Đầu tư nước ngoài buộc doanh nghiệp Việt phải mạnh lên
Các tập đoàn của Thái Lan đang từng bước chiếm lĩnh một số thị trường của Việt Nam, như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ.
Với lợi thế tài chính, khoảng cách địa lý và sự am hiểu về tập quán tiêu dùng, cộng với việc tiếp cận những thương hiệu lớn, vốn đã có uy tín tại Việt Nam đã giúp người Thái đi trước một bước trong việc tìm cách chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Các nhà đầu tư (NĐT) Thái Lan đã nhận thức được những thuận lợi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp mang lại cho Việt Nam. Luật Đầu tư của Việt Nam quy định khung pháp lý chung cho cả đầu tư nước ngoài và trong nước.
Trong thương vụ mua lại hệ thống siêu thị Big C, Central Group (Thái Lan) vượt qua Saigon Co.op đã thể hiện rõ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) nước ta còn hạn chế. Các nhà đầu tư Thái có tiềm lực hơn, có kinh nghiệm hơn, có sức cạnh tranh cao hơn các DN Việt. Thực ra, cách thức đầu tư của NĐT Thái Lan không có gì mới so với NĐT đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cạnh tranh toàn cầu, những NĐT Thái Lan buộc phải tối ưu hóa chuỗi sản xuất, tối thiểu hóa chi phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thay vì lo lắng bởi sự xuất hiện ngày càng nhiều NĐT nước ngoài tại thị trường Việt Nam nói chung và NĐT của Thái Lan nói riêng, DN Việt nên có cái nhìn lạc quan. Thứ nhất là môi trường đầu tư của Việt Nam đang hấp dẫn. Thứ hai là sự góp mặt của họ về lâu về dài không chỉ có lợi cho người tiêu dùng trong nước, mà bản thân DN Việt Nam sẽ lớn mạnh dần.
Đầu tư đến từ Thái Lan cũng như từ các nước khác vào Việt Nam buộc DN nước ta phải tạo ra sự liên kết. Tuy nhiên, đầu tư của Thái Lan tăng mạnh cũng phản ánh những cái yếu kém nội tại của nền kinh tế nước ta. Cụ thể, khả năng cạnh tranh của các DN nội địa chưa cao, chưa tận dụng được lợi thế "sân nhà".
Trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và DN Việt Nam, dĩ nhiên không thể đưa ra những rào cản hành chính. Các DN lớn của Việt Nam phải được xem là đầu tàu thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Muốn vậy, Nhà nước phải có giải pháp phát triển DN lớn, đặc biệt là Top 500 DN lớn nhất. Bên cạnh đó là những chính sách hỗ trợ về ngoại giao, pháp lý, hỗ trợ đầu tư cho các DN này để họ phát triển ra thị trường các nước.
Tính đến tháng 2/2016, các NĐT Thái Lan có 428 chương trình ĐT vào Việt Nam với tổng vốn khoảng 7,88 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, bán lẻ, xây dựng.
Vẫn có quan điểm trái chiều về đầu tư của người Thái tại Việt Nam, nhưng về dài hạn, nền kinh tế sẽ tốt hơn khi cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư thể hiện được sự minh bạch, công bằng. Nhà nước cần có những tiêu chí cho các NĐT, không phân biệt quốc tịch, đảm bảo loại bỏ những công trình sử dụng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường hay tác động đến việc làm của lao động Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào khu vực và thế giới. Đầu tư bây giờ không còn phân biệt quốc gia, nhất là với những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ranh giới về các NĐT đang dần bị xóa nhòa; nguồn gốc của một DN cổ phần hóa, có vốn từ nhiều NĐT nước ngoài, người nắm quyền chi phối, người nắm quyền quản lý cũng không có sự phân định rõ ràng.
Việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hay DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng mở rộng. Đây là một xu hướng, dù mỗi một xu hướng đều có điểm tốt và điểm chưa tốt tác động đến nền kinh tế, nhưng xã hội và cộng đồng DN cần chấp nhận như một thực tế, từ đó cải thiện, hoàn thiện mình để hòa nhập vào xu thế chung ấy.
TS. ĐInh Trọng Thắng - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương / Hoàng Anh
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn