Thị trường điện máy vào mùa: Cuộc chiến khốc liệt giữa các 'đại gia'
Sự bùng nổ của các trung tâm điện máy những năm qua đã khiến cho thị trường điện máy trở thành một cuộc đua khốc liệt, có những doanh nghiệp buộc phải dừng cuộc chơi, có những doanh nghiệp lại liên tục mở thêm chi nhánh.
Với mức doanh số hàng năm lên tới 100.000 tỷ đồng, thị trường điện máy đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đã khiến cho cuộc cạnh tranh giành thị phần trở nên khốc liệt.
Một số siêu thị điện máy từng đình đám một thời như: Topcare, Việt Long, WonderBuy, Best Carings, HomeOne,...
Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp này cũng đã phải lần lượt rời bỏ cuộc chơi. Một trong những thương hiệu tốn nhiều giấy mực nhất là “đại gia” điện máy Topcare đóng cửa hàng loạt siêu thị hồi đầu năm 2015.
Trước khi đóng cửa, nhiều đối tác của Topcare đã đứng trước siêu thị cầm theo băng rôn “Phản đối Công ty TNHH & TM Topcare không thanh toán tiền hàng và không cho rút hàng ký gửi”.
Theo các chuyên gia, sự ra đi của các “ông lớn” bán lẻ là kết quả của cuộc sàng lọc thị trường, khi mà các điểm bán liên tục được mở ra và phải cạnh tranh gay gắt với nhau trong giai đoạn sức mua thấp.
Ngoài ra, tình trạng tài chính khó khăn, phải dựa quá nhiều vào vốn vay với mức lãi suất cao, trong khi đó biên độ lợi nhuận ròng luôn ở mức thấp, chỉ xoay quanh 4% đến 5%.
Trả lời trên báo Dân Việt, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng phân tích: Không riêng gì ngành điện máy, mà hầu hết các siêu thị bán hàng chuyên ngành mới bước vào thương trường đều phải sử dụng vốn vay lớn và dùng ngay chính siêu thị cùng hàng tồn kho để thế chấp vay vốn ngân hàng. Các “ông lớn” này thực chất không có nhiều vốn, thậm chí “âm vốn”. Họ lấy ngay hạ tầng và hàng hóa trong siêu thị-thứ không phải của mình mà là của nhà cung cấp-để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Sau đó, trong quá trình kinh doanh, các siêu thị lại đua tranh khuyến mãi, hết khuyến mãi này đến khuyến mãi khác, có khi kéo dài hàng năm trời.
Các siêu thị điện máy cạnh tranh nhau khốc liệt, cứ thấy siêu thị này tung ra chương trình khuyến mãi, là siêu thị kia lập tức tung ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn để cạnh tranh. “Các ông chủ siêu thị đều căng lên làm ăn, khuyến mãi với kỳ vọng đối thủ phải lùi bước và bản thân mình sẽ chiếm lĩnh được thị trường. Cuối cùng, nhiều khi do “cố quá” mà dẫn đến “quá cố”, siêu thị đứng bên bờ vực phá sản, nợ nần, đóng cửa lúc nào bản thân các ông chủ này cũng không hay”, ông Doanh nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, thì cũng có những doanh nghiệp còn trụ lại trên thị trường. Có thể kể đến những doanh nghiệp như: Trần Anh, Media Mart, Điện Máy Xanh thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động.
Mới đây, siêu thị điện máy Trần Anh đã đồng loạt khai trương 5 đại siêu thị trải dài từ Bắc vào Nam.
Theo ông Ngô Thành Đạt – Giám đốc Marketing của công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh, để có thể phát triển trong một môi trường khốc liệt như hiện nay, Trần Anh phải có chiến lược đi riêng của mình.
Chiến lược của Trần Anh là mở rộng theo kiểu “lan dần” đảm bảo mở đến đâu là phải phủ kín đến đấy theo tư vấn của đối tác Nojima.
Ngoài ra, mô hình đại siêu thị cũng là hướng đi khác biệt của Trần Anh so với các đơn vị khác. Thứ nhất, ở thời điểm hiện tại việc chọn các địa điểm to, đẹp tại các vị trí đắc địa dễ dàng hơn rất nhiều mà chi phí lại không phải là đắt.
Thứ hai, trong kinh doanh, tối ưu chi phí điểm bán là một yếu tố cực kỳ quan trọng, mở siêu thị lớn chi phí chắc chắn sẽ tốn kém hơn. Tuy nhiên với mục tiêu tạo sự khác biệt trong chất lượng dịch vụ khách hàng, Trần Anh sẵn sàng bỏ chi phí để cung cấp các dịch vụ cũng như các tiện ích mà siêu thị diện tích nhỏ không thể đáp ứng được. Ngoài ra, với quy mô đại siêu thị, Trần Anh sẽ có nhiều diện tích để các hãng trưng bày Line up và biểu diễn tất cả các công nghệ mới giúp khách hàng được trải nghiệm sản phẩm nhiều hơn, tiếp cận với đa dạng sản phẩm hàng hóa hơn.
Châu Anh
Nguồn VTC News