Apple trong cuộc khủng hoảng bản sắc thời hậu Steve Jobs

Táo khuyết dần đánh mất sự đơn giản từng được gây dựng dưới thời Steve Jobs, nhưng liệu đó là dấu hiệu cho một cuộc thoái trào hay chỉ là thay đổi để thích nghi?

Ken Segall, cựu chuyên gia tư vấn quảng cáo của Apple, người từng làm việc dưới thời Steve Jobs thừa nhận, tốc độ tăng trưởng thần thánh của gã khổng lồ xứ Cupertino dựa phần lớn vào tình yêu của “thầy phù thủy” với những sự đơn giản. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi.

Apple nổi tiếng nhờ sự đơn giản đến khó tin. Dưới triều đại của Steve Jobs, công ty đã có những năm tháng luôn “nghĩ khác” và được thôi thúc sức sáng tạo từ tình yêu mãnh liệt vào việc tối giản hóa mọi thứ.

Tình yêu đó, mà có người gọi là nỗi ám ảnh, được nhìn thấy ở mọi nơi, từ phần cứng, phần mềm, bao bì, tiếp thị, thiết kế cửa hàng bán lẻ và thậm chí là cách tổ chức nội bộ công ty.

Đó là cách đây 4 năm.

Mặc dù khách hàng Apple nổi tiếng trung thành, nhưng trạng thái bất an đang dần hiện hữu. Ngày càng có nhiều người cảm thấy “Táo cắn dở” giờ không hướng tới sự đơn giản như thời Steve. Họ phát triển theo hướng phức tạp hơn, mở rộng sang nhiều dòng sản phẩm dễ gây nhầm lẫn.

Apple trong cuộc khủng hoảng bản sắc thời hậu Steve Jobs

Steve Jobs có khả năng chi phối mọi hoạt động của Apple. Ảnh: Rex Features.

Đây chỉ là nhận định hay là thực tế? Liệu Apple đang gặp vấn đề với sự đơn giản? Hay hãng đang trưởng thành với vị thế của một công ty toàn cầu? Tính đơn giản chắc chắn là khó thực hiện hơn trước khi công ty bị soi mói quá mức. Táo khuyết tạo ra cộng đồng tín đồ khổng lồ, nhưng cũng không thiếu những người sẵn sàng hướng mũi giáo chỉ trích về phía họ.

Những ai từng làm việc cùng Steve đều yêu mến ông, qua đó dành sự ngưỡng mộ tột cùng cho Apple. Nhưng tình cảnh hiện tại khó khăn hơn nhiều thời điểm 4 năm trước. Hãy gạt bỏ cảm xúc sang một bên để đưa ra cái nhìn nghiêm túc về “tính đơn giản” của Táo khuyết hiện tại.

Steve Jobs – bậc thầy của sự đơn giản

Trước tiên, chúng ta phải thừa nhận sự thật rằng, Steve Jobs là một nhân cách không thể thay thế. Vì là người đồng sáng lập, ông có sự tín nhiệm cao từ mọi phía, sở hữu bản năng phi thường, tầm nhìn rộng, tràn đầy năng lượng và luôn khơi gợi ý chí tuyệt đối cho đội ngũ nhân viên. Thật khó để Apple có lại những điều đó, dù công ty vẫn thành công.

Tim Cook có một phong cách rất khác. Hãy nhớ rằng, ông đã được lựa chọn cẩn thận bởi chính tay Steve trong việc kế nhiệm vị trí lãnh đạo Apple. Và người đàn ông này biết làm cách nào để công ty vận hành hiệu quả. Tim Cook cũng thừa nhận bản thân không sở hữu nhiều tài năng như Steve, vì thế, ông sẽ dựa vào kinh nghiệm của những người khác trong các lĩnh vực mà ông ít hiểu biết, chẳng hạn như thiết kế sản phẩm và tiếp thị.

Apple trong cuộc khủng hoảng bản sắc thời hậu Steve Jobs

Steve Jobs cầm trên tay chiếc MacBook Air năm 2008. Ảnh: AP.

Đó là nơi mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Tầm nhìn, sức mạnh và uy tín của Steve khiến ông trở thành nhà độc tài nhân từ hiếm có, đủ sức sắp xếp tất cả các nguồn lực trong công ty, điều Tim Cook dường như không thể làm được.

Đơn giản trong các dòng sản phẩm

Apple hiện có tới 3 mẫu iPhone khác nhau, 4 chiếc iPad và 3 model Macbook. Đồng hồ thông minh Apple Watch còn đa dạng hơn cả về mẫu mã, kích thước cho đến nhãn hiệu. Hệ sinh thái của Táo khuyết đang bùng nổ để trở nên phức tạp. Đó có phải là sự thật?

Đồng hồ vẫn được coi là món đồ thời trang nên việc đa dạng chủng loại như vậy phù hợp với nhu cầu người dùng. Và trong quá khứ, Apple cũng từng có tiền lệ mở rộng dòng sản phẩm. Ví dụ như iPod trở thành món hời lớn của công ty tại thời điểm máy tính vẫn là mặt hàng chủ lực.

Khi thị trường ngày càng đa dạng, người dùng có quyền đòi hỏi thêm những thứ mới mẻ. Nếu bỏ qua nhu cầu đó, Apple vô tình đẩy khách hàng đến gần hơn với các đối thủ của mình. Ví dụ như việc hãng từng để đối thủ chiếm thị phần do duy trì chế độ màn hình bé trong thời gian dài.

Với lý do đó, các sản phẩm của Apple trở nên đa dạng hơn. Nhưng liệu có quá khi kết luận chúng trở nên phức tạp? Một công ty quan tâm tới sự đơn giản sẽ cung cấp lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất thay vì hàng tá thiết bị.

Đơn giản ngay trong phần mềm

Các nhà phê bình ngày càng nặng lời trước tình trạng phức tạp hóa có phần tăng nhanh trong hệ thống phần mềm của Táo khuyết. Apple Music bị tấn công không thương tiếc khiến các bộ phận công ty tỏ ra bối rối.

Apple trong cuộc khủng hoảng bản sắc thời hậu Steve Jobs

Steve Jobs trong một sự kiện của Apple năm 2010 - với bức ảnh chụp cùng Wozniak phía sau. Ảnh: Getty Images.

Phải thừa nhận rằng, hãng có khả năng tạo ra những phần mềm chất lượng, nhưng không tránh khỏi việc bị hacker nhòm ngó hoặc gặp lỗi. Chẳng phải bào chữa, nhưng dưới triều đại của mình, Steve cũng gặp vô số sự cố. Ông bị chỉ trích nặng nề về những sai lầm nghiêm trọng từ lần ra mắt dịch vụ trực tuyến MobileMe.

Thực tế thì, ngay cả những công ty tốt nhất cũng không tránh khỏi tình cảnh này. Và riêng Apple, tần suất xuất hiện lỗi ngày càng dày đặc do mức độ phức tạp của hệ thống phần mềm.

Đơn giản trong cách đặt tên

Có một thời gian, Apple đặt tên sản phẩm vô cùng đơn giản. Máy tính chỉ có dòng Mac, còn các thiết bị khác sẽ có tiền tố “i”. Giờ đây, ngoài i-Devices còn có Apple - (như Apple Watch, Apple Pay hay Apple Music). Và phía sau chúng xuất hiện thêm những ký tự để phân biệt các phiên bản khác nhau.

Ngay như iPhone hiện tại có tới 3 model, gồm iPhone 6S, 6S Plus và SE. Cách đặt tên của Apple không còn đơn giản nữa.

Thói quen thêm hậu tố S cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Cứ cách một năm, Apple lại mặc định thêm chữ S vào model trước đó khiến người dùng cảm tưởng đó chỉ là bản nâng cấp đơn thuần, không mang tới đột phá mới.

Nhưng kỳ thực, có những tính năng rất ấn tượng, như Siri, Touch ID hay vi xử lý 64-bit xuất hiện trên phiên bản dòng S, mà nếu không vì cách đặt tên, chúng sẽ được nâng cao giá trị hơn rất nhiều. Điều này phần nào làm hại Apple, khiến hãng gặp khó trong khoản tiếp thị sản phẩm. Nên nhớ rằng, chính Steve Jobs là người đã nghĩ ra chiến lược phát triển dòng S.

Đơn giản trong marketing

Apple trong cuộc khủng hoảng bản sắc thời hậu Steve Jobs

iPod từng là thiết bị đình đám thu hút giới trẻ. Ảnh: Getty Images.

Nghệ thuật quảng cáo đã được Apple nâng lên tầm cao mới. Ngay cả những nhà tiếp thị hàng đầu trong các ngành công nghiệp khác cũng coi Táo khuyết là chuẩn mực vàng để học hỏi.

Đó không phải bởi vì Steve Jobs đã tạo ra hệ thống quảng cáo đồ sộ, thay vào đó ông tối giản quá trình hết mức có thể. Jobs tin tưởng một nhóm nhỏ những người sở hữu khả năng sáng tạo tuyệt vời xuyên suốt thời kỳ tại vị. Ông cũng tích cực tham vào mọi hoạt động marketing mỗi tuần.

Loại bỏ khâu trung gian, không có nhiều cấp phê duyệt và cũng chẳng có nghiên cứu nhóm tập trung trở thành nét đặc trưng của Apple. Thật khó tin, bởi rất ít công ty trên thế giới làm việc theo cách như vậy. Đó là cách Steve loại bỏ sự phức tạp trong bộ máy vận hành.

Với sự ra đi của “thầy phù thủy”, mọi thứ đang thay đổi từng ngày. Giờ đây, Apple xây dựng đội ngũ marketing quy mô lớn. Các nhóm cạnh tranh trực tiếp để tạo ra các chiến dịch mới. Ngày càng có nhiều người tham gia vào quá trình này hơn. Trên thực tế, Apple đang quản lý hệ thống marketing như một công ty lớn thay vì cách làm việc như một startup.

Sự đơn giản liệu còn tồn tại bên trong Apple?

Không hề nghi ngờ gì, Apple hiểu hơn ai hết sức mạnh của sự đơn giản. Nó trở thành trung tâm của các sản phẩm mang thương hiệu Táo khuyết và là nền tảng cho kế hoạch phát triển trong tương lai.

Apple trong cuộc khủng hoảng bản sắc thời hậu Steve Jobs

Apple Watch ra mắt vào năm ngoái. Ảnh: AP.

Nhưng “đơn giản” là một vấn đề của nhận thức và Apple đang gặp khó để thể hiện hình ảnh đơn giản trước khách hàng.

Xuất hiện nhiều vấn đề trong bối cảnh Apple trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Nhiều bài toán cần được giải quyết, cũng như quy trình hoạt động phải thay đổi cho phép tạo ra các sản phẩm phức tạp hơn.

Điều này nói lên rằng, mọi người cần đặt Apple trong bối cảnh cụ thể để đánh giá một cách khách quan nhất. Bất chấp những thách thức hiện tại và cả những sai sót của hãng, chúng ta phải thừa nhận thực tế, chưa có công ty công nghệ nào thành công nhờ sự đơn giản như Apple.

Chúng ta sống trong một thế giới quá phức tạp và hãng nào mang lại sự đơn giản là những người chiến thắng cuối cùng.

Trần Tiến
Nguồn Zing News