Thế Giới Di Động sẽ thắng hay thua với chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh?

Năm 2015, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã gây bất ngờ cho thị trường khi công bố việc bẻ lái vào ngành thực phẩm qua việc mở chuỗi cửa hàng bách hóa tiêu dùng thử nghiệm trong vòng 1 năm. Động thái này khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng MWG đang chơi một ván bài khó đoán.

“Ván bài” Bách hóa xanh sắp đến hồi kết

Theo thông tin lúc bấy giờ, MWG sẽ thực hiện chuỗi thử nghiệm từ 30-50 cửa hàng với diện tích từ 150-400m2 mỗi cửa hàng. Địa điểm thử nghiệm là tại Q.Tân Bình, TP.HCM và hoàn tất thử nghiệm 1 năm sau đó. Tổng vốn đầu tư cho chuỗi cửa hàng này khoảng 20 tỷ đồng và không vượt quá 50 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, việc thử nghiệm của chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh của MWG đang bước vào giai đoạn kết thúc. Kết quả ra sao chỉ còn chờ vào ngày tổng kết cuối năm 2016.

Tuy nhiên, mới đây chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MWG, cho biết ở thời điểm hiện tại, nhìn vào doanh số của Bách hóa xanh 5 tháng đầu năm vẫn cho thấy sự tăng trưởng tốt.

“Tôi vẫn tin tưởng đây là một ngành cực lớn và vẫn còn rất sơ khai, chưa nhiều đối thủ chiếm lĩnh thị trường. Hiện BigC chiếm 25% tổng thị trường, 75% nằm ở cửa hàng rất nhỏ và chợ truyền thống, chúng tôi tin rằng trong số 75% thị phần kia nếu thấy có sự lựa chọn tốt hơn thì khách hàng sẽ ủng hộ”, ông Tài nhấn mạnh.

Thế Giới Di Động sẽ thắng hay thua với chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh?

Chỉ còn hơn 6 tháng nữa sẽ kết thúc giai đoạn thử nghiệm chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh.

Ý tưởng phát triển Bách hóa xanh không phải là cửa hàng tiện lợi mà là xây dựng mô hình cửa hàng bách hóa truyền thống bán các sản phẩm tươi sống với dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống. Do đó, chiến lược mà MWG đang hướng tới là tái cấu trúc lại thị trường truyền thống đang phân tán. Hiện tại, trung bình hàng tháng doanh thu của Bách hóa xanh là 400 triệu đồng/cửa hàng.

Theo thông tin từ MWG, doanh thu bình quân của mỗi cửa hàng Bách hóa xanh trong tháng 2/2016 chỉ đạt 177 triệu đồng/tháng, tuy nhiên con số này đã tăng dần qua các tháng sau đó. Cụ thể, tháng 3/2016 đạt 264 triệu đồng, 426 triệu đồng vào tháng 4 và đạt mốc 696 triệu đồng trong tháng 5/2016. Như vậy, theo như lời của Chủ tịch HĐQT MWG cũng như kết quả doanh thu cho thấy Bách hóa xanh đang hoạt động tích cực và hiệu quả.

Các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán MB cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện tại, kênh bán lẻ truyền thống đang chiếm 83% thị phần và được phân chia như sau: Cửa hàng lớn chiếm 30% thị phần, tạp hóa nhỏ chiếm 30%, chợ 11% và cửa hàng chuyên doanh 7%, các kênh khác là 5%. Kênh hiện đại chiếm 17% thị phần còn lại, trong đó siêu thị chiếm 10%, đại siêu thị 4%, minimart 2%, online 1%.

“Hiện chúng tôi mới chỉ đo doanh thu chưa đo điểm hòa vốn, đến tháng 12 sẽ tính toán với doanh thu, chi phí như vậy thì cần bao nhiêu shop để đạt điểm hòa vốn, nếu 1 shop không đủ cover chi phí cố định, nhưng nếu 1.000 shop vẫn nuôi tốt thì sang năm tới sẽ cho phát triển ồ ạt”, ông Tài cho biết.

Cạnh tranh là không thể tránh khỏi

Hiện trên cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác. Dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.

Được xem là một thị trường đầy tiềm năng, do đó các năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc chiến giành thị phần với sự góp mặt của hàng loạt các đại gia đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Không những thế, ngay cả các doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Vingroup cũng đang ráo riết chạy đua để giành thị phần tại mảng này.

Bước chân vào sân chơi mới này, MWG sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ đáng gờm. Đặc biệt, nếu kết thúc giai đoạn thử nghiệm thành công thì năm sau MWG mới chính thức phát triển mạng lưới của mình. Như vậy so với các đối thủ MWG đã đi hơi chậm 1 bước.

Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện trên cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác. Dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.

Xét riêng hệ thống cửa hàng VinMart+ của Vingroup hiện nay trên toàn quốc là khoảng 650 cửa hàng. Ra mắt vào năm 2014, Vingroup dự kiến sẽ nâng số cửa hàng VinMart+ lên con số 1.000 vào cuối năm nay. VinMart có 100 siêu thị và 50 trung tâm mua sắm trên toàn quốc. Mỗi ngày có 2 cửa hàng VinMart+ được khai trương.

Như vậy, trước sự bành trướng không ngừng của các chuỗi bán lẻ trong nước, nhất là thị trường này đang gặp phải cuộc chiến giành thị phần khốc liệt của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như hiện nay thì khó khăn sẽ lớn hơn cho MWG.

Ánh Hoa
Nguồn Người tiêu dùng