Cuộc cách mạng mang tên Big Data

“Ngày nay, cứ mỗi 48 tiếng trôi qua, thế giới tạo ra lưu lượng thông tin bằng với lượng thông tin tính từ buổi đầu của kỷ nguyên văn minh cho tới thế kỷ 21.” Nếu nhận định này khiến bạn thấy tò mò, thì rất có thể bạn muốn để tâm hơn đến Big Data và cuộc cách mạng đại dữ liệu trong kinh doanh.

Nhắc tới Big Data là nhắc tới một cuộc cách mạng đúng nghĩa, bởi có lẽ, chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng được rằng một nhà kinh doanh bất động sản có thể chỉ đích danh một người lạ mặt đang có ý định bán đi căn hộ của mình dựa trên ba yếu tố, bao gồm việc ông đã sống tại khu dân cư trong một thời gian dài, giá nhà đất ở khu vực đó đang tăng cao và quan trọng nhất là con trai ông sắp dọn ra ở riêng. Ở vai trò của một khách hàng, một người tìm kiếm sản phẩm trên Amazon, ví như đang để tâm đến laptop, chắc hẳn cũng sẽ quen với việc trang web này tự gợi ý những sản phẩm liên quan như bao đựng laptop, miếng dán màn hình hay lót bàn phím,… Và đó chỉ là hai trong số vô vàn những bước ngoặt mà Big Data đem đến cho thời đại của chúng ta.

Big Data, hay dữ liệu lớn, là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu có độ lớn và độ phức tạp cao mà những công cụ, ứng dụng xử lí dữ liệu truyền thống không đảm đương được.

Ba đặc điểm vượt trội và tối ưu của dữ liệu lớn là: Volume – dung lượng lớn, Velocity – tốc độ xử lý cao và Variety – đa dạng về chủng loại. Với mô hình 3V do Gartner đưa ra này, có thể nói khái niệm Big Data chưa bao giờ chỉ mang ý nghĩa đơn thuần về kích cỡ của dữ liệu và thực tế, gần đây, chữ V thứ tư của Big Data đang dần được đề cập tới là Value – giá trị to lớn tiềm ẩn trong bộ dữ liệu khổng lồ, đặt ra bài toán cho việc xử lý dữ liệu hiệu quả để khai thác tiềm năng của Big Data.

Cuộc cách mạng mang tên Big Data

Mỗi giây, một khối lượng dữ liệu lớn được thu thập bởi hàng loạt những thiết bị di động, anten, các thiết bị thu hình, thu thanh, mạng cảm biến không dây, đầu kết nối tầm gần (RFID)… Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp, tổ chức bình thường, hay những trang mạng xã hội khổng lồ như Facebook, Twitter cho tới những trang thương mại điện tử như Amazon, eBay,… đều có thể sở hữu Big Data của mình.

Tập đoàn SAS cho biết, Twitter có 500 triệu dòng tweet mới mỗi ngày, Facebook thì có 1,15 tỉ thành viên tạo ra một mớ khổng lồ dữ liệu bao gồm văn bản, tập tin, video… Điều tương tự cũng diễn ra trên những nền tảng có lưu lượng người dùng khổng lồ của “ông lớn” Google hay YouTube. Chỉ trong vòng 4 giờ của ngày “Black Friday” năm 2012, cửa hàng Walmart đã phải xử lí hơn 10 triệu giao dịch tiền mặt, tức là khoảng 5.000 giao dịch mỗi giây. Hãy thử tưởng tượng, với chỉ vài cái tên trên đây, tiềm năng mà Big Data có thể đem đến là gì. Trong khi dữ liệu tìm kiếm của Google có thể dự báo về xu hướng của thị trường và mối quan tâm của khách hàng, hành vi của người dùng Amazon cũng giúp họ phát triển hệ thống gợi ý những sản phẩm liên quan tới lựa chọn cá nhân, thì rất có thể thông tin tài khoản Facebook có thể giúp các doanh nghiệp, tổ chức phân tích hành vi người tiêu dùng, cải thiện sản phẩm hay dịch vụ của mình. Tất cả những con số và tiềm năng không giới hạn của Big Data cho thấy những thách thức đặt ra với các doanh nghiệp, tổ chức để bắt kịp cuộc cách mạng này.

Làm gì với đại dữ liệu?

Một nghiên cứu được thực hiện bởi IBM với 1900 giám đốc điều hành được khảo sát trên toàn cầu cho thấy những doanh nghiệp, tổ chức hoạt động dựa trên việc phân tích số liệu có sự chênh lệch về doanh thu vượt trội là 33%, và chính điều này lý giải cho việc Big Data đang ngày càng được sử dụng rộng rãi cho mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính, viễn thông, y tế, giao thông vận tải cho tới an ninh và quản lý công.

Thành công điển hình của việc áp dụng công nghệ đại dữ liệu vào kinh doanh là Tesla, hãng đi tiên phong trong việc sản xuất ô tô chạy bằng điện.

Cuộc cách mạng mang tên Big Data

Mỗi chiếc xe do Tesla sản xuất đều được gắn một thiết bị cảm biến có khả năng gửi những thông tin liên quan đến vấn đề kỹ thuật, hoạt động của xe trở về nhà sản xuất để xử lý kịp thời những trục trặc nếu có trước khi sự cố xảy ra. Trong một buổi hội nghị của Gartner, CIO Jay Vijayan nói về thực trạng sử dụng Big Data của Tesla: “Nền tảng big data báo cho chúng tôi biết khi nào chiếc xe đang bị lỗi để nhóm kỹ sư kịp thời hành động.”

Bằng việc kết nối với khách hàng thường xuyên, liên tục và trực tiếp, thay vì thông qua bên trung gian, Tesla luôn thu về những dữ liệu chính xác và kịp thời nhất, cho phép họ cải thiện trải nghiệm người dùng và cạnh tranh với những hãng sản xuất ô tô chạy bằng xăng vốn đang rất phổ biến khác.

Tại Việt Nam, Big Data là một khái niệm mới mẻ từ năm 2012, chính vì vậy Big Data chưa được nghiên cứu phổ biến và rộng rãi trong các doanh nghiệp vì thiếu thốn nguồn nhân lực và quy mô để khai thác được lợi thế của nguồn dữ liệu khổng lồ này. Từ năm 2014-2016, trong lĩnh vực Internet có FPT, VNG, VCCorp tham gia nghiên cứu và ứng dụng Big Data trong phân tích hành vi khách hàng; về mảng ngân hàng, có Vietcombank; về ngành vận chuyển có thể kể đến VietnamAirline.

Nhìn chung, Big Data ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với không chỉ các doanh nghiệp mà còn cả nền kinh tế quốc gia nhờ cơ chế thu thập, phân tích thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp nhà quản lý đưa ra quyết định kịp thời, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hoá chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực còn mới mẻ mà các doanh nghiệp, tổ chức cần nghiên cứu để có thể ứng dụng hiệu quả nhất.

Bảo Trân
Nguồn Vietnamnet