Thiếu kênh phân phối, người Việt khó tiếp cận hàng Việt

Thiếu kênh phân phối, người Việt khó tiếp cận hàng ViệtHiện nay, hàng Việt có nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh nhưng việc tiêu thụ còn khó khăn do thiếu kết nối với các hệ thống phân phối dẫn đến hàng hóa không đến được tay người tiêu dùng.

Ngày 3/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại” nhằm đẩy mạnh khả năng phối phối hàng Việt trên thị trường nội địa.

Theo Hiệp hội Bán lẻ, hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 làng nghề truyền thống. Hầu hết các làng nghề này đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa, chỉ 12% các làng nghề kết hợp tốt với các kênh phân phối, còn lại bán hàng chủ yếu mang tính tự phát, không có kênh phân phối ổn định, thị trường tiêu thụ rất bấp bênh.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP HCM cho biết: Các đặc sản và sản phẩm làng nghề ở nước ta rất nhiều, chất lượng sản phẩm tốt và hầu hết các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này rất có tâm huyết phát triển sản phẩm nhưng do năng lực tài chính có hạn nên khó khăn trong kết nối với các kênh phân phối. Hiện nay, rất khó để những nhà sản xuất nhỏ lẻ đưa được sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại vì không đủ tài lực để duy trì hàng hóa trên các kệ hàng ở các trung tâm này trong thời gian sản phẩm của họ chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Thiếu kết nối với hệ thống phân phối, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiêu thụ được sản phẩm.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hiện nay còn thiếu và chưa có sự kết nối với doanh nghiệp sản xuất. Hệ thống phân phối hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu chưa được quan tâm phát triển đồng bộ, rất thiếu hệ thống phân phối hiện đại. Các chợ hiện nay đa số là chợ tạm, chợ đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới; số chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý còn thấp, nhất là các chợ ở nông thôn, miền núi, vùng cao; thiếu các mô hình kinh doanh thương mại tiên tiến ở trung tâm tỉnh và các trung tâm huyện thị.

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu thông tin về thị trường nên việc phát triển các ngành nghề thường tự phát không gắn với nhu cầu thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh, chưa liên kết được với nhau, với các hiệp hội, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.

Một khó khăn khác của doanh nghiệp là việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), buộc doanh nghiệp phải đối mặt sức cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lớn, trong khi đó trong nước chưa có mạng lưới hoàn chỉnh các trung tâm thương mại, tổng kho bán buôn hiện đại để phân phối và làm đầu tàu lôi kéo ngành thương mại địa phương phát triển dẫn đến cuộc cạnh tranh không cân sức. Đồng thời, doanh nghiệp còn phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng trà trộn trên thị trường.

Thiếu kết nối với hệ thống phân phối, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiêu thụ được sản phẩm, mặc dù đó là những sản phẩm tốt, giá cả phải chăng. Do đó, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động ngày càng tăng cao.

Theo báo cáo của Sở Công Thương 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam, đến nay có 196.841 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công thương, trong đó số thành lập mới là 2.080 doanh nghiệp, số doanh nghiệp phá sản lên đến 10.303 doanh nghiệp và ngừng hoạt động là 2.501 doanh nghiệp.

Thiếu kênh phân phối, người Việt khó tiếp cận hàng Việt

Do đó, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tồn tại và phát triển, thì biện pháp duy nhất là đẩy mạnh khả năng bán hàng của các doanh nghiệp này, giúp hàng hóa của doanh nghiệp tiếp cận được với các kênh phân phối để đến tay người tiêu dùng. Để làm được điều này cần đẩy mạnh sự liên kết giữa sản xuất và phân phối trên thị trường nội địa. Các cơ quan, ban ngành cần có sự hỗ trợ trong việc tìm kiếm những doanh nghiệp có hàng hóa tốt ở các địa phương và kết nối vào các kênh phân phối hiệu quả; phát triển hệ thống phân phối hiện đại ngay tại địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: Việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại các khu dân cư ở các địa phương chỉ hướng vào mục đích bán hàng, chưa tạo được sức lan tỏa mạnh về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vì sau khi phiên chợ giải tán, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm để dùng tiếp cũng rất khó. Do đó, trong thời gian tới, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ phối hợp với các tỉnh, thành nâng cấp 24 chợ huyện và hỗ trợ để đưa hàng Việt vào các chợ này; đồng thời, liên kết với hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C để nâng cao độ bao phủ của hàng Việt ở các hệ thống phân phối hiện đại.

Nguồn Chiến lược Marketing