Việt Nam sẽ xây dựng ô tô thương hiệu riêng, hy vọng đuổi kịp người Thái
"Sắp tới sẽ cố gắng tập trung vào phân khúc xe riêng, một dòng xe nào đó, thương hiệu nào đó với một nhà đầu tư có uy tín, có thị trường trên thế giới… để hình thành và tham gia vào chuỗi sản xuất thế giới, xây dựng dòng xe hơi mang thương hiệu cho Việt Nam”.
Tập trung phân khúc, xây dựng thương hiệu riêng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết như vậy trước câu hỏi: “Mỗi quốc gia châu Á đều xây dựng những thương hiệu riêng, Việt Nam lựa chọn thương hiệu nào để nổi tiếng hơn?” tại hội thảo Đối thoại chính sách đầu tư 2016, hôm 28/6.
Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và đầu tư thì Việt Nam rất quan tâm đến ngành công nghiệp ô tô.
“Trước đây, chúng tôi cũng có chiến lược phát triển ngành này nhưng không được thành công cho lắm. Khi xây dựng chiến lược đó, kinh nghiệm, nhận định còn chưa được đầy đủ.
Tôi nói ví dụ, thị trường Việt Nam hiện nay tiêu thụ tầm có 200 nghìn xe nhưng có tới 14 cơ sở lắp ráp ô tô. Nếu chia ra thì 'miếng bánh' quá nhỏ. Không thể hình thành một thương hiệu nào cho xe ô tô riêng của Việt Nam cả”, ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô sắp tới sẽ có nhiều thay đổi khi Chính phủ thông qua Chiến lược mới hồi tháng 2/2016. “Chúng tôi đang tích cực triển khai theo chiến lược mới này, sắp tới sẽ cố gắng tập trung vào phân khúc xe riêng, một dòng xe nào đó, thương hiệu nào đó với một nhà đầu tư có uy tín, có thị trường trên thế giới… để hình thành và tham gia vào chuỗi sản xuất thế giới, xây dựng dòng xe hơi mang thương hiệu cho Việt Nam”, ông Dũng nói.
Được biết, chiến lược công nghiệp ô tô Việt Nam có lịch sử 20 năm, đánh dấu bằng sự ra đời của liên doanh Công ty Toyota Việt Nam (1995) và 13 năm xây dựng với quyết tâm nội địa hóa các dòng xe ô tô sản xuất tại Việt Nam từ năm 2002.
Tuy nhiên, như lời Bộ trưởng Dũng nói, ngành công nghiệp ô tô chưa thành công, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, ngành này đang rơi vào tình trạng sắp bị phá sản.
Để tiếp tục “giấc mơ xe hơi” còn dang dở, tháng 2/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất các dòng xe ưu tiên được hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại. Với doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc, được hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và nhiều những ưu đãi khác cho các doanh nghiệp muốn tham gia sân chơi nay cũng được đề ra… Đây từng được coi là “tin vui” đối với ngành công nghiệp ô tô.
Bởi chính sách được đánh giá là rất quan trọng đối với bất kỳ sự phát triển của ngành nào. Sự thiếu ổn định về chính sách đã khiến các doanh nghiệp ngành ô tô không biết đường nào mà hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh, bởi vì bất kể là dòng xe nào cũng cần ít nhất từ 3-5 năm chuẩn bị đầu tư.
Đó cũng là lý do, vì sao nhiều doanh nghiệp chọn phương án nhập khẩu xe thay vì lắp ráp tại Việt Nam, vì đó là phương án kinh doanh an toàn, giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.
Bao giờ Việt Nam “đuổi kịp” Thái Lan
Không đặt sự phát triển công nghiệp ô tô trong sự so sánh với những thiệu lớn như Toyota, Honda... vì có vẻ quá “xa vời”, nhưng Việt Nam cần nhìn thẳng vào sự nỗ lực và bứt phá của Thái Lan - một quốc gia thuộc cộng đồng ASEAN.
Hiện số lượng xe được các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan đưa về Việt Nam bán đang ngày càng tăng vì lợi thế về thuế nhập khẩu và nhiều chủng loại.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hiện Thái Lan là nước có kim ngạch xuất khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất vào Việt Nam. Mới chỉ 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 12.538 ô tô nguyên chiếc với giá trị 225,8 triệu USD từ Thái Lan. Xét cả về giá trị kim ngạch lẫn số lượng, Thái Lan đã chính thức vượt qua Trung Quốc trở thành “cường quốc” ô tô mới tại Việt Nam.
Anh Đình Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) vừa quyết định mua chiếc Mitsubishi Attrage CVT nhập khẩu từ Thái Lan với giá chưa đến 600 triệu đồng. Theo vị khách này, chiếc xe nhập từ này rất thoải mái hơn vì rộng rãi và nhiều tiện ích... trong khi giá lại khá mềm, hợp với túi tiền. Đây cũng là lý do khiến nhiều người tiêu dùng chọn dòng xe Thái nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng từng chia sẻ: Nếu Thái Lan thành công khi chọn dòng xe bán tải là dòng xe chiến lược; Ấn Độ là dòng xe rẻ, cỡ nhỏ, Malaysia là vùng đất sản xuất linh kiện ô tô thì Việt Nam đang loay hoay với câu hỏi: làm sản phẩm gì? làm ra sao và ai làm? Chúng ta đang ở trong căn bếp mà người ăn có, khẩu phần ăn có nhưng chưa biết mua nguyên liệu gì để chế biến cho dù chúng ta rất giỏi làm bếp.
Trở lại với câu trả lời mới đây của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô: “Sắp tới sẽ cố gắng tập trung vào phân khúc xe riêng, một dòng xe nào đó, thương hiệu nào đó với một nhà đầu tư có uy tín, có thị trường trên thế giới… để hình thành và tham gia vào chuỗi sản xuất thế giới, xây dựng dòng xe hơi mang thương hiệu cho Việt Nam”.
Hy vọng với việc xác định đúng phân khúc sản phẩm có thể mang lại sự cạnh tranh, cùng với đó với những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tạo đường lối chính sách, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp... Việt Nam sẽ sớm có dòng xe ô tô mang thương hiệu riêng, đuổi kịp người Thái.
Mạnh Nguyễn
Nguồn BizLive