Ngành hàng FMCG Q1/2016 vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng thị trường vẫn còn bất ổn

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng dương nhưng chậm lại trong quý đầu năm 2016, tăng 3.6% (so với mức tăng 5.7% của quý cuối năm ngoái), chủ yếu chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng đạt mức 3.0% (so với mức 4.9% trong quý 4/2015), theo báo cáo Market Pulse mới được công bố bởi Nielsen – công ty đo lường hiệu suất toàn cầu.

Quan sát kĩ hơn ở các ngành hàng lớn là: thức uống(1) (bao gồm cả bia), thực phẩm(2), sữa(3), sản phẩm chăm sóc gia đình(4), sản phẩm chăm sóc cá nhân(5), thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé, ngành hàng thức uống tiếp tục là ngành hàng có đóng góp lớn nhất cho toàn bộ doanh số tiêu dùng nhanh trong quý này, với mức đóng góp 39%. Trong 8 tháng liên tiếp, ngành hàng đồ uống liên tục cho thấy sự tăng trưởng ổn định. Đặc biệt trong quý 1/2016, ngành hàng đồ uống tăng trưởng ấn tượng đạt 10% - mức tăng cao nhất trong vòng 2 năm qua. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào tăng trưởng sản lượng với mức 8.1%. Ngược lại, tất cả các ngành hàng khác đều không cho thấy bức tranh tươi sáng như ngành hàng thức uống. Các ngành hàng khác vẫn thể hiện sự trì trệ trong tăng trưởng của mình.

Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ được sử dụng sử dụng trong bài viết cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.

Ngành hàng FMCG Q1/2016 vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng thị trường vẫn còn bất ổn

Tăng trưởng của ngành hàng FMCG - 6 thành phố lớn.

“Trong quý 1/2016, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố lớn chỉ đạt 3.6%, thấp hơn mức tăng GDP là 5.5%. Điều này cho thấy khi thu nhập của NTD đạt đến một mức nhất định nào đó, thì mong muốn tiêu dùng của người dân cũng sẽ thay đổi. NTD ở khu vực thành thị (đặc biệt tại 6 thành phố chính) ngày càng có những đòi hỏi cao hơn và họ cũng mong chờ có những sự lựa chọn tốt hơn. Họ đang tìm kiếm những sản phẩm sáng tạo và đổi mới cũng như chờ đợi những trải nghiệm tiêu dùng mới. Thiếu sự sáng tạo thì các mặt hàng tiêu dùng nhanh sẽ dần trở thành các mặt hàng cơ bản, khi đó NTD vẫn sẽ mua sản phẩm nhưng sẽ dừng lại ở mức vừa đủ, do đó sẽ không tạo nên sự đột phá về tăng trưởng” – theo quan sát của ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Bộ Phận Dịch Vụ Đo Lường Bán Lẻ, Nielsen Việt Nam.

“Theo báo cáo của Nielsen về Sáng Tạo và Đổi Mới Sản Phẩm, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ NTD sẵn sàng thử sản phẩm mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với 88% người Việt cho biết họ đều mua sản phẩm mới trong các chuyến mua hàng tạp hóa của họ - cao hơn 19% so với mức trung bình của khu vực (69%). Điều này cho thấy những cơ hội cũng như thách thức đối với nhà sản xuất để có thể cung cấp sản phẩm sáng tạo và đổi mới ra thị trường. Trong thời gian vừa qua, chỉ có ngành hàng thức uống và bia là đáp ứng được “cơn khát” của NTD về sản phẩm mới khi liên tục tung ra các sản phẩm sáng tạo ấn tượng thỏa mãn được các nhu cầu của NTD. Các nhà sản xuất thức uống và bia liên tục tạo ra các chiến dịch truyền thông tiếp thị rầm rộ và đã tạo ra sự liên kết về cảm xúc đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các kênh tiêu dùng cao cấp mới (ví dụ như beer garden) để từ đó cung cấp một môi trường tiêu dùng mới cho khách hàng. Quan trọng hơn, các nhà sản xuất cũng cần phải hợp tác chặt chẽ với nhà bán lẻ để đảm bảo có được sự ủng hộ từ họ nhằm giới thiệu các sản phẩm mới đến tay NTD.” – ông Dũng nêu ý kiến.

(1) Đồ uống bao gồm: Bia, nước giải khác, nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước lọc đóng chai, Tonic Food Drink, nước trái cây, trà túi lọc, trà chai, cà phê chai, cà phê.

(2) Thực phẩm bao gồm: bánh quy, bánh & bánh xốp, snack, dầu ăn, mì ăn liền, tương ớt, kẹo gum, thành phần cho bữa ăn chuẩn bị sẵn, bouillon - MSG.

(3) Sữa bao gồm: sữa bột, yagourt, sữa đặc có đường, sữa hộp/chai.

(4) Sản phẩm chăm sóc gia đình: bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, nước lau chùi nhà cửa, sản phẩm chai xịt diệt muỗi/gián, nhang chống muỗi, khăn giấy dùng trong nhà vệ sinh.

(5) Sản phẩm chăm sóc cá nhân: sản phẩm chăm sóc mặt, dầu gội, dầu xả, dầu tắm, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, khăn giấy lau mặt, sản phẩm chăm sóc phụ nữ, nước súc miệng, chất khử mùi, kem dưỡng da.

Nguồn Nielsen