 của URC),” bà Hằng dẫn chứng.
Đây cũng là vấn đề được ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đề cao. Theo ông, điều quan trọng là doanh nghiệp nội phải chiếm được lòng tin của người mua. "Làm ăn tử tế" là điều được ông nhắc tới như là một vấn đề then chốt cho cuộc chiến đang ngày một căng thẳng.
Phần 1: Tăng trưởng ngoạn mục như thị trường nước giải khát Việt
Phần 3: Chất lượng nước giải khát: Doanh nghiệp tự... "giẫm" chân mình
Phần 4: “Doanh nghiệp nước giải khát không tỉnh táo, sẽ bị tẩy chay”