Tương lai nào cho Zalora?
Zalora được kỳ vọng sẽ gia tăng gấp đôi doanh số bán hàng online của Central Group.
Bất ngờ về tay một nhà bán lẻ điện máy như Nguyễn Kim khiến nhiều người đặt câu hỏi về tương lai của Zalora. Ở Việt Nam, Rocket Internet là cha đẻ của Lazada, Zalora, Foodpanda và Easy Taxi. Đến thời điểm này, các thương hiệu trên đều đã về với chủ mới. Easy Taxi lặng lẽ rút khỏi thị trường, Foodpanda về dưới trướng Vietnammm, Lazada Group bán 9,1% cổ phần cho Alibaba và được rót thêm 500 triệu USD. Trả lời phỏng vấn của NCĐT, một đại diện của Lazada cho biết bắt tay với Alibaba sẽ giúp Lazada nhận được trợ lực về vốn và kinh nghiệm. Liệu khi về với Nguyễn Kim, Zalora thay đổi thế nào?
Zalora Group được thành lập từ năm 2012, đặt trụ sở ở Singapore. Cùng với Lazada, Zalora là con át chủ bài để Rocket Internet tấn công thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Zalora hiện diện ở Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam. Còn tại Úc và New Zealand, thương hiệu này hoạt động dưới tên The Iconic. Zalola Group có hơn 2.000 nhân viên ở 10 quốc gia và định vị là một trang web trực tuyến về thời trang hoạt động theo mô hình B2C.
Lấy cảm hứng từ mô hình của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Zappos (Mỹ), Zalora đã định vị được chỗ đứng trong thị trường thời trang trực tuyến với nhóm khách hàng chính là nữ giới ở độ tuổi từ 25-35. Theo đại diện của Zalora Việt Nam, quy mô của công ty này đã tăng từ 2-4 lần kể từ năm 2012. Zalora hoạt động theo một công thức ngầm là “5+3+2” để cân bằng được tính bản địa và quốc tế trong kho hàng. Trong đó, 50% lượng hàng do Zalora thiết kế và sản xuất, 30% đến từ các thương hiệu trong nước và 20% của các thương hiệu quốc tế như Mango, New Look, Aldo... Chiến lược này được cho rằng khá khéo léo khi giúp Zalora trở thành một trong những công ty thương mại điện tử đầu tiên tự thiết kế và sản xuất dòng sản phẩm thương hiệu riêng. Sàn thương mại điện tử (marketplace) mà Zalora mở ra giúp các nhãn hàng thời trang nội địa có thêm kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước.
Dù thương mại điện tử tại Việt Nam mới chỉ chiếm 1% trong tổng thị trường bán lẻ, nhưng theo các chuyên gia, để thành công tại thị trường này, các công ty phải chấp nhận thua lỗ từ 5-7 năm. Oliver Samwer (1 trong 3 nhà sáng lập Rocket Internet) đã trả lời với báo chí: “Đối với các công ty như Zalora, cần mất từ 6-9 năm để hòa vốn, còn các sàn giao dịch như Lazada cần từ 5-7 năm”. Theo nguồn tin thân cận với Rocket Internet, Zalora được kỳ vọng sẽ hòa vốn vào năm 2020 hoặc năm 2021.
Trang công nghệ TechCrunch đưa tin Zalora Group đã có hơn 10 triệu lượt tải ứng dụng và 1,4 triệu giao dịch mỗi năm trên 10 nước châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo tài chính mới đây của Rocket Internet, doanh thu năm 2015 của Zalora Group đạt 234 triệu USD, tuy vậy lỗ ròng lại lên tới 105 triệu USD. Kết quả hoạt động của Zalora Việt Nam không lạc quan bằng những thị trường khác khi cựu CEO Zalora Việt Nam từng chia sẻ rằng, số tiền mà thị trường Việt Nam mua hàng trên trang web này chỉ bằng 1/4 so với công ty tại Singapore. Global Fashion Group, đơn vị quản lý các nhãn hàng thời trang của Rocket Internet tại những thị trường mới nổi, cũng đang gặp khó. Mới đây dù gọi vốn được 300 triệu USD nhưng công ty này được định giá chỉ khoảng 1 tỉ USD, bằng 1/3 giá trị so với chính mình cách đây 1 năm. Có thể thấy, quyết định bán Zalora của Rocket Internet ở một số nước để tập trung nhiều hơn cho những thị trường đem lại doanh thu khả quan hơn cũng là điều dễ hiểu.
Đến giữa năm 2016, kế hoạch này được cụ thể hóa bằng việc Zalora Thái Lan về với Central Group, còn Zalora Việt Nam về với Nguyễn Kim, hệ thống bán lẻ điện máy hàng đầu trên thị trường. Nhưng thực chất Zalora cũng là về dưới trướng Central Group Việt Nam khi tập đoàn này đã sở hữu 49% cổ phần của Nguyễn Kim. Giá trị mỗi thương vụ theo nguồn tin không chính thức là 10 triệu USD.
Sáp nhập Zalora Việt Nam chính là đòn bẩy để Central Group tham gia thị trường bán lẻ trực tuyến - mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh đa ngành của tập đoàn Thái này.
Có thể nói Central Group đang xây dựng một nền tảng kinh doanh tại Việt Nam khi mua lại những hệ thống bán lẻ đình đám như Big C, Nguyễn Kim; sở hữu các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng đồng giá, khách sạn... Trong lĩnh vực thời trang, Central Group đang phân phối nhượng quyền cho một số thương hiệu toàn cầu. Do đó, dễ nhận thấy, sáp nhập Zalora Việt Nam chính là đòn bẩy để Central Group tham gia thị trường bán lẻ trực tuyến - mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh đa ngành của tập đoàn Thái này.
Cả Central Group Việt Nam lẫn Zalora Việt Nam vẫn chưa hé lộ thông tin gì về kế hoạch trong thời gian tới sau khi về cùng một nhà. Nhưng nhìn vào con đường mà cả 2 đang đi, có thể thấy chiến lược omni channel - kết hợp giữa hệ thống bán lẻ online và cửa hàng offline - sẽ là hướng phát triển chính của Zalora Việt Nam. Trước đây, Zalora Việt Nam đã từng mở một cửa hàng trưng bày tại một trung tâm thương mại tại TP.HCM, kết hợp với một số người nổi tiếng, nhà thiết kế nội địa để tạo nên các bộ sưu tập riêng độc quyền phân phối trong hệ thống Zalora. Việt Nam như một hoạt động marketing ngắn hạn nhằm trải nghiệm thị trường và thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam để đưa ra những chiến lược lâu dài. Xác nhận với NCĐT, đại diện Zalora Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi hướng đi này, đồng thời tập trung nhiều hơn vào nền tảng công nghệ và tiếp tục tạo điều kiện cho các nhà thiết kế trong nước phát triển trong chuỗi cung ứng của mình. Trong thời gian tới, Zalora Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động mới như tăng cường nhiều mẫu thời trang trong nước; hợp tác với Samsung Vina Electronics; kết hợp với Tiketbox cung cấp những gợi ý về phong cách, sản phẩm thời trang cho khách hàng...
Trong khi đó, Central Group vẫn vững bước tiến lên ngôi vương trên thị trường bán lẻ Thái Lan và là 1 trong 5 tập đoàn kinh tế hùng mạnh nhất đất nước này. Với giá trị tài sản hơn 10 tỉ USD và có hơn 70.000 nhân viên tại Thái Lan trong các ngành bán lẻ, bất động sản, kinh doanh nhà hàng khách sạn, thì việc tấn công tiếp sang thương mại điện tử là nước cờ khá dễ hiểu của ông chủ người Thái. Bà Pornchanok Tanskul, Giám đốc của COL, đơn vị hoạt động về thương mại điện tử của Central Group, cho biết, Zalora được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi doanh số bán hàng online của Central Group bằng nguồn khách hàng và hệ thống sẵn có cùng với hơn 80.000 mã hàng trong kho. Zalora vì thế hy vọng từ cây “đũa mộc” trong tay Rocket Internet sẽ trở thành “đũa vàng” của Central Group.
My My
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư