Cửa hàng tạp hóa thay đổi để thích nghi
Dù các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang thực hiện chiến thuật "biển người", mở ra ở khắp mọi nơi, các cửa hàng tạp hóa truyền thống Sài Gòn vẫn có sức sống của riêng mình.
Giữ hồn nhưng phải thay hình, đổi dạng
Có lẽ với người Sài Gòn trước năm 1975 nghe quen quá đỗi mấy từ “tiệm chạp phô” – cái tiệm bán đủ thứ đồ, từ cây kim, sợi chỉ, cục kẹo, phong bánh, xà bông, bột giặt, cho đến tương chao, hành ngò, thậm chí những mặt hàng đắt tiền hơn như vải vóc… Tiếng “chạp phô” là từ cách đọc theo âm Quảng Đông (Trung Quốc) của hai từ Hán Việt là “tạp hóa”, để chỉ nơi bán nhiều thứ hàng hóa khác nhau nhắm đến nhu cầu của cư dân địa phương.
Tiệm “chạp phô” hay tạp hóa được mở ra để bán chủ yếu cho người ở xóm. Trong nhà, mỗi khi nấu cơm mà lỡ hết gạo, bà nội trợ chỉ việc “chạy lên đầu xóm” đong vài lon gạo. Hết nước mắm, nước tương, dầu hôi, củi lửa… cũng cứ chạy đến đấy.
Chòm xóm vốn quen biết nhau, hoặc người chủ tiệm dễ chịu nên đôi khi còn có thể mua chịu, mua thiếu, ít hôm có tiền thì trả sau. Đó chính là cái hồn của tạp hóa Sài Gòn mà ngày nay ít nhiều vẫn còn níu chân khách hàng.
Tuy nhiên, điểm trừ của các tiệm tạp hóa vẫn là hình ảnh về một nơi hơi bừa bộn, hàng hóa bày lộn xộn, treo móc khắp nơi, trong một không gian thường là chật chội, người bán cũng không có cử chỉ đon đả, mời mọc người mua. Để tồn tại trước sự tấn công của các chuỗi cửa hàng tiện lợi được trang trí đẹp mắt, không gian sạch sẽ với máy lạnh và hàng hóa bày biện ngăn nắp, khoa học, có nghiên cứu kỹ tâm lý mua hàng của người tiêu dùng thì bắt buộc các tiệm tạp hóa phải thay hình đổi dạng.
Hiện nay, nhiều chủ tiệm tạp hóa đã có ý thức trong việc trang trí cửa hàng. Không còn để hàng hóa bừa bộn như trước đây, người bán đã sắp xếp hàng đáp ứng tiêu chí "thuận tiện khi tìm và đẹp mắt với khách".
Bà Nguyễn Lưu Thủy, chủ tiệm tạp hóa gần chợ Bàu Cát (Tân Bình), cho biết, ngoài việc trưng bày hàng đẹp mắt, bà thường xuyên nhắc người phụ việc phải nhỏ nhẹ hơn với khách hàng.
Cùng với đó, các chương trình khuyến mãi cũng được chủ tiệm tạp hóa thực hiện nhằm giữ chân khách. “Bà nội trợ có nhu cầu mua nước rửa chén, khi mua tại cửa hàng tạp hóa, bà này mua 1 chai loại nhỏ nhất. Nhưng khi vào siêu thị thì mua liền 2 ngay chai nước rửa chén có thể tích lớn vì được tặng quà khuyến mãi. Do đó tôi phải cân nhắc việc hạ giá nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời thỏa thuận với nhà sản xuất để xin thêm một khoản phí trưng bày giống như các siêu thị đang làm", một chủ tiệm tạp hóa ở quận 1 cho biết.
Theo một báo cáo của Nielsen vừa công bố cho thấy thì ngoài yếu tố giá cả còn có 5 yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay bao gồm: Sự sẵn có của sản phẩm (62%), sản phẩm có chất lượng cao (57%), vị trí cửa hàng thuận tiện (54%), cung cách phục vụ của nhân viên tại cửa tiệm (51%) và sắp xếp/phân loại hàng hóa hợp lý (51%) .
Ông Roberto Butragueño - Phó Giám đốc bộ phận Dịch vụ Bán Lẻ Nielsen Việt Nam đưa ra nhận định: “Người tiêu dùng sẽ sẵn sàng để trả nhiều hơn nếu họ tin rằng sản phẩm đó mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn là một sản phẩm giá rẻ đơn thuần”. Có lẽ đây là lý do mà tại các tiệm tạp hóa Sài Gòn ngày càng có nhiều banner quảng cáo và tư vấn viên nhằm giải đáp lợi ích sản phẩm cho khách hàng.
“Số hóa” tiệm tạp hóa
Hiện nay, nhiều chủ tiệm tạp hóa Sài Gòn đã đầu tư máy tính, phần mềm để quản lý hàng hóa và máy quét mã vạch để tính tiền cho khách. Chị Mai (48 tuổi) chủ tiệm tạp hóa ở đường Trần Văn Kiểu phường 10 Quận 6, TPHCM cho biết trước đây chị phải ngồi dán từng tem giá vào hàng trăm loại hàng hóa trong tiệm của mình để lúc tính tiền không phải đi dò lại giá. Cuối ngày, lại ngồi cộng sổ “mướt mồ hôi” mới ra được doanh thu, lãi.
Bây giờ, mỗi sản phẩm bán ra, chị Mai đều nắm rõ giá, thời điểm bán, số lượng bao nhiêu. Cuối ngày, chỉ cần một cú click chuột, toàn bộ số liệu thống kê trong ngày, trong tuần, trong tháng… đều hiện ra. Ngoài ra, chị còn nắm được hàng nào bán chạy, hàng nào bán chậm để lên kế hoạch nhập hàng.
Tạp hóa sẽ sống tốt
Cho dù Sài Gòn bây giờ rất nhiều siêu thị, bên cạnh đó là các cửa hiệu, cửa hàng tiện lợi mọc ra khắp nơi, nhưng không gian dành bán lẻ cho các tiệm tạp hóa vẫn còn rất rộng lớn. Vì theo khảo sát của Nielsen, tại khu vực Châu Á, Việt Nam là thị trường có số lượng bình quân đầu người trên mỗi cửa hàng lớn và vượt xa nhiều nước. Cụ thể, tại Việt Nam hiện là 69.000 người/cửa hàng, trong khi đó con số này ở Philippines là 37.000 và ở Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng.
Các chuyên gia trong ngành bán lẻ cũng cho rằng các cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ vẫn có sức sống riêng bởi sự hiện diện gắn chặt với thói quen mua nhanh, bán nhanh, di chuyển quãng đường ngắn của cư dân... Do đó, cửa tiệm tạp hóa sẽ không chết mà sẽ tồn tại song song với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị.
Và ngay cả những người chủ tiệm như bà Thủy, chị Mai cũng tin rằng các cửa hàng tạp hóa như cửa hàng mình vẫn có thể cạnh tranh về giá cũng như cách phục vụ với những cửa hàng tiện lợi hiện đại hoặc các siêu thị lớn đang ngày càng mở rộng điểm bán, khách quen hoặc hàng xóm ở khu phố bà ở sẽ không bỏ bà mà đi.
Bên cạnh đó, sau những "va chạm" với các chuỗi siêu thị trong thời gian gần đây về đòi hỏi tăng mức chiết khấu, phải "lót tay" từ sếp đến lính để đưa hàng lên kệ, ưu tiên hàng do công ty con sản xuất... thì các nhà sản xuất đã bắt đầu quay lại với kênh phân phối truyền thống như chợ, tạp hóa.
Theo báo cáo của Nielsen, trong một thập kỷ qua, lần đầu tiên kênh bán lẻ truyền thống tăng trưởng nhanh hơn kênh thương mại hiện đại (hơn đến 5,4%). Hiện kênh bán lẻ truyền thống chiếm hơn 85% doanh thu của ngành hàng tiêu dùng nhanh, tương đương với gần 10 tỉ USD.
Duy Khánh
Nguồn Trí thức trẻ