‘Tâm lý người mua là thách thức lớn với thương mại điện tử’
Ông Lê Phương Tùng, Giám đốc Marketing của Tiki - một trong những đơn vị thương mại điện tử lớn tại Việt Nam nhận định về xu hướng thị trường sắp tới.
* Các phân tích thị trường đều cho thấy 2016 là thời điểm hứa hẹn bùng nổ của thương mại điện tử. Tiki là một doanh nghiệp lớn trong ngành, ông nhận định như thế nào về tiềm năng trong năm nay?
Thật ra thương mại điện tử đã được gọi là "bùng nổ" bắt đầu từ cách đây 2 năm, khi các mô hình groupon (mua hàng theo nhóm) xuất hiện.Theo hãng nghiên cứu thị trường EuroMonitor, nếu năm 2011, tỷ trọng thương mại điện tử Việt Nam chiếm 0,25% thị trường, đạt 154 triệu USD; đến cuối năm 2016, tỷ trọng này dự kiến tăng gần gấp 3 lần, đạt 0,71% với giá trị vốn hóa tăng gấp 6 lần, đạt trên 900 triệu USD (trên 20.000 tỷ đồng). Vì vậy tiềm năng của ngành này ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
* Tiềm năng là điều nhiều chuyên gia nhận định về thương mại điện tử Việt Nam. Nhưng để khai thác tốt, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp là gì?
Thách thức trước mắt là làm sao để xóa những rào cản về tâm lý của người mua hàng. Thách thức về lâu dài và cũng lớn nhất là lòng tin. Tiếp theo là sự tiện lợi trong quá trình trải nghiệm mua hàng: từ chọn sản phẩm, đặt mua, thanh toán cho đến lúc nhận được món hàng.
* Ông có thể đưa ra một số dự đoán cụ thể về các xu hướng mới của thị trường 2016 so với 2015 và Tiki đã có sự chuẩn gì nắm bắt thời cơ này?
Thương mại điện tử giúp việc mua sắm dễ dàng và tiện lợi. Vì vậy, những hoạt động xung quanh sẽ được phát triển, và nếu làm tốt nó sẽ trở thành xu hướng. Đầu tiên là Mobile Ecommerce (mCommerce), mua sắm điện tử qua thiết bị di động. Hiện tại có đến hơn 30% dân số Việt Nam truy cập Internet thông qua thiết bị di động, nên đây là một nền tảng tốt để tiếp cận và phát triển người dùng. Tiki đã có ứng dụng và vẫn đang cập nhật thường xuyên để tối ưu nhất trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Xu hướng tiếp theo là ở mảng thanh toán. Trước đây khi đặt hàng trực tuyến, người tiêu dùng vẫn mang tâm lý "sợ" sản phẩm nhận được không đúng như khi đặt, nên thường chọn cách thanh toán trả tiền mặt khi đã có hàng. Tuy nhiên, khi khách hàng đã quen mua sắm trực tuyến và tìm thấy những địa điểm tin cậy, họ sẵn sàng thanh toán trước qua thẻ để tiện lợi hơn. Lúc này, hệ thống thanh toán trực tuyến cần phải ổn định và an toàn. Vì vậy, Tiki đã và đang hợp tác chiến lược với các cổng thanh toán cũng như ngân hàng để khuyến khích và tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán trực tuyến.
* Kế hoạch và mục tiêu của Tiki trong năm 2016?
Mục tiêu lớn của Tiki là trở thành trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam. Lớn nhất mang ý nghĩa là đa dạng nhiều sản phẩm; uy tín và được tin mua bởi nhiều khách hàng. Để làm được điều đó thì như đề cập ở trên, cần nỗ lực để xóa bỏ những rào cản về tâm lý, tạo sự thuận tiện trong trải nghiệm. Bởi lẽ, điểm khác biệt ở thương mại điện tử chính là dịch vụ.
* Mùa Tết vừa qua, doanh nghiệp đua nhau kích cầu cũng như tương tác người dùng bằng nhiều hình thức. Tiki đã làm gì và đạt kết quả ra sao?
Bước đi đầu tiên của Tiki trong năm 2016 chính là hợp tác với Zalo trong chương trình Lộc Táo quân và tặng lộc may mắn đầu năm cho hàng triệu khách hàng. Zalo là một ứng dụng liên lạc trên di động thu hút người dùng nhất Việt Nam hiện nay. Chúng tôi mong muốn với sự kết hợp này, nhiều khách hàng sẽ biết đến và trải nghiệm cảm giác mua sắm tiện lợi tại website và ứng dụng Tiki. Trong thời gian sắp tới, Tiki mừng sinh nhật tuổi lên 6 với nhiều chương trình khuyến mãi lớn, đồng thời phủ xanh hội sách thành phố vào cuối tháng 3. Ngoài ra, trong năm nay, công ty cũng tổ chức chương trình “Dzựt cô hồn”, “Tiki Summer Sales”, “Online Friday” và giảm giá mạnh nhiều mặt hàng khác nhau.
Giang Minh Nguyệt
Nguồn Zing News