Nissan và cuộc "thoát xác" cần thiết của Mitsubishi
Có vẻ như đang bị Nissan "nuốt chửng", nhưng trên thực tế, những bê bối dẫn tới việc đang bị thương hiệu đồng hương kiểm soát một phần vẫn có thể là tín hiệu tốt cho Mitsubishi.
Ngày 25/5 là thời điểm Nissan Motor, hãng xe lớn thứ hai tại Nhật Bản hoàn tất thỏa thuận 2,2 tỷ USD mua lại 34% cổ phần của Mitsubishi Motor. Như vậy, Nissan đã nắm quyền kiểm soát Mitsubishi và kế hoạch sắp tới của họ sẽ bổ nhiệm những vị trí mới nhằm thực hiện cuộc cải cách toàn diện.
"Kỷ nguyên Nissan" ở Mitsubishi
Tuyên bố đầu tiên về hợp đồng 237,4 tỷ yen (2,2 tỷ USD) mua lại 34% cổ phần Mitsubishi được CEO Nissan - Carlos Ghosn tuyên bố hôm 12/5. Đây là "cái kết" khá cay đắng nhưng hợp lý cho những bê bối trước đó của Mitsubishi xung quanh việc gian lận khí thải, khi hãng này thừa nhận đã qua mặt cơ quan chức năng trong các cuộc thử nghiệm tiết kiệm nhiên liệu trên 620.000 chiếc xe được bán ở Nhật từ năm 2013.
Cũng giống như trường hợp trước đó của nhà sản xuất Volkswagen, vụ lùm xùm này ảnh hưởng tệ hại tới uy tín của Mitsubishi, và trực tiếp tạo ra những khoản lỗ hàng tỷ USD. Trong phát biểu ở cuộc họp báo công bố hợp đồng mua cổ phần, ông Carlos Ghosn cũng khẳng định Nissan sẽ làm tất cả để cứu vãn tình thế.
"Nissan quyết tâm bảo vệ và duy trì thương hiệu Mitsubishi Motor. Chúng tôi sẽ giúp công ty này giải quyết những thách thức, đặc biệt là lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đã đặt vào khả năng tiết kiệm nhiên liệu của các dòng xe Mitsubishi", Carlos Ghosn nói.
Theo thông tin từ Reuters, Nissan và Mitsubishi sẽ đưa Mitsuhiko Yamashita làm người đứng đầu phụ trách công nghệ cho Mitsubishi. Ông Yamashita là phó chủ tịch phụ trách điều hành lĩnh vực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ từ năm 2005 tới 2014.
Với việc sở hữu 34% trong Mitsubishi, Nissan theo nguyên tắc có thể đề cử 1/3 vị trí trong bộ máy lãnh đạo của Mitsubishi, theo Reuters. Bản thân CEO Carlos Ghosn cũng cho biết ông tin rằng Mitsubishi sẽ nên do giám đốc của Nissan lãnh đạo. Điều này khiến nhiều nhà phân tích dự báo sẽ có một cuộc cải tổ mạnh mẽ ở những vị trí chóp bu.
Một sự kết hợp có lợi?
Việc Nissan mua lại số cổ phần đủ để kiểm soát hoạt động của Mitsubishi thoạt trông như một cuộc "thâu tóm" giữa hai thương hiệu Nhật Bản với nhau. Thế nhưng, ý nghĩa của hợp đồng này có thể còn lớn hơn.
Với Mitsubishi, những thông tin về hợp đồng được công bố lập tức khiến cổ phiếu Mitsubishi nhích lên. Số tiền 2,2 tỷ USD cũng đáng kể trong thời điểm Mitsubishi phải gồng gánh nhiều áp lực từ một vụ lùm xùm tai tiếng như vậy.
Việc cải tổ, chuyển giao sẽ là cách để thương hiệu này "làm lại từ đầu", tất nhiên với một nền tảng có sẵn. Thêm vào đó, trong tuyên bố về hợp đồng mua lại cổ phần, Nissan khẳng định sẽ phát triển song hành giữa hai thương hiệu Nissan và Mitsubishi và tất nhiên, Mitsubishi có sự can thiệp của Nissan. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cả hai thương hiệu trong việc đánh vào từng phân khúc thị trường.
Trang Cheat Sheet cho rằng CEO của Mitsubishi, ông Osamu Masuko, xem việc bán cổ phần cho Nissan là một cái lợi. Họ vẫn có doanh số tăng trong năm ngoái và dự đoán bùng nổ trong năm 2016 trước khi vụ bê bối xảy ra. Với việc phải đóng cửa nhà máy ở Normal, bang Illinois của Mỹ năm ngoái, Mitsubishi đã thu hẹp sản xuất và đó cũng là một điểm cho thấy họ chưa thực sự tiến xa trong việc chinh phục thị trường Mỹ hay thị trường Bắc Mỹ nói chung. Đó chắc chắn là điều Nissan, một tên tuổi ngay trên đất Mỹ, có thể "hỗ trợ" Mitsubishi xét theo góc độ nào đó.
Theo hướng ngược lại, Nissan vẫn rất cần Mitsubishi cho việc tạo dựng chỗ đứng tại các khu vực như Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, hoặc Đông Nam Á. Đó chính là lý do lớn để Nissan "vẫn giữ cho thương hiệu Mitsubishi Motor còn sống", theo Cheat Sheet.
Ngoài ra, trang tin tức Yahoo! dẫn lời ông Ghosn khẳng định chắc chắn Nissan sẽ kết hợp với Mitsubishi trong việc phát triển xe nhiên liệu mới. Các kế hoạch của họ sẽ bao gồm dòng xe hybrid, một dòng sản phẩm Mitsubishi đã phát triển và hiện tại chưa nằm trong danh sách của Nissan. Ông Ghosn nói: "Không nghi ngờ gì khi chúng tôi sẽ cùng phát triển những sản phẩm xe điện. Chúng tôi có chung nền tảng, nhưng sẽ có những sản phẩm hoàn toàn khác nhau".
Với sự kết hợp này, Nissan và Mitsubishi trên lý thuyết sẽ cùng tận dụng được thế mạnh của nhau ở từng phân khúc và thị trường riêng biệt, cũng như bổ sung cho nhau các ý tưởng, sản phẩm mới để bắt kịp cơn lốc của xe điện và những công nghệ tích hợp internet mới mẻ khác. Và trước hết, Nissan đã "cứu" Mitsubishi bàn thua trên bình diện uy tín, và đây chưa hẳn đã là vụ thâu tóm "tàn nhẫn" với Mitsubishi, một thương hiệu vốn đã rất quen thuộc.
Giang Lang
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn