Bếp từ, bếp hồng ngoại: Vắng bóng hàng Việt

Khảo sát tại các siêu thị điện máy ở TP.HCM cho thấy bếp từ, bếp hồng ngoại rất đa dạng và phong phú không chỉ về thương hiệu mà còn về kiểu dáng và hầu hết có xuất xứ từ Nhật Bản, Tây Ban Nha, Đức, Italia, Pháp...

Theo đó, các thương hiệu đến từ Pháp như Brandt, Rosieres có mức giá từ 25 - 34 triệu đồng/bếp, các thương hiệu đến Đức như Uber, Chefs, Kaff, Bosch, Munchen có mức giá 13 - 46 triệu đồng/bếp; Tây Ban Nha với các thương hiệu như Dmestik, Malloca, Hafele, Teka, Fagor có mức giá 12 - 60 triệu đồng/bếp; hàng đến từ Italia như Abbaka, Civina, Napoli, Canzy, Nardi, Mastercook, Giovani, Ninova có mức giá 9 - 36 triệu đồng/bếp.

Ngoài các siêu thị điện máy, cửa hàng bán lẻ của các nhà phân phối như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gas và Bếp gas Hữu Thắng, Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vũ Sơn, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Cương... cũng bán nhiều loại bếp từ, bếp hồng ngoại.

Bởi, bên cạnh việc mở cửa hàng, hầu hết các nhà phân phối thiết bị nhà bếp, trong đó có bếp từ, bếp hồng ngoại hầu như đều sở hữu website bán hàng online. Thế nên chỉ cần gõ "bếp điện từ" trên công cụ tìm kiếm Google, trong vòng 0,65 giây sẽ có khoảng 2 triệu kết quả liên quan đến từ khóa này. Điều đáng chú ý là website nào cũng tự nhận là nhà nhập khẩu lớn nhất Việt Nam.

Bếp từ, bếp hồng ngoại: Vắng bóng hàng Việt

Với khá nhiều chính sách khuyến mãi, nhất là giảm giá 10 - 15%, thậm chí một vài thương hiệu bếp từ, bếp hồng ngoại hiện đang được rao bán trên mạng với giá giảm 25%, thậm chí có sản phẩm giảm 50%. So về mặt bằng giá, giá các loại bếp từ và hồng ngoại chênh lệch rất cao so với bếp gas, song theo ghi nhận tại một vài siêu thị điện máy, người tiêu dùng đang hoang mang với mức giảm giá này bởi không biết đâu là giá trị thật của sản phẩm.

Ở góc độ là nhà cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp sản xuất dụng cụ nhà bếp, trong đó có bếp từ và bếp hồng ngoại, ông David Phong - phụ trách tìm nguồn cung ứng và phát triển kinh doanh của Mondragon Corporation Việt Nam chia sẻ, việc sử dụng nhiều bếp từ, bếp hồng ngoại tại thị trường Việt Nam bắt đầu từ năm 2010, nguyên nhân là do những sự cố của bếp gas.

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp có nhà máy ở Trung Quốc đã bắt kịp thời cơ, đón sóng thị trường dưới rất nhiều thương hiệu được gắn mác châu Âu. Chính vì vậy, bếp từ, bếp hồng ngoại bán với giá rất cao dù sản xuất ở Trung Quốc. Về sau, các mặt hàng từ châu Âu dần được nhập khẩu vào Việt Nam nhưng vẫn đắt đỏ, nên không thể có chuyện giảm giá mạnh.

Mặc dù vậy, các nhà phân phối vẫn có thể cạnh tranh dựa trên mức chiếc khấu hoa hồng từ nhà sản xuất. Do đó, nhiều loại bếp từ, bếp hồng ngoại được giảm giá mạnh thường rơi vào hai trường hợp: một là mặt hàng đó đã qua thời, sau khi bán gần hết hàng, cần thanh lý nhanh để thu hồi vốn, hai là phải xem lại xuất xứ.

Bếp từ, bếp hồng ngoại: Vắng bóng hàng Việt

Bởi hiện nay, bếp từ, bếp hồng ngoại nguyên chiếc hay thành phẩm với độ hoàn thiện gần 70% thì hầu như đều chịu thuế nhập khẩu khoảng 20%. Riêng hàng nhập từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn.

"Chi phí trung bình để nhập một bếp nguyên chiếc từ châu Âu về đến Việt Nam khoảng 10 triệu đồng, nên việc giá mỗi chiếc bếp bán ra khoảng vài chục triệu đồng là bình thường bởi bao gồm rất nhiều chi phí, như phí bảo quản, kho bãi, bán hàng, phân phối, quản lý” - ông Phong phân tích.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Euro (EVFTA) giữa Việt Nam với 28 nước thành viên EU, nếu sớm thì cũng phải đến năm 2018 mới có hiệu lực thực thi, nhưng nhiều doanh nghiệp châu Âu đã khẳng định vị thế thông qua rất nhiều mặt hàng, trong đó có bếp từ, bếp hồng ngoại, dù vẫn còn chịu mức thuế suất cao.

Theo đại diện của Mondragon Corporation, thị trường Việt Nam được đánh giá tiềm năng hơn cả các nước trong khu vực. Tới đây, thị trường hứa hẹn sẽ phát triển mạnh ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vì hầu hết sản phẩm đa số hướng đến người có thu nhập cao. Hy vọng thời gian tới, khi mức thuế được xóa bỏ theo EVFTA, giá các sản phẩm này sẽ giảm nhiều.

Lê Loan
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn