Heineken: Thị trường Việt Nam tạo lợi nhuận lớn thứ 2 thế giới
Chủ tịch Heineken khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam là thị trường sinh lời lớn thứ 2 của họ chỉ sau Mexico.
Ông Frans Eusman - Chủ tịch Heineken khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết công ty này đang đẩy mạnh việc rót tiền vào Việt Nam - thị trường sinh lời lớn thứ 2 cho họ, chỉ sau Mexico.
Heineken cũng nhận định Việt Nam là động cơ tăng trưởng chính của hãng tại châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh thị trường châu Phi, Trung Đông và châu Âu đang ngày càng tạo ra ít lợi nhuận.
Hiện tại ở Việt Nam, hãng bia 143 năm tuổi này hoạt động thông qua 2 công ty gồm: APB (Công ty bia châu Á - Thái Bình Dương) tại Hà Nội - do Heineken sở hữu hoàn toàn và VBL (Công ty liên doanh Bia Việt Nam) - Heineken nắm 60%.
Trong bài phỏng vấn mới đây với tờ CNBC, ông Eusman nói: "Chúng tôi rất tự hào về những gì mình có thể tạo ra. Thời điểm mới vào Việt Nam, Heineken mới chỉ có một nhà máy rất nhỏ, hiện tại chúng tôi đã là hãng bia lớn thứ 2".
Ngoài Việt Nam, ông Eusman khẳng định Heineken nhận thấy cơ hội tăng trưởng trên khắp châu Á. Bẳng chứng là họ đã chi 60 triệu USD xây nhà máy bia tại Myanmar năm 2015 và còn hoạt động tại Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Indonesia, Malaysia. Điều đáng nói là một nửa trong số các quốc gia này, Heineken đang nắm thị phần lớn nhất.
Mới đây nhất, công ty cũng ký thỏa thuận hợp tác với hãng bia Philippines - Asia Brewery để đưa thương hiệu Heineken và Tiger vào nước này. Eusman cho biết họ sẽ còn có nhiều thỏa thuận hơn về sau.
Eusman nhận xét Myanmar là "một cơ hội tuyệt vời". "Theo một mặt nào đó, Myanmar cũng như Việt Nam 10, 25 năm trước vậy. Họ có dân số trẻ, tài sản tăng, GDP tăng và nhiều người bắt đầu dư dả", ông nói.
Ông cho biết Tiger hiện là thương hiệu bia kinh doanh tốt nhất của họ tại Đông Nam Á. Đây là "thương hiệu tuyệt vời" với tiềm năng phổ biến trên toàn cầu.
"Tiger đang giúp chúng tôi tăng trưởng mạnh lúc này", Eusman cho biết, "Nó nằm trong top 10 thương hiệu toàn cầu lớn nhất của Heineken, nhưng vẫn chưa phổ biến ra ngoài châu Á. Vì thế, chúng tôi muốn tạo đà để vừa phát triển tại châu Á, vừa hướng đến các cơ hội bên ngoài".
Bất chấp kinh tế châu Á đang đi xuống, ông Eusman vẫn tỏ ra lạc quan vào nền tảng tăng trưởng của khu vực này, với dân số trẻ và đang tăng nhanh.
"Nếu nhìn vào thị trường bia và lượng tiêu thụ trên đầu người tại đây sẽ thấy còn khá thấp so với châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc tiềm năng vẫn còn rất rộng mở", ông kết luận.
Vân Đàm / CNBC
Nguồn Chiến lược Marketing