Đâu là phòng tuyến cho nhà bán lẻ nội?

Những động thái dồn dập của các nhà bán lẻ ngoại đang khiến nhiều người lo ngại các nhà bán lẻ Việt Nam sớm muộn sẽ mất thị trường.

Người Thái thâu tóm Metro Cash & Carry, rót vốn vào Nguyễn Kim và nhanh chóng mua trọn Big C Việt Nam. Nhà bán lẻ Aeon (Nhật) lần lượt mở các trung tâm thương mại quy mô lớn ở các quận có dân cư đông đúc. Lotte Mart (Hàn Quốc) liên tục mở rộng đầu tư. Ngành bán lẻ cũng ghi nhận thêm sự hiện diện của Emart (Hàn Quốc), cũng như Wall Mart (Mỹ), Mapletree (Singapore), Auchan (Pháp) có ý định nhảy vào Việt Nam... Những động thái dồn dập này của các nhà bán lẻ ngoại khiến nhiều người lo ngại các nhà bán lẻ Việt Nam sớm muộn sẽ mất thị trường.

Thực tế, nếu Big C và Metro Việt Nam kết hợp lại, bản đồ ngành bán lẻ tại Việt Nam sẽ thay đổi nhanh chóng với cán cân nghiêng về các nhà bán lẻ Thái Lan. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nếu cộng doanh số tất cả các mảng liên quan đến bán lẻ, phân phối của TCC Holding (của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi) và BJC (công ty con của TCC) trên thị trường Việt Nam, mỗi năm ước tính khoảng 33.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,6 tỉ USD/năm. Con số này sẽ vượt qua doanh thu 26.000 tỉ đồng của nhà bán lẻ lớn nhất hiện nay là Saigon Co.op.

Đâu là phòng tuyến cho nhà bán lẻ nội?

Nếu Big C và Metro Việt Nam kết hợp lại, bản đồ ngành bán lẻ tại Việt Nam sẽ thay đổi nhanh chóng. Ảnh minh họa: Quốc Hùng / The Saigon Times

Tuy nhiên, điều trấn an cho doanh nghiệp Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ đầu tư vào siêu thị, trung tâm và cửa hàng tiện lợi. Đây là phân khúc chưa lớn, mới chiếm 25% tổng bán lẻ của Việt Nam. Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, trong khoảng 900 cơ sở bán lẻ hiện đại, nước ngoài cũng chỉ chiếm 10%. “Việc mở thêm nhiều siêu thị ở Việt Nam không hề dễ”, ông Hong Won Sik, Giám đốc Điều hành Lotte Việt Nam Shopping, xác nhận. Dù vậy, Lotte đã lên kế hoạch sẽ phát triển 60 siêu thị từ con số 12 siêu thị hiện nay.

Aeon đặt mục tiêu đạt tới 20 trung tâm thương mại vào năm 2020. Nhưng theo ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc AeonMall Việt Nam, các nhà bán lẻ ngoại gặp khá nhiều trở ngại trong việc xin giấy phép mở thêm siêu thị, tìm kiếm mặt bằng... Vì thế, Aeon đã mất 6 năm ròng (2008-2014) để nghiên cứu thị trường, đầu tư quỹ đất trước khi khai trương trung tâm thương mại đầu tiên. Cho đến nay, Aeon cũng chỉ mới thiết lập được 4 trung tâm thương mại.

Những mô hình hướng đến của Aeon là xây các trung tâm thương mại với quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, nằm ở ven đô và phải ngay khu đông dân (trên 1 triệu người trong bán kính 15 phút chạy xe máy). Cách thức đầu tư này đã tiêu tốn của Aeon khoảng 500 triệu USD.

Đầu tư tốn kém đồng thời các nhà bán lẻ luôn đối mặt với áp lực cạnh tranh. Chỉ tính riêng khu vực đường Phan Văn Trị (Gò Vấp, TP.HCM) đã quy tụ nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ như Lotte, VinMart, Emart, Co.opmart và cả Big C nằm gần đó. Vì thế, ông Robert Trần, CEO của Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny khu vực Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, nghi ngại về khả năng chịu đựng của các nhà bán lẻ ngoại. “Liệu họ sẽ gồng được trong bao lâu khi gánh quá nhiều chi phí và phải chia nhau một lượng khách hàng không thể tăng thêm đột biến?”, ông đặt câu hỏi.

Đâu là phòng tuyến cho nhà bán lẻ nội?

Aeon đặt mục tiêu đạt tới 20 trung tâm thương mại vào năm 2020. Ảnh minh họa: Internet

Metro đã quyết định rời cuộc chơi sau 12 năm bám trụ thị trường Việt Nam với tư cách nhà bán sỉ lớn nhất. Lý do là Metro đã thua lỗ kéo dài, chỉ duy nhất lãi vào năm 2010. Đối với Casino Group, dù Big C Việt Nam đạt tăng trưởng khả quan nhưng Big C Việt Nam chỉ đóng góp chưa đầy 2% tổng doanh thu cho Casino. Vì thế, khi đứng trước bài toán phải tái cơ cấu hoạt động, Casino quyết định bán lại Big C Việt Nam cho Central Group (Thái Lan).

Những khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài đang là cơ hội cho doanh nghiệp nội trong cuộc chiến giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam. Theo ông Robert Trần, chỉ cần các nhà bán lẻ nội địa điều chỉnh lại chất lượng hàng hóa, sắp xếp hàng theo mô hình siêu thị nước ngoài, bán với giá tốt, tối ưu dòng tiền và nguồn lực, liên kết và bao tiêu cho nhà sản xuất... khả năng cạnh tranh của nhà bán lẻ trong nước sẽ lớn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng nhà bán lẻ nội mới là đơn vị có lợi thế hơn trong tìm kiếm mặt bằng, am hiểu khách hàng, biết cách tiết giảm chi phí… Hiện tại, Saigon Co.op đã liên doanh với nhà bán lẻ Singapore NTUC FairPrice xây dựng mô hình đại siêu thị Co.opXtra, liên kết với Mapletree đầu tư vào trung tâm thương mại và giải trí phức hợp SC VivoCity. Riêng Vingroup tuy là đơn vị mới tham gia ngành bán lẻ nhưng đã sở hữu 20 siêu thị và đại siêu thị VinMart cùng hơn 200 cửa hàng tiện ích VinMart+ trên toàn quốc. Dự kiến đến năm 2017, VinMart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước.

Tuy nhiên, cần thấy các nhà bán lẻ nước ngoài cũng đang tìm cách thích nghi với những trở ngại tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, Aeon dự trù trên 10 năm để đạt hòa vốn, mức thời gian lâu hơn hẳn các quốc gia mà Aeon có mặt (trung bình 5-10 năm). Mục tiêu trước mắt của Aeon không phải là doanh thu, lợi nhuận mà là thu hút khách hàng, làm sao để mỗi trung tâm đạt 12-14 triệu lượt khách/năm.

Đâu là phòng tuyến cho nhà bán lẻ nội?

Mô hình Co.opXtra là một cách tăng cường sức cạnh tranh của Saigon Co.op. Ảnh: Sơn Phạm

Ngoài ra, bước đi của các ông chủ mới cũng đã khác biệt nhiều so với mô hình bán lẻ thuần túy mà Big C, Metro đã đi. Chẳng hạn, Aeon không chỉ kinh doanh hàng bách hóa mà còn cho thuê mặt bằng, cung cấp dịch vụ tổng thể, từ mua sắm thời trang, vui chơi, đến ẩm thực, giải trí, phim ảnh... Mặc dù Aeon cho biết, 80% hàng ở Aeon là của Việt Nam, nhưng xu thế cho thấy, các công ty nước ngoài sẽ tìm cách nâng dần hàng ngoại tại hệ thống bán lẻ của họ. Chẳng hạn, Big C Việt Nam sau khi về tay tỉ phú Thái Lan đã bất ngờ đòi tăng mức chiết khấu lên rất cao, có mặt hàng lên tới 25%. Theo một số doanh nghiệp, hình thức này chẳng khác gì “đuổi khéo” hàng Việt.

Như Aeon còn lập một công ty riêng cho mục tiêu sản xuất hàng hóa của riêng Aeon. Họ dự tính sẽ kết hợp với doanh nghiệp Việt để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, số lượng lớn cho mục tiêu bán hàng tại Việt Nam cũng như xuất khẩu. Theo ông Yasuo Nishitohge, chiến lược này có thể giúp Aeon giải quyết được bài toán trở ngại trong chính sách đưa hàng Nhật vào Việt Nam cũng như giảm giá thành sản phẩm.

Các nhà bán lẻ ngoại cũng đã tìm cách tăng độ phủ và độ nhận biết thương hiệu bằng cách mua lại cổ phần của các nhà bán lẻ trong nước. Đơn cử, Aeon đã mua lại 30% cổ phần ở Fivimart, 49% cổ phần của Citimart. Nhờ đó, Aeon mới có thể bán hàng ở khu vực trung tâm thông qua 30 cửa hàng của Citimart và 20 siêu thị của Fivimart. Dự kiến 3 năm tới, số lượng siêu thị Citimart sẽ tăng lên 100. Đối với Central Group, ngoài thâu tóm Big C Việt Nam và Nguyễn Kim, tập đoàn này cũng đã rót vốn vào chuỗi siêu thị Lan Chi nhằm tấn công thị trường nông thôn.

Rõ ràng, cuộc chiến trong ngành bán lẻ Việt Nam sẽ còn khốc liệt khi cả doanh nghiệp nội địa lẫn nước ngoài đều cùng điều chỉnh, thích nghi và chạy đua chinh phục người tiêu dùng. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam có quyền hy vọng rằng thị trường bán lẻ sẽ lớn hơn khi nhìn vào mục tiêu đến năm 2020, tiêu thụ ngành bán lẻ sẽ đạt 179 tỉ USD từ mức 102 tỉ USD (năm 2015) và bán lẻ hiện đại dự kiến chiếm 45% tổng bán lẻ.

Ngọc Thủy
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư