Mở lối cho hàng Việt

Thị trường đang chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều hàng hóa nước ngoài. Trước áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) buộc phải liên kết để mở lối cho hàng Việt.

Không thể không liên kết

Liên kết đang được xem là phương pháp hữu hiệu nhất đối với các DN Việt Nam hiện nay. Ngoài quảng bá, giới thiệu, trưng bày hàng hóa, việc liên kết giữa nhà bán lẻ với nhà sản xuất sẽ giúp nhà bán lẻ và DN kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.

Ông Nguyễn Thành Nhân - TGĐ Saigon Co.op cho biết, việc xuất hiện ngày càng nhiều những thương hiệu bán lẻ lớn nước ngoài tại Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, điều này buộc nhà sản xuất và cả nhà bán lẻ nội địa phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phải liên kết mới giữ được khách hàng. Mối liên kết này càng chắc thì siêu thị và nhà sản xuất càng có lợi.

Để giữ thị trường, ông Nhân cho rằng, ngoài việc liên kết, bản thân từng DN Việt phải tìm cách phát huy lợi thế cạnh tranh riêng. Đối với Saigon Co.op, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới kinh doanh có sẵn theo hướng lựa chọn những địa điểm thuận tiện đồng thời nghiên cứu và phát triển các mô hình thương mại mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Mở lối cho hàng Việt

"Phiên chợ xanh tử tế” thu hút người tiêu dùng. Ảnh: X.Thảo

"Chúng tôi cũng tập trung phát triển nguồn hàng, dịch vụ logistics để hàng hóa đến điểm bán thuận tiện nhất với chi phí thấp nhất đồng thời tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, phục vụ tốt hơn khách hàng", ông Nhân cho biết.

Cách liên kết cụ thể giữa nhà sản xuất và phân phối được Saigon Co.op triển khai thông qua các chương trình thu mua, quảng bá và khuyến mãi song song với bán hàng lưu động để giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng đến người tiêu dùng. "Chúng tôi đồng hành cùng DN, gắn kết và tương trợ nhau để cùng phát triển. Điều này mang đến thành công cho DN và cho cả Saigon Co.op", ông Nhân nói.

Cũng bằng cách liên kết với nhà sản xuất, hệ thống siêu thị Big C tổ chức chương trình "Hàng Việt trong tim người Việt" trong suốt tháng 5 - một hoạt động của chương trình đồng hành và xúc tiến phát triển thương hiệu Việt năm 2016. Ông Nguyễn Xuân Hải - Phó chủ tịch điều hành toàn quốc Hệ thống siêu thị Big C cho biết, thông qua chương trình này, Big C cam kết tạo mối quan hệ tốt đẹp hơn nữa đối với nhà sản xuất trong suốt thời gian qua. Big C sẽ là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam phát triển lớn mạnh để có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Bên cạnh đó, chương trình Tuần hàng Việt Nam cũng đã được triển khai nhiều năm qua nhằm tôn vinh thương hiệu Việt và đưa hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng. Năm nay, Tuần hàng Việt Nam ra mắt với nhiều chương trình đặc biệt và kết thúc bằng chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan vào ngày 18/7 tới.

Đánh giá về chương trình của Big C, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, nhà đầu tư mới của Big C muốn đưa thêm nhiều hàng Việt Nam có chất lượng vào hệ thống này đồng thời cam kết hỗ trợ cho chương trình xuất khẩu hàng Việt Nam đi các nước, trong đó có thị trường Thái Lan, ASEAN. Việc của các DN Việt Nam là làm sao để chất lượng hàng hóa ổn định, đưa thêm nhiều sản phẩm mới, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giá cả cạnh tranh.

Việc của các DN Việt Nam là làm sao để chất lượng hàng hóa ổn định, đưa thêm nhiều sản phẩm mới, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giá cả cạnh tranh.

Tạo "sân chơi" mới

Bên cạnh các chương trình trực tiếp từ các nhà phân phối, các cơ quan quản lý cũng bắt tay vào việc mở rộng đầu ra cho hàng Việt. Vào tháng 7 tới, chương trình kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm an toàn, giúp các tỉnh, thành đưa rau củ quả, trái cây, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đến các kênh tiêu thụ ở TP.HCM và các địa phương. Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và các sở, ngành tổ chức. Ngoài việc mở ra các kênh phân phối mới cho nhà sản xuất, chương trình còn xây dựng dữ liệu vùng về đầu tư - thương mại.

Mới đây, Saigon Co.op đã ký kết với một số đơn vị, ban ngành và DN đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Theo ông Phạm Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, đơn vị sẽ chủ động liên kết hợp tác, ứng vốn, phối hợp cùng các nhà sản xuất chiến lược tiếp thị sản phẩm hữu cơ chất lượng cao đến khách hàng trên toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, trong đó có 180 điểm (82 siêu thị Co.opmart, 2 Co.opXtra và 96 cửa hàng thực phẩm Co.op Food) bán hàng nhu yếu phẩm đạt chuẩn an toàn và thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn VietGAP, VietGAP nhãn xanh. Tại mỗi siêu thị, Saigon Co.op sẽ dành một khu vực nhận diện dành riêng cho sản phẩm hữu cơ.

Cũng với mục tiêu kết nối các nhà sản xuất với phân phối và tiêu dùng, tháng trước, BSA đã tổ chức "Phiên chợ xanh tử tế”, giới thiệu đến người tiêu dùng các mặt hàng nông sản sản xuất trong nước. Chương trình này nhằm hỗ trợ nông gia, hợp tác xã làng nghề, các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận thị trường TP.HCM.

Theo đó, vào thứ Bảy và Chủ nhật của tuần thứ nhất và thứ ba mỗi tháng, các nông gia, hợp tác xã làng nghề, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam Bộ sẽ mang rau xanh, trái cây, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến, bánh, mứt... được sản xuất bằng phương pháp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến phiên chợ (tại 163 Pasteur, Q.3, TP.HCM).

Tại đây, các chuyên gia cũng sẽ huấn luyện cho người bán lẻ, DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp về cách trưng bày hàng hóa, bán hàng, kinh nghiệm giao tiếp khách hàng. Theo bà Vũ Kim Hạnh, tham gia phiên chợ, người sản xuất có cơ hội nâng cao kỹ năng tiếp thị, bán hàng và hiểu biết thêm nhu cầu của người tiêu dùng để có phương án trồng trọt, chế biến sản phẩm phù hợp.

Minh Hào
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn