Thực phẩm nấu chín ăn liền: Ngách không dễ vào
Nhận thấy thực phẩm nấu chín ăn liền là phân khúc ít bị cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài và có thể đi thẳng vào các kênh bán lẻ, nhiều DN trong nước đã vào cuộc. Tuy nhiên, không dễ chinh phục thị trường khi mà số đông người tiêu dùng vẫn chưa quen với loại sản phẩm này.
Nhiều doanh nghiệp vào cuộc
Sau các sản phẩm sơ chế, nhận thấy các cửa hàng tiện lợi đang phát triển, Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre nhanh nhạy tung ra hàng loạt mặt hàng thực phẩm nấu chín ăn liền với kỳ vọng mở rộng quy mô kinh doanh và tăng thị phần.
Theo kế hoạch, Cầu Tre cung cấp ra thị trường khoảng 30 món ăn hằng ngày của ba miền Bắc, Trung, Nam như bún bò Huế, bún chả cá, cháo cá hồi, miến xào cua, xôi bắp, cơm cà ri chay, mì spaghetti sốt bò bằm, mì xá xíu nước, mì xá xíu khô....
Các sản phẩm này chỉ cần hâm nóng bằng lò vi sóng 4 - 8 phút là dùng ngay với mức giá dao động từ 20.000 - 40.000đ/sản phẩm. Nếu như lợi thế của Saigon Food là sử dụng công nghệ và nguyên liệu làm hàng xuất khẩu cho Nhật thì lợi thế của Cầu Tre là bí quyết và công nghệ sản xuất nên các sản phẩm nấu chín của Cầu Tre rất khác biệt so với nhiều sản phẩm ăn liền, ăn nhanh khác bởi vị thịt, tôm cua, rau... vẫn tươi và thơm ngon như vừa nấu.
Phó tổng giám đốc Saigon Food - bà Lê Thị Thanh Lâm tiết lộ: "Sau khi các sản phẩm nấu chín ăn liền, nước dùng gà, bò, heo, hải sản tung ra thị trường có tín hiệu tốt, Saigon Food tiếp tục cho ra các dòng sản phẩm tiện lợi. Đối với nhóm sản phẩm này, ngoài việc đòi hỏi thực phẩm tươi ngon thì khâu chế biến cũng như bảo quản là cực kỳ quan trọng, phức tạp hơn so với sản xuất sản phẩm sơ chế thông thường".
Ông Trương Chí Thiện - TGĐ Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết, Công ty đã tung ra 6 loại trứng nấu chín ăn liền là trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng gà ác tiềm, trứng muối và trứng bắc thảo.
Theo ông Thiện, xu hướng ở các nước trong khu vực, trứng chế biến sẵn có doanh số rất cao. Đơn cử ở Nhật và Hàn Quốc, cứ 10 quả trứng bán ra thì có 4 - 5 quả là trứng ăn liền, giá bán khoảng 10.000đ/quả trong khi giá trứng của Việt Nam chỉ khoảng 4.000 đồng. Do vậy, Vĩnh Thành Đạt đang nhắm đến xuất khẩu.
"Trứng ăn liền an toàn cho sức khỏe, vận chuyển dễ dàng. Chế biến trứng ăn liền còn tạo ra giá trị gia tăng, giúp bao tiêu cho người chăn nuôi. Giá cả trứng ăn liền cũng không bị lên xuống thất thường như trứng tươi. Việc xuất khẩu cũng dễ hơn vì trứng tươi phải kiểm dịch, còn trứng chín chỉ cần kiểm tra an toàn thực phẩm", ông Thiện nói.
Tuy mới nổi trên thị trường phía Nam gần đây, nhưng bắp bò muối, thịt gà muối nấu chín, trâu gác bếp, bò, lợn gác bếp... của Công ty CP Gfoods Việt Nam, Công ty TNHH Lason, GMFood, Hà Food, Công ty TNHH Sản xuất Thực phẩm Hà Nội... được thị trường biết đến khá nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ DN Hà Food cho biết: "Đây là đặc sản của bà con dân tộc vùng Tây Bắc. Xuất phát từ nhu cầu dự trữ thức ăn cho những chuyến đi rừng dài ngày hoặc vào mùa mưa lũ nên bà con sấy khô thịt để trên bếp để bảo quản và trở thành món đặc sản, khẩu vị đặc trưng, ngon, lạ. Đơn cử như bắp bò muối vẫn giữ được mùi thơm thịt bò, vị ngọt của thịt và sần sật của gân bò...".
Còn nhiều lực cản
Qua tìm hiểu, dù được một bộ phận người tiêu dùng đón nhận nhưng sức mua hiện nay của thực phẩm nấu chín vẫn còn thấp.
Theo ước tính của đại diện Cầu Tre, nếu thị trường phát triển tốt, mỗi năm Công ty sẽ thu được khoảng 40 - 50 tỷ đồng cho nhóm mặt hàng này. Tính riêng cháo dinh dưỡng nấu chín của Saigon Food, doanh số đã tăng trên 20% sau vài tháng. Tuy nhiên, theo DN thì đây vẫn chỉ là bước tung sản phẩm thử nghiệm và đón đầu thị trường.
Bà Đặng Thị Phương Ninh - Phó tổng giám đốc Vissan cho biết: "Mới đây, Vissan đã đưa ra một số sản phẩm mới như hồ lô thịt bò, heo xay hạt, xúc xích viên chế biến từ nạc xay hạt và nem gà với kỳ vọng phục vụ bữa ăn gia đình. Thế nhưng, người Việt Nam vẫn chưa quen với thực phẩm nấu chín ăn liền nên các sản phẩm này vẫn chưa có chỗ đứng trong bữa ăn gia đình, mà mới chỉ đáp ứng nhu cầu du lịch, tiếp khách... Hay như món mắm chưng rất tiện lợi, không mất thời gian chế biến và vị ngon không thua nhà làm nhưng hiện nay vẫn chưa được nhiều người biết đến".
Ông Hà cũng thừa nhận, các sản phẩm như chân giò ủ muối, gà ủ muối của Hà Food hiện đầu ra không tốt lắm và cũng rất khó thâm nhập kênh siêu thị do mặt hàng này đang có nhiều công ty cạnh tranh. Mà nếu hàng vào được thì cũng... khó vì bán xong siêu thị mới trả tiền. Chưa kể khi hàng gần hết date, siêu thị mới cho trả về nên phải hủy bỏ. Một khó khăn khác là do phải bảo quản ở nhiệt độ lạnh nên muốn bán ở kênh truyền thống thì phải đầu tư tủ lạnh cho điểm bán.
Mặc dù doanh thu đã tăng trưởng gấp đôi so với 6 tháng trước nhờ cửa hàng tiện lợi nhưng ông Thiện cũng cho biết, so với trứng tươi thì doanh thu trứng chế biến chín vẫn còn thấp do tâm lý người dùng cho rằng thực phẩm chế biến theo công nghiệp sẽ không ngon, và họ cũng e ngại chất bảo quản.
Xác định thị trường nội địa còn rất lớn và doanh số cháo dinh dưỡng nấu chín tăng 20% nhưng theo bà Lâm, tỷ lệ người dùng cháo Saigon Food còn rất nhỏ, trong khi cháo mua ở các cửa hàng rất lớn. Lý do là chưa có nhiều người biết đến sản phẩm của Saigon Food mà kinh phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của Công ty hiện vẫn chỉ làm theo kiểu...nhà nghèo.
Nhiều DN cho rằng, để tạo điều kiện cho ngành thực phẩm chế biến phát triển bền vững tại thị trường nội địa và từng bước xuất khẩu, Nhà nước cần ban hành những chính sách hỗ trợ cho DN quảng bá, cung cấp thông tin về thị trường, về môi trường, luật pháp kinh doanh quốc tế, hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn