Người Thái 'thèm' bia Việt
Thương hiệu bia lớn nhất Thái Lan là ThaiBev đã liên tục đăng ký mua cổ phần tại Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Cũng như các loại hàng hóa tiêu dùng khác, chẳng mấy chốc nữa người Việt có thể uống bia Chang, loại bia nổi tiếng của người Thái, thoải mái ngay trên sân nhà.
Thị trường vài tỉ USD
Tham vọng của ThaiBev đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn này không khó hiểu. Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA), năm 2015 sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở VN đạt 3,4 tỉ lít, tăng 10% so với năm trước và tăng gần 41% so với 2010. Trong đó, riêng Sabeco đạt 1,5 tỉ lít và nắm giữ khoảng 46% thị phần với thương hiệu bia 333 và Bia Sài Gòn. Kết thúc năm vừa qua, Sabeco đạt doanh thu thuần hơn 27.100 tỉ đồng, tăng gần 3% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 3.600 tỉ đồng, tăng 28%. Như vậy ước tính với hơn 3,4 tỉ lít bia được tiêu thụ thì doanh số thị trường đạt gần 70.000 tỉ đồng. Chưa kể đến hàng trăm triệu lít rượu và gần 5 tỉ lít nước giải khát các loại.
Theo lãnh đạo VBA, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà VN đã và sẽ ký với nhiều quốc gia trong thời gian tới sẽ giúp ngành có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hiệp hội cũng dự báo đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành đạt từ 4 - 4,25 tỉ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 - 9,2 tỉ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 - 360 triệu lít.
Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng thông báo mức độ tiêu thụ bia rượu của người VN trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần và hiện nằm trong top 25 của thế giới. Các con số thống kê cho thấy, trong khi lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua thì mức tiêu thụ tại VN lại tăng trưởng theo đường thẳng đứng. Nếu như năm 2010, lượng tiêu thụ ở mức 6,6 lít/người/năm, giai đoạn 2003 - 2005 là 3,8/lít/người/năm, thì dự báo đến 2025, con số này sẽ tăng lên 7 lít/người/năm. Như vậy chỉ sau 7 năm, từ vị trí thứ 8 ở châu Á (vào năm 2008) về mức tiêu thụ bia thì đến năm 2015 VN đã trở thành quốc gia tiêu thụ bia đứng thứ 3 châu Á và dẫn đầu khu vực ASEAN. Vì vậy, thị trường Việt có sức hút lớn đối với các công ty nước ngoài.
Miếng bánh béo bở
Bên cạnh ThaiBev, đã có nhiều doanh nghiệp ngoại cũng đăng ký tham gia nếu Sabeco bán cổ phần như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan) và SAB Miller (Mỹ). Tuy nhiên, ThaiBev tỏ ra quyết liệt nhất khi đã nhiều lần đưa ra đề nghị mua cổ phần Sabeco với trị giá tính theo đơn vị tỉ USD. Chẳng hạn từ tháng 11.2014, ThaiBev đã ngỏ ý muốn mua hết 53% cổ phần Sabeco định bán và định giá Sabeco khoảng 2 tỉ USD. Đến đầu tháng 2.2015, ThaiBev một lần nữa lên tiếng muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị khoảng 1 tỉ USD, tương ứng định giá cho công ty đã lên 2,5 tỉ USD.
Quyết tâm của doanh nghiệp Thái
Ngoài ThaiBev, tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi hiện đang sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk thông qua công ty con Fraser & Neave và đang quản lý khách sạn 5 sao Melia Hà Nội thông qua TTC Land. Tập đoàn này cũng đã sở hữu hệ thống phân phối Metro VN (nay được đổi tên thành Mega Market).
Mới đây, doanh nghiệp Thái này cũng tiếp tục có tên trong danh sách xin làm cổ đông chiến lược của Sabeco. Nhận định về điều này, TS Nguyễn Văn Sơn, Khoa Kinh tế và Quản lý công, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng với một số nước đông dân như VN thì mức tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ gia tăng nhanh hơn, trở thành thị trường cực kỳ tiềm năng đối với doanh nghiệp sản xuất bia. Bên cạnh đó, khi hội nhập kinh tế chung ASEAN và sau nữa là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hàng hóa từ VN dễ dàng lưu thông trong các nước thành viên với thuế thấp. Đồng thời mức giá nhân công tại VN cũng đang còn rẻ nếu so sánh với nhiều nước khác nên dòng vốn đầu tư đổ vào VN sẽ ngày càng nhiều. Đặc biệt đối với ngành bia, Chính phủ có những quy định kiểm soát nghiêm ngặt nên để tham gia thị trường thì việc mua lại các doanh nghiệp cùng nhà máy có sẵn là giải pháp tối ưu.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Sơn, Sabeco có những lợi thế tốt nhất trong hoạt động sản xuất nên cần xem xét kỹ khi bán cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại và có thể ưu tiên cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. “Sabeco đã vô địch về thị phần hàng trung cấp nên có thể nghiên cứu, đưa ra sản phẩm tiếp cận phân khúc cao cấp để mở rộng thị phần hơn nữa. Bản thân các doanh nghiệp khác vì doanh số nhỏ, thị phần ít hay công nghệ quá lạc hậu thì mới nên bán cho nước ngoài để thay đổi và tạo ra sự phát triển mới. Còn đối với Sabeco thì cớ gì phải chia miếng bánh béo bở cho người khác hưởng?”, TS Sơn nhận xét. Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nếu thông qua được Sabeco, công ty đang chiếm giữ thị phần lớn nhất nước trong ngành bia, thì việc mở rộng về thương hiệu, doanh số lẫn lợi nhuận sẽ càng nhanh chóng hơn. Chiến lược của các doanh nghiệp ngoại như Thái Lan được thực hiện khá bài bản, chuyên nghiệp và rất hợp lý trong cạnh tranh kinh doanh hiện đại. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi họ nhanh chóng phát triển mạnh tại VN. Đây cũng là bài học cho các công ty trong nước để không xem thường đối thủ cũng như xem lại chiến lược hoạt động của mình, không chỉ tập trung mỗi thị trường nội địa mà còn phải xây dựng thương hiệu ra khu vực và thế giới.
Mai Phương
Nguồn Thanh Niên