Nước mắm Phú Quốc và những thách thức trước mắt

Nổi tiếng là thế nhưng thách thức đối với nghề mắm ở Phú Quốc cũng đang khiến lãnh đạo địa phương phải trăn trở, băn khoăn.

Báo cáo thường niên năm 2015 của Masan cho thấy, thị phần nước mắm Nam Ngư, Chinsu của DN này đang trên đà giảm, và sản phẩm này của Masan tìm đường sang Thái Lan. Đây liệu có thể là cơ hội để nước mắm truyền thống giành lại thị phần?

Mắm Phú Quốc: Ai cũng biết nhưng vẫn đầy thách thức

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Hưng, phó Chủ tịch huyện Phú Quốc, cho biết hiện huyện có 80 doanh nghiệp nước mắm như Hồng Đại, Khải Hoàn, Hồng Đức, Hưng Thành... với mục tiêu đạt 30 triệu lít trong năm 2016.

Ông Hưng nêu ra những cơ hội lớn đối với nước mắm Phú Quốc. Mắm Phú Quốc không những nổi tiếng trong nước mà còn được biết đến ở nước ngoài với hương vị, màu sắc rất đặc trưng, mang nét truyền thống lâu đời.

Tháng 8/2013, nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường này.

Nước mắm Phú Quốc và những thách thức trước mắt

Sản xuất nước mắm tại nhà thùng. Ảnh minh họa: Internet.

Trong chia sẻ của vị lãnh đạo huyện này ánh lên niềm tự hào, bởi nước mắm trở thành món quà của những người tới du lịch Phú Quốc bằng sự nổi tiếng nó. Mắm của huyện đảo cũng đã có mặt trong nhiều siêu thị lớn trong cả nước.

Tuy nhiên, nổi tiếng là thế nhưng thách thức đối với nghề mắm ở Phú Quốc cũng đang khiến lãnh đạo địa phương phải trăn trở, băn khoăn.

Thứ nhất là sản xuất chưa tập trung, với hơn 80 doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, rải rác. Huyện dự kiến sẽ xây dựng khu sản xuất nước mắm với diện tích 80 - 100 hecta và di dời toàn bộ các hộ sản xuất nước mắm vào khu sản xuất.

Thứ hai, nguồn nguyên liệu cá cơm đang giảm. Nguyên nhân do khai thách nhiều và nguồn tài nguyên dần cạn kiệt. Nhiều doanh nghiệp phải khai thác ở Campuchia hay Thái Lan, điều này ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, chất lượng cá cơm lẫn tạp có thể ảnh hưởng đến vị của nước mắm.

Điều đáng ngại khác là thương lái Trung Quốc thu mua cá cơm với giá cao, khiến nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gặp khó khăn.

Thứ ba, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mang danh nước mắm Phú Quốc vẫn tiếp tục hoành hành, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.

Ông Hưng mong cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp nỗ lực để giữ gìn và phát huy thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Các doanh nghiệp cần khai thác theo quy hoạch và các trường hợp khai thác bừa bãi cần được xử lý.

Nước mắm Phú Quốc và những thách thức trước mắt

Đóng gói nước mắm Phú Quốc. Ảnh minh họa: Internet.

Không mở rộng quy mô, mà nâng cao chất lượng

Lãnh đạo huyện Phú Quốc cho hay hiện huyện không khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô vì nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt. Khu sản xuất chưa được quy hoạch xong nên việc sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư có thể ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Hưng cho hay nhiều doanh nghiệp xin mở rộng nhưng chưa được phép vì chính quyền chờ khu quy hoạch hoàn thành. Công đoạn sản xuất nước mắm như rửa cá có thể gây ra mùi ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Thay vì mở rộng quy mô, huyện Phú Quốc đang nâng cao chất lượng nước mắm để đáp ứng như cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Nhiều người xem xét rất kỹ nguồn gốc, xuất xứ, độ đạm trong mắm là bao nhiêu.

Ngay từ khâu đầu vào như nguyên liệu, quy trình sản xuất ở Phú Quốc được kiểm soát rất chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, màu sắc, hương vị của nắm Phú Quốc. Ông Hưng đưa ra ví dụ cụ thể như mắm Phú Quốc có màu cánh gián, khoảng 28 - 29 độ mặn, loại độ đạm thấp nhất là 30. Nước mắm bán cho du khách du lịch cũng được kiểm tra rất kỹ càng để đảm bảo giữ gìn thương hiệu mắm truyền thống.

Ông Hưng cho biết, một số doanh nghiệp trong Hội mắm Phú Quốc đã có sản phẩm xuất đi châu Âu, Mỹ, châu Á. Khó khăn trong việc xuất khẩu là quy trình kiểm tra chất lượng khắt khe từ đầu vào đến đầu ra để đảm bảo yêu cầu của đối tác.

Nước mắm Phú Quốc trở thành sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, đây là một lợi thế để sản phẩm có thể ra nước ngoài. Mắm Phú Quốc được dán tem của công nhận của EU. Việc dán tem được địa phương kiểm tra rất khắt khe để đảm bảo uy tín, chất lượng của sản phẩm khi xuất ra nước ngoài.

Thế Trần
Nguồn Trí thức trẻ