Kỳ vọng thị trường sơn
Nhà cửa và các công trình lớn nhỏ mọc lên ào ào đã giúp ngành sơn tăng trưởng khoảng 21%/năm trong giai đoạn từ năm 2003-2009.
Sau đó, ngành này có chững lại do ảnh hưởng của suy thoái bất động sản và xây dựng. Tuy vậy, ông Trần Văn Châu, Tổng Giám đốc Công ty Sơn Kelly Moore Việt Nam, cho rằng ngành này sẽ tăng trưởng trở lại. Ông ước tính thị trường sẽ đạt giá trị 2,5-3 tỉ USD vào năm 2022, dù trong năm 2009, ngành này mới đạt giá trị 620 triệu USD.
3 tỉ USD vào năm 2022
Đại diện những hãng sơn lớn như Akzo Nobel hay 4 Oranges cho biết họ rất kỳ vọng vào thị trường sơn Việt Nam và đang tích cực gia tăng sự có mặt tại thị trường này. Hiện nay, hầu hết những hãng sơn nổi tiếng trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam. AkzoNobel có 4 nhà máy trong khi 4 Oranges, Dulux, Jotun, Nippon... cũng đã đầu tư hàng chục triệu USD xây dựng nhà máy để nhanh chân chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó là những tên tuổi trong nước như Kova, Tison, Joton, Alphanam, Đồng Tâm, Hòa Bình, Đại Bàng... Mới đây, Petrolimex nhảy vào thị trường này với nhà máy sản xuất sơn đặt tại Bình Dương.
Theo thống kê của Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, từ 60 doanh nghiệp trong năm 2002, đến năm 2010 đã có đến khoảng 400 doanh nghiệp tham gia thị trường. Trong đó, khoảng gần 70% là sơn kiến trúc, phần còn lại 30% là sản phẩm phục vụ cho công nghiệp và mỹ thuật.
Thị trường sơn hiện nay được chia làm 4 phân khúc. Phân khúc cao cấp gồm những công ty đến từ Nhật, Mỹ hoặc Anh như Akzo Nobel, Nippon, Jotun. Đây là những doanh nghiệp có nhà máy cùng hệ thống phân phối tốt, chiếm 35% thị trường. Nhóm thứ 2 là các thương hiệu trung bình khá đến từ châu Á, chiếm 25% thị trường như 4Oranges, TOA, SeaMaster... Nhóm trung bình thấp chiếm 15% thị trường với các thương hiệu trong nước như Joton, Kova, Tison... Nhóm còn lại là các cơ sở sản xuất rải rác khắp cả nước, phục vụ cho các khách hàng thu nhập thấp, chiếm 25% thị trường.
Ông Châu, Kelly Moore, cho rằng nếu so sánh với những thị trường khác, có thể dễ dàng thấy tiềm năng của thị trường sơn Việt Nam còn rất lớn. Ông Châu dẫn chứng, thị trường Mỹ đã đạt 20-22 lít/người/năm, Tây Âu 15-16 lít/người/năm, Nhật, Đài Loan, Hồng Kông cũng đạt 12-13 lít/người/năm. Hiện nay, tiêu thụ sơn tại Việt Nam mới đạt 2,8-3 lít/người/năm.
Nội đấu ngoại
Tiềm năng còn lớn như vậy, song cạnh tranh cũng gay gắt, khi số doanh nghiệp sơn tính cho tới nay đã tăng lên đến khoảng 600, theo tính toán của ông Châu. Đã có nhiều doanh nghiệp dứt cánh ra đi vì không cạnh tranh nổi với những tên tuổi lớn. Năm 2009, số doanh nghiệp sơn rời bỏ thị trường là 20%, tương ứng khoảng 70 doanh nghiệp (theo thống kê của Hiệp hội Sơn và Mực in).
Thống kê cho thấy doanh nghiệp ngoại đã chiếm đến 60% thị trường, phần còn lại các doanh nghiệp Việt chia nhau. Các doanh nghiệp sơn trong nước vẫn đang trong một cuộc chiến muôn thuở, đó là cạnh tranh nội - ngoại. Sơn ngoại hầu hết đều có giá cao nên chỉ chiếm lĩnh thị trường thành thị còn sơn nội được bán ở nông thôn hoặc xuất khẩu, với giá trung bình chỉ bằng 1/3 so với giá bán các công ty nước ngoài đưa ra.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sơn Việt cũng còn có một lối đi khác, đó là thị trường ngách, điển hình là trường hợp sơn O7. Đây là thương hiệu Việt Nam nổi tiếng trong ngành sơn công nghiệp với sản phẩm sơn gỗ với mức tăng trưởng hằng năm gấp đôi tăng trưởng ngành. Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Sơn Duy Hoàng (O7) cho biết sơn gỗ chiếm 10-15% giá thành, nhưng có tính quyết định toàn bộ sản phẩm gỗ có thể xuất khẩu được hay không. Với kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 3,91 tỉ USD trong năm 2011, rõ ràng doanh thu của mảng sơn gỗ không hề nhỏ.
Vấn đề lớn đối với những doanh nghiệp sơn nội là ngân sách cho quảng bá còn hạn hẹp trong khi những thương hiệu ngoại lại rất chăm chỉ quảng cáo, tài trợ nhiều chương trình để quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn. Cuộc cạnh tranh nội - ngoại chắc chắn sẽ còn gay cấn hơn nữa vì các nhà kinh doanh nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường nông thôn. Những tên tuổi như Nippon, Dulux, Mykolor, TOA... đã có nhiều dòng sản phẩm giá thấp và mở rộng hệ thống đại lý về vùng quê. Ví dụ như sơn bột trét tường, giá cả của những dòng sơn ngoại đang rất cạnh tranh, có những sản phẩm chỉ có giá từ 32.000-100.000 đồng/kg, tương đương với những sản phẩm nội như Kova hay Joton… Về sơn nước, những nhãn hiệu mới như Homecote (TOA), Jotaslast (Jotun), Maxilite (Akzo Nobel) cũng là những dòng có giá tương đương sơn nội.